* Văn hóa dân tộc
Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo xứ Nghệ giàu truyền thống văn hóa, lại xuất thân trong một gia đình Nho học yêu nước, ngay từ nhỏ, cậu bé Nguyễn Sinh Cung - Hồ Chí Minh đã có điều kiện để tiếp nhận những tinh hoa văn hóa dân tộc, của nền văn hóa Việt Nam được hình thành và phát triển qua hàng ngàn năm dựng dựng nước và giữ nước, trở thành nguồn nuôi dưỡng tinh thần giúp cho dân tộc chiến thắng thiên tai cũng như âm mưu đồng hóa của mọi kẻ thù xâm lược. Cùng với sự ham hiểu hiểu biết, cởi mở tiếp thu để làm giàu tri thức cho chính bản thân mình, vốn văn hóa của gia đình, quê hương, dân tộc là điểm tựa để Hồ Chí Minh thâu thái tinh hoa văn hóa nhân loại làm giàu cho bản sắc văn hóa dân tộc trong hành trình hoạt động và đấu tranh cách mạng.
Quê hương Nghệ An nằm trong vùng khí hậu khắc nghiệt. Con người xứ Nghệ cần kiệm, đoàn kết, thương yêu giúp đỡ nhau… trong sản xuất, mưu sinh và chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Theo chiều dài lịch sử, người dân Nghệ An luôn tham gia vào các cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc, từ chống phong kiến phương Bắc đến chống thực dân Pháp xâm lược… Đầu thế kỷ XX, Phan Bội Châu, một chí yêu nước người Nam Đàn, Nghệ An đã khởi xướng phong trào Đông Du… Không chỉ có vậy, Nghệ An còn nổi tiếng là
vùng đất hiếu học, với nhiều người đỗ đạt cao, đem tài đức ra giúp dân, giúp nước. Trong số rất nhiều khoa bảng nổi danh như: Trạng nguyên Bạch Liêu, Trạng nguyên Hồ Tông Thốc, Thám hoa Nguyễn Văn Giai… thì huyện Nam Đàn có 4 người học giỏi được gọi là “Tứ hổ” (San, Đôn, Lương, Quý) và ông Vương Hữu Lương là người làng Kim Liên (quê nội của Nguyễn Sinh Cung). Làng Kim Liên - quê nội của Hồ Chí Minh cũng có nhiều người đỗ đạt. Nho sĩ của làng khá đông và nơi đây trở thành nơi lui tới thường xuyên của các Nho sĩ quanh vùng.
Nghệ An còn là một trung tâm văn hóa, có kho tàng văn học dân gian phong phú, đa dạng. Cả hai làng Kim Liên và Hoàng Trù còn là đất “hát phường vải” - một sinh hoạt văn hóa dân gian lâu đời tạo nên đặc trưng của văn hóa Nam Đàn. Ngay từ nhỏ, Hồ Chí Minh đã được nghe những làn điệu dân ca của quê mình từ bà ngoại, từ người dì; được hưởng sự giáo dục đúng đắn, chỉ dạy tận tình của ông bà, cha mẹ, thầy học; được sống trong tình thân và nuôi dưỡng trong lối sống văn hóa của gia đình, làng xóm… Bằng tình yêu, sự nhạy cảm và trí tuệ mẫn tiệp, Người đã sớm hiểu, trân trọng lịch sử dân tộc, truyền thống của cha ông và với lòng yêu nước, thương dân, bầu nhiệt huyết của mình, Hồ Chí Minh đã sớm có chí hướng, hoài bão cứu nước, cứu dân.
Cùng với thời gian, có thể nói văn hóa dân tộc luôn được các thế hệ cha ông có ý thức bảo tồn và phát huy chính là cội nguồn hình thành tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh nói chung cũng như tư tưởng của Người về giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc nói riêng. Theo Hồ Chí Minh, vì có tiếp thu chọn lọc nên bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam ngày càng phong phú và do đó trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cũng cần có sự vận động, phát triển. Theo đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam thể hiện rõ là: (1)- Giữ gìn, bảo vệ những giá trị
truyền thống tốt đẹp, lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc…- cái nôi, nguồn dinh dưỡng nuôi sống tinh thần của cả dân tộc. Cha ông ta đã kiên cường đấu tranh để bảo vệ giang sơn gấm vóc, đồng thời bảo vệ cả phong tục tập quán của người Việt như cưới xin, nhuộm răng, xăm mình, để tóc dài… mang đậm bản sắc dân tộc Việt. Nhưng khi chủ nghĩa thực dân và văn hóa phương Tây tràn vào, một mặt, các phong trào đấu tranh yêu nước phát triển mạnh để đánh giặc, giữ nước; mặt khác, biết gạn đực khơi trong để gắn bảo tồn và phát triển văn hóa với cải cách, duy tân trên tinh thần không thể “đóng cửa” mà phải tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. (2)- Giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống như tình thương dân, đoàn kết toàn dân, lấy dân làm gốc,v.v.. của các bậc Vua hiền được lưu truyền trong văn học dân gian, thần thoại từ đời này sang đời khác nhằm chấn hưng văn hóa dân tộc. Đó chính là, cả trong chiến tranh và hòa bình, “vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức” và “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc” trên cơ sở “lấy dân làm gốc” luôn được quán triệt, thực hiện. Thấu hiểu sâu sắc rằng, "chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân", coi trong vai trò của nhân dân, Hồ Chí Minh đã bổ sung và yêu cầu mỗi người cán bộ, đảng viên phải “Trung với nước, hiếu với dân”, “lấy dân làm gốc”… (3)- Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là bảo vệ mạch nguồn chủ nghĩa yêu nước - giá trị đầu bảng của văn hóa dân tộc Việt Nam được thể hiện qua những sáng tác văn học dân gian. Giữ gìn gắn với phát triển, và trên tinh thần đó, Hồ Chí Minh khẳng định "Không có gì quý hơn độc lập tự do"...
Được bắt nguồn từ văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đã ngấm sâu trong trái tim Người, là cơ sở để trong hành trình tìm đường cứu nước Người quyết định đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, đến với con
đường cứu nước trong thời đại mới - con đường cách mạng vô sản để giải phóng dân tộc mình.
* Văn hóa nhân loại
Nghiên cứu tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh, có thể khẳng định rằng văn hóa phương Đông có ảnh hưởng rất sớm đến Hồ Chí Minh. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống Nho học, Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng từ các nguyên tắc luân lý đạo đức từng thống trị tư tưởng, tình cảm các dân tộc phương Đông như: Trung, hiếu, tiết nghĩa, tôn sư trọng đạo, tam cương ngũ thường… Song tiếp thu một cách chọn lọc, Hồ Chí Minh đã bỏ qua những yếu tố lạc hậu, phản động về quan niệm khinh thường lao động chân tay, khinh phụ nữ, phân biệt đẳng cấp… của Nho giáo, để chắt lọc lấy các yếu tố tích cực như lý tưởng về một xã hội bình trị, hòa mục, hòa đồng, là triết lý nhân sinh, tu thân dưỡng tính, đề cao văn hóa lễ giáo, truyền thống hiếu học… để phục vụ cho sự nghiệp cách mạng trên tinh thần cởi mở tiếp thu, vì rằng "trong học thyết của Khổng Tử có nhiều điểm không đúng, song những điều hay trong đó thì chúng ta nên học” [41, tr.46].
Trong các trước tác của Hồ Chí Minh, có nhiều thuật ngữ của Nho giáo đã được Người kế thừa, bổ sung và phát triển lên một tầm cao mới. Đó là "Trung với vua, hiếu với cha mẹ" được phát triển thành "Trung với nước, hiếu với dân"… Đặc biệt, cần, kiệm, liêm, chính vốn là những khái niệm của Nho giáo để nói về đạo đức, tư cách của người quân tử, nhưng đến Hồ Chí Minh thì "ta đề ra cần, kiệm, liêm, chính cho cán bộ thực hiện làm gương cho nhân dân theo để lợi cho nước cho dân” [41, tr.46].
Không chỉ chịu ảnh hưởng của Nho giáo, Hồ Chí Minh còn tiếp thu những tư tưởng tiến bộ của Phật giáo. Đó là tư tưởng vị tha, từ bi bác ái, cứu khổ cứu nạn, thương người như thể thương thân, là sống có đạo đức, trong sạch, giản dị, chăm lo làm việc thiện, tinh thần bình đẳng, dân chủ, chống
phân biệt đẳng cấp, đề cao lao động, chống lười biếng… và hướng nó vào phục vụ cho mục đích chung của dân tộc và cách mạng. Trong thực tiễn, Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực của tinh thần cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, sống giản dị, thanh bạch, hòa mục, hòa đồng với thiên nhiên.
Trân trọng di sản văn hóa, tinh thần của quá khứ, Hồ Chí Minh đã chắt lọc những giọt tinh túy của các tiền nhân ở những mặt tích cực và trên cơ sở đó bổ sung, đổi mới, phát triển nhằm phục vụ cho sự nghiệp cách mạng. Và từ câu khẩu hiệu nổi tiếng "Tự do – Bình đẳng – Bác ái" của Đại cách mạng tư sản Pháp: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do – Bình đẳng – Bác ái… và từ thở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn dấu đằng sau những chữ ấy” [36, tr.477], để làm giàu cho chính bản thân mình, Hồ Chí Minh đã nghiên cứu, tiếp thu nền văn hóa phương Tây trong quá trình khảo nghiệm, tìm đường cứu nước và hoạt động cách mạng.
Sau đó, trong những năm tháng hoạt động tại nước Pháp, Hồ Chí Minh đã tiếp thu tư tưởng tự do, bình đẳng của các nhà khai sáng Vônte, Rútxô, Môngtétxkiơ; tiếp thu các giá trị của bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1791 của Đại cách mạng Pháp, các giá trị về quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc trong Tuyên ngôn độc lập ở Mỹ năm 1776… để khái quát thành chân lý mang nhiều giá trị nhân văn cao cả, thể hiện trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945.
Trên hành trình tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã tiếp thu có chọn lọc văn hóa phương Đông và phương Tây; vận dụng, bổ sung thêm những nội dung mới, trở thành những giá trị vĩnh hằng của nhân loại. Trong quá trình tiếp thu các giá trị văn hóa phương Tây, đặc biệt là tiếp thu và vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, Hồ Chí Minh đã không chỉ bổ sung thêm cho văn hóa Việt Nam thêm đa dạng,
phong phú mà còn khẳng định văn hóa Việt Nam phải "soi đường cho quốc dân đi", góp phần hoàn thiện về mặt tư tưởng văn hóa, tư tưởng nhân văn mang tính giai cấp, tính dân tộc và tính nhân loại sâu sắc ở Hồ Chí Minh.
Trong quá trình tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, Hồ Chí Minh không đối lập văn hóa phương Đông với văn hóa phương Tây, truyền thống với hiện đại mà kết hợp văn hóa Đông – Tây một cách hài hòa. Những điểm tích cực, tiến bộ của văn hóa nhân loại được Người lựa chọn tiếp thu, bổ sung, phát triển phục vụ cho mục đích cách mạng, cho sự nghiệp giải phóng con người, làm giàu cho bản sắc văn hóa Việt Nam, vì cả Khổng Tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên đều muốn mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội… Vì vậy, nếu họ còn sống trên đời này, nếu họ họp lại một chỗ, thì Người tin chắc rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết và cố gắng làm học trò nhỏ của các vị ấy.