Trong quá trình toàn cầu hóa, thị trường Việt Nam là một bộ phận của thị trường quốc tế, do đó khi xây dựng sàn giao dịch nông sản chúng ta phải học tập kinh nghiệm, mô hình tổ chức, cách thức quản lý, điều hành… từ các sở giao dịch nước ngoài, để vận dụng một cách có hiệu quả phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Hơn nữa, với việc gắn kết các thị trường thông qua hệ thống máy tính nối mạng toàn cầu, các thông tin từ thị trường quốc tế tất yếu sẽ ảnh hưởng đến thị trường trong nước, những biến động mang tính quốc tế tất yếu sẽ tác động đến tất cả thị trường, do đó nhu cầu hợp tác quốc tế là một đòi hỏi tất yếu của Việt Nam khi xây dựng thị trường này.
Chính vì thị trường trong nước không thể tách rời thị trường thế giới nên chúng ta phải cử người đi học ở nước ngoài về chuyên môn quản trị và cả về công nghệ thông tin, học hỏi nước ngoài cả sự nhạy bén trong nắm bắt và xử lý thông tin. Dần dần hình thành những bản tin thị trường hữu ích cho những người tham gia giao dịch bao gồm cả thông tin trên thị trường thế giới và cả thông tin từ thị trường trong nước làm cơ sở cho các quyết định giao dịch thống nhất có hiệu quả. Biện pháp đặt ra là vậy song để cử người có đủ trình độ chuyên môn và cả trình độ ngoại ngữ để tiếp
thu kiến thức từ các khoá đào tạo của nước ngoài cũng gặp nhiều trở ngại trong khi nguồn nhân lực trình độ cao đang thiếu hụt nghiêm trọng nhất là ở các tỉnh miền trung – Tây nguyên.