xác lập và thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lý mà pháp luật quy định khi tham gia vào những quan hệ pháp luật cụ thể.
Năng lực hành vi của chủ thể chỉ đạt được trong những điều kiện nhất định theo quy định của pháp luật. Ví dụ: người bị bệnh tâm thần phân liệt thì không có năng lực hành vi để ký kết các loại hợp đồng. Hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi thì giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người đó phải có
sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Trường hợp người bị mất năng lực hành vi hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự phải do Tòa án tuyên bố bằng một quyết định theo đề nghị của người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan. Ví dụ: Người nghiện ma tuý, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan, Toà án có thể ra quyết định tuyên bố là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Năng lực hành vi của cá nhân xuất hiện muộn hơn năng lực pháp luật và phụ thuộc vào nhiều yếu tố: như độ tuổi, khả năng nhận thức, trình độ chuyên môn, tình trạng sức khỏe… Thông thường, đa số các ngành luật dựa vào hai tiêu chí vào độ tuổi và khả năng nhận thức để xác định năng lực hành vi của các chủ thể là cá nhân.
- Về độ tuổi: tuỳ thuộc vào từng ngành luật mà độ tuổi để xác định năng lực hành vi được quy định khác nhau. Như trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên, nam từ đủ 20 tuổi trở lên thì được xem là đủ tuổi kết hôn. Trong hình sự, cá nhân từ đủ 14 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về những tội đặc biệt nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng do cố ý. Trong lao động, người lao động phải đạt độ tuổi từ 15 tuổi trở lên và có khả năng lao động thì mới được tham gia vào các quan hệ pháp luật lao động. Trong lĩnh vực dân sự, độ tuổi xác định năng lực hành vi của cá nhân tính như sau:
+ Người chưa đủ sáu tuổi: hoàn toàn không có năng lực hành vi dân sự; + Người từ đủ sáu đến dưới 15 tuổi: có năng lực hành vi dân sự một phần, họ có thể tự xác lập những giao dịch nhỏ nhằm phục vụ sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi;
+ Người từ đủ mười lăm đến dưới mười tám tuổi: có năng lực hành vi dân sự một phần, ngoài việc được xác lập những giao dịch nhỏ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt họ còn có thể xác lập những giao dịch lớn mà không cần sự đồng ý của người đại diện, nếu bản thân họ có tài sản riêng đủ để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ của mình trong các giao dịch đó.
+ Người từ đủ mười tám tuổi trở lên: được xem là có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có thể tự mình tham gia vào tất cả các giao dịch hợp pháp.
- Điều kiện về khả năng nhận thức: thông thường năng lực nhận thức của mỗi người được xác định qua độ tuổi. Nước ta thường lấy mốc 18 tuổi là được xem như đã phát triển hoàn thiện về thể lực cũng như trí lực. Độ tuổi này có thể độc lập suy nghĩ và chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp đạt đủ độ tuổi nhưng khiếm khuyết về trí lực thì cũng có thể bị xem là không có năng lực nhận thức.
Ví dụ: người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà mất khả năng nhận thức thì có thể bị Toà án tuyên bố là mất năng lực hành vi dân sự. Mọi giao dịch liên quan đến người mất năng lực hành vi dân sự đều phải thông qua người đại diện, kể cả những giao nhỏ nhằm phục vụ sinh hoạt hàng ngày.
- Năng lực pháp luật là điều kiện cần, năng lực hành vi là điều kiện đủ để cá nhân, tổ chức trở thành chủ thể của quan hệ pháp luật; Đây là những thuộc tính gắn liền với các cá nhân, tổ chức nhưng không phải là thuộc tính tự nhiên, sẵn có mà đó là những thuộc tính pháp lý do Nhà nước thừa nhận thông qua các quy định của pháp luật.
4.2.2. Các loại chủ thể