3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
3.2. Phương pháp đánh giá tổng hợp chất lượng rau trên địa bàn thành phố Hà Nội
phố Hà Nội.
Chất lượng một sản phẩm không phải là một kết quả ngẫu nhiên, nó là kết quả tác động của hàng loạt yếu tố có liên quan chặt chẽ với nhau, bao gồm các yếu tố đầu vào và các quá trình từ đầu vào đến đầu ra. Chất lượng rau cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Phương pháp đánh giá chất lượng rau dựa vào phân tích đặc tính của rau thành phẩm và so sánh kết quả với các tiêu chuẩn sẵn có là cách làm phổ biến; tuy nhiên đó chưa phải là phương pháp thực sự hiệu quả, nhất là nhìn
trên khía cạnh kinh tế và thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh rau ở Hà Nội. Cách làm hiệu quả hơn là, ngoài khâu phân tích đánh giá chất lượng rau thành phẩm, cần thực hiện quá trình kiểm soát chất lượng rau từ các yếu tố đầu vào, quá trình sản xuất đến các sản phẩm đầu ra. Phương pháp kiểm soát, đánh giá tổng hợp chất lượng rau này giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra ngay từ các khâu chọn đất, chọn giống, chăm bón, canh tác... Nói khác đi, đây là cách thức kiểm soát cả quá trình từ sản xuất đến khi rau được đưa vào tiêu thụ, giúp phát hiện và khắc phục ngay những yếu tố có thể ảnh hưởng đến chất lượng rau trồng - thay vì chỉ có thể biết được chất lượng rau khi rau đã trở thành thương phẩm. Kiểm soát toàn diện cả quá trình, vì thế, sẽ giúp đảm bảo rau thành phẩm có khả năng cao nhất đáp ứng các yêu cầu về chất lượng.
Ngoài ra, Phương pháp kiểm soát và đánh giá tổng hợp chất lượng rau còn giúp giảm thiểu các rủi ro về chất lượng cho rau, và như thế giúp giảm tổng chi phí xã hội trên mỗi đơn vị rau thương phẩm khi rau trồng ra có khả năng đáp ứng tốt hơn yêu cầu về chất lượng. Hơn thế nữa, nó cũng giúp chính người trồng rau có thể giảm chi phí sản xuất trong dài hạn (ví dụ như khi so với rau được sản xuất ra và chỉ trước khi ra thị trường mới biết là không đạt yêu cầu), và giúp cơ quan quản lý giảm chi phí quản lý hành chính, thực thi pháp luật trong dài hạn.
Khi rau thương phẩm đáp ứng tốt được các chỉ tiêu chất lượng, chi phí xã hội cũng theo đó giảm đi (khi giảm nguy cơ ngộ độc do ăn rau, giảm chi phí y tế cho các vấn đề về sức khỏe do ăn rau mà ra, giảm chi phí khắc phục ô nhiễm môi trường do trồng rau...). Trong ngắn hạn, áp dụng phương pháp này sẽ làm tăng chi phí (do thêm chi phí phân tích đất, nước, chi phí đầu tư thiết bị kỹ thuật...). Nhưng trong dài hạn, phần chi phí tăng thêm ban đầu này sẽ được bù đắp hoàn toàn bởi các chi phí cắt giảm được trong việc kiểm soát, đánh giá chất lượng cũng như những tiết kiệm tài chính cho việc khắc phục
chất lượng rau không đảm bảo (do giảm số lượng rau không đảm bảo chất lượng), khắc phục ô nhiễm môi trường (do ít tác động xấu đến môi trường), chữa trị bệnh tật và nâng cao sức khỏe người dân (do rau đáp ứng tốt hơn yêu cầu chất lượng nên giảm số trường hợp ngộ độc do rau, giảm tác động xấu đến sức khỏe ra ăn rau không an toàn...). Áp dụng phương pháp này còn đảm bảo nền nông nghiệp thành phố nói chung và hoạt động sản xuất, tiêu thụ rau trở nên bền vững hơn – cả về mặt kinh tế, sinh thái và môi trường.
Với những cơ sở ban đầu mà Hà Nội đã tạo được thông qua việc quản lý, kiểm soát chất lượng rau tiêu thụ trên địa bàn thành phố (như các mô hình trồng rau an toàn, việc tăng cường thanh tra, kiểm tra chất lượng rau trên địa bàn thành phố trong thời gian qua...), việc áp dụng phương pháp kiểm soát, đánh giá tổng hợp chất lượng rau trên địa bàn thành phố là hoàn toàn khả quan. Về phương diện pháp lý, các quy định đã ban hành về vệ sinh an toàn thực phẩm (ví dụ Quy định quản lý sản xuất, kinh doanh rau, quả và chè an toàn (2008); VietGAP (2008); Quy chế chứng nhận VietGAP cùng các quy định liên quan của Hà Nội) tạo ra cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc áp dụng này.