Theo số liệu thống kê của ủy ban nhân dân huyện Sa Pa, cơ cấu kinh tế của huyện năm 2005 là: Nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 43,10%, công nghiệp (cả xây dựng cơ bản) chiếm 5,90%, dịch vụ chiếm 60%. Sa Pa trồng
chủ yếu các loại cây lương thực như lúa nước trên ruộng bậc thang, ngô, và các cây có hạt khác. Đặc biệt, khí hậu Sa Pa phù hợp với các loài hoa, cây thảo quả, các loại hoa quả ôn đới, các loại cây dược liệu quý, v.v..
Sa Pa chủ yếu nuôi trâu, ngựa, bò để làm sức kéo và giết mổ. Tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt 156.210 con. Sa Pa còn là nơi nuôi các loài cá nước lạnh, có giá trị cao như cá hồi, cá tầm. Diện tích nuôi thủy sản trong toàn huyện đạt 19 ha. Cá nước lạnh là 4,6 ha với 35 cơ sở.[ 82 tr.2].
Ngành công nghiệp ở Sa Pa được đầu tư với phương châm tận dụng khai thác các sản phẩm truyền thống của địa phương trong điều kiện sẵn có nguyên vật liệu trên địa bàn như sản xuất đồ gỗ, lâm sản, dệt may thổ cẩm. Dệt may thổ cẩm không những góp phần xóa đói giảm nghèo cho các dân tộc thiểu số huyện Sa Pa cải thiện đời sống, tăng thêm thu nhập mà còn góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Năm 2013, giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp cả năm của huyện đạt 14,9 tỉ đồng. Là một địa điểm du lịch luôn thu hút đông lượng khách đến thăm quan, nghỉ dưỡng nên hoạt động thương mại, dịch vụ ở Sa Pa diễn ra khá sôi động. Hàng hóa trên thị trường khá phong phú với nhiều chủng loại, đáp ứng nhu cầu của người dân và khách du lịch như lâm thổ sản, thủ công mỹ nghệ mang đậm bản sắc của đồng bào các dân tộc, các loại rau xanh, hoa quả...
Cơ sở hạ tầng đã được đầu tư cho người H’Mông từ năm 2007 đến nay là: điện 04 công trình với vốn đầu tư là 3.281 triệu đồng; đường giao thông 37 công trình kinh phí đầu tư 23.058 triệu đồng; trường học 28 công trình kinh phí đầu tư 24.492 triệu đồng; trạm y tế 05 công trình kinh phí đầu tư 9.076 triệu đồng; các công trình phúc lợi khác 105 công trình kinh phí đầu tư 61.748 triệu đồng. Đồng bào H’Mông đã được sử dụng nước sạch đảm bảo vệ sinh... [79, tr.2].
Sản xuất nông – lâm nghiệp là lĩnh vực kinh tế chủ yếu của đồng bào dân H’Mông. Trong những năm qua, được sự quan tâm của chính quyền địa phương kịp thời đáp ứng con, cây giống, kỹ thuật gieo trồng để nâng cao năng xuất cây trồng, vật nuôi nên tính đến cuối năm 2012, tổng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt đạt 4.551,4 ha đạt 102,5% kế hoạch tỉnh và huyện giao, tăng 234,6 ha so với cùng kì. Sản lượng lương thực có hạt đạt 18.105 tấn, trong đó, sản lượng thóc 12.343 tấn, ngô 5.762 tấn [82, tr.2].
Chăn nuôi đã được đẩy mạnh, chính quyền đã vận động, hỗ trợ đồng bào làm chuồng trại kết hợp với trồng cỏ, dự trữ thức ăn, phòng chống đói rét, dịch bệnh cho gia súc, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Đồng bào H’Mông đã chăm sóc, khoanh nuôi, bảo vệ rừng có hiệu quả, gắn việc trồng rừng với cảnh quan du lịch, kết hợp bảo vệ và khai thác rừng một cách hợp lý để phát triển trồng cây thảo quả. Từ năm 2006 đến nay trồng mới được 1.335 ha, khoanh nuôi bảo vệ 7.242 ha nâng tỷ lệ che phủ rừng năm 2011 là 66,5%.
Công tác xóa đói giảm nghèo đã được chính quyền địa phương chú trọng: Chương trình 135 giai đoạn 2006 - 2010 có tổng kinh phí 46.387 triệu đồng để hỗ trợ chăn nuôi mua gia súc, gia cầm, đầu tư thiết bị máy móc, mua phân bón, trong đó dân tộc H’Mông được hưởng 60% của chính sách hỗ trợ từ chương trình 135. Các chương trình phát triển ngành nông nghiệp năm 2010 là 1.620 triệu đồng, trong đó người H’Mông được hưởng khoảng 70%. Cùng đó, hỗ trợ cho người H’Mông trồng cây dược liệu tại xã Lao Chải trồng 2 ha Atiso 70 triệu đồng từ nguồn vốn ODA.
Đến nay, 100% thôn bản đều có trường tiểu học, mầm non; 100% xã có trường trung học cơ sở nhằm nâng cao dân trí trong đồng bào dân tộc H’Mông, hàng năm các con em dân tộc H’Mông đều được xét cử tuyển đi học các trường đại học, cao đẳng. Công tác y tế và dân số kế hoạch hóa gia đình được đẩy mạnh. Hiện đã có 100% xã thị trấn có trạm y tế, y sĩ, nữ hộ sinh đáp
ứng nhu cầu thăm khám bệnh của người dân. Năm 2011, toàn huyện có 12 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, xây dựng 02 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế là Lao Chải và Tả Giàng Phình. Chương trình xây dựng nông thôn mới ở các bản người H’Mông đã được triển khai và được nhân dân tích cực thực hiện, bước đầu đã đạt được những kết quả tốt. Từ năm 2011 đến nay trên địa bàn huyện (trừ thị trấn Sa Pa) đã được đầu tư 125 mô hình, trong đó có 45 mô hình chăn nuôi, 80 mô hình sản xuất) với tổng kinh phí đầu tư 3.437,8 triệu đồng, trong đó, ngân sách Trung ương (6 mô hình sản xuất): 150 triệu đồng, đạt 4,36% (nguồn vốn nông thôn mới); Ngân sách tỉnh (66 mô hình sản xuất): 1.364 triệu đồng, đạt 39,6%; Vốn WB (45 mô hình chăn nuôi, 8 mô hình sản xuất): 1.923,8 triệu đồng, đạt 56,04%.
Đời sống kinh tế - xã hội của người H’Mông ở Sa Pa đã có sự thay đổi, đời sống kinh tế được nâng lên là điều kiện và tiền đề cho người H’Mông quan tâm, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình.