Đặc điểm lịch sử

Một phần của tài liệu Vận dụng tư tưởng hồ chí minh về văn hóa trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc h’mông ở sa pa – lào cai hiện na (Trang 62 - 64)

Theo các tài liệu để lại, tên gọi xưa nhất của Sa Pa là Hùng Hồ (Suối nước đỏ) chỉ khu vực thị trấn Sa Pa và một số xã lân cận. Khi chiếm được Sa Pa, thực dân Pháp đã thực hiện chiến dịch dồn dân từ vùng Hùng Hồ xuống chân dãy núi Hoàng Liên Sơn, thành lập làng Xín Chải (Làng mới) thuộc San Sả Hồ ngày nay. Đồng thời chuyển chợ từ Sa Pả (bãi cát) lên Hùng Hồ vẫn gọi là chợ Sa Pả, lâu ngày phát âm chệch đi gọi là Sa Pa (Chapa). Vì thế, tên Sa Pa được hình thành và trở thành tên huyện cho đến ngày nay. Từ năm 1954, Sa Pa được sắp xếp lại thành 17 xã và 01 thị trấn cho đến hiện nay. Đó là thị trấn Sa Pa và các xã Lao Chải, Nậm Cang, Nậm Sài, San Sả Hồ, Tả Phìn, Bản Khoang, Suối Thầu, Thanh Kim, Tả Van, Sa Pả, Thanh Phú, Bản Hồ, Hầu Thào, Trung Chải, Sử Pán, Bản Phùng, Tả Giàng Phình.

Người H’Mông có tên tự gọi H’Mông, Na Miẻo và thực tế họ tự nhận mình là người Mông (có nghĩa là Người). Hội nghị cốt cán dân tộc H’Mông năm 1978 do Ủy ban Dân tộc của Chính phủ chủ trì đã thống nhất gọi là dân tộc Mông. Tuy nhiên, trong văn phong khoa học, luận văn thống nhất sử dụng là H’Mông.

Dân tộc H’Mông có các nhóm địa phương: Mông Đơ (H’Mông trắng), Mông Lềnh (H’Mông Hoa), Mông Sí (H’Mông Đỏ) thực chất là Mông Hoa, Mông Đú (H’Mông Đen), Mông Súa (H’Mông Mán), H’Mông Xanh. Cơ sở để phân chia dân tộc H’Mông thành các nhóm là dựa vào màu sắc, trang phục và cách tạo hoa văn lên y phục của họ.

Dân tộc H’Mông thường cư trú ở độ cao từ 800m đến 1.500m so với mực nước biển và tập trung ở miền núi vùng cao phía Bắc Việt Nam như các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Nghệ An… Do tập quán du mục nên một số người H’Mông trong những thập kỉ 80 – 90 đã di cư vào Tây Nguyên, sống rải rác ở một số nơi thuộc Gia Lai – Kon Tum. Theo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người H’Mông có dân số 1.068.189 người, H’Mông là dân tộc có số dân đông thứ tám ở nước ta, cư trú tại 62/63 tỉnh thành phố. Ở Lào Cai, số người H’Mông là 146.147 người, chiếm 23,8% dân số toàn tỉnh và 13,7% tổng số người H’Mông, cư trú chủ yếu ở huyện Bắc Hà và Si Ma Cai. Ở Sa Pa, tính đến năm 2012, dân tộc H’Mông có 28.893 người chiếm 51,56% dân số của huyện Sa Pa.

Đa số người H’Mông ở nước ta hiện nay là từ Trung Quốc nhập cư vào, chỉ có một số ít ở Thanh Hóa và Nghệ An nhập cư qua đường biên giới Việt – Lào. Theo những tư liệu lịch sử, người H’Mông có nguồn gốc từ tỉnh Quý Châu, di chuyển tới tỉnh Vân Nam rồi vượt biên giới Việt – Trung vào Si Ma Cai, từ Si Ma Cai họ tới cư trú ở Sa Pa. Thời điểm người H’Mông đến Sa Pa

có ý kiến cho rằng vào khoảng cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX, song chưa có đủ tài liệu để chứng minh kết luận này là đúng. Cho tới nay, hầu hết các địa danh ở Sa Pa đều đặt theo nghĩa tiếng H’Mông và được các cư dân Tày – Thái công nhận, chứng tỏ rằng người H’Mông tới cư trú ở Sa Pa khá lâu, song không thể trước thời điểm giữa thế kỷ XIX. Mọi tài liệu nghiên cứu về lịch sử di cư của người H’Mông vào Việt Nam đều cho rằng người H’Mông di cư sớm nhất vào nước ta khoảng những năm 1930 của thế kỷ XIX và ở hướng Đồng Văn, Mèo Vạc, Hà Giang chứ không phải Lào Cai. Bên cạnh đó, các cụ già người H’Mông Sa Pa đều cho rằng người H’Mông đã ở Sa Pa được khoảng 150 năm, như vậy thời điểm giữa thế kỷ XIX người H’Mông định cư ở Sa Pa là đáng tin cậy và có cơ sở.

Người H’Mông ở Sa Pa gồm các nhóm: Mông Đơ (H’Mông trắng), Mông Đú (H’Mông Đen), chủ yếu là người H’Mông Đen. Họ cư trú tại 17 xã và thị trấn Sa Pa, trong đó tập trung nhất ở các xã Tả Giàng Phình, Bản Khoang, Sa Pả, Trung Chải, Hầu Thào, Lao Chải, Sử Pán, San Sả Hồ.

Đặc điểm chung về cư trú của người H’Mông là họ thường lập làng ở những sườn núi cao. Bên cạnh những nét chung mang đậm nét đặc sắc của bản sắc văn hóa dân tộc H’Mông nói chung, dân tộc H’Mông ở Sa Pa còn có những nét riêng mang dấu ấn độc đáo của mình, thể hiện qua văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần.

Một phần của tài liệu Vận dụng tư tưởng hồ chí minh về văn hóa trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc h’mông ở sa pa – lào cai hiện na (Trang 62 - 64)