Đặc điểm văn hóa

Một phần của tài liệu Vận dụng tư tưởng hồ chí minh về văn hóa trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc h’mông ở sa pa – lào cai hiện na (Trang 64 - 69)

Các dân tộc Sa Pa có bề dày truyền thống văn hóa, đậm đà bản sắc dân tộc. Theo đó, mỗi dân tộc đều có phong tục tập quán riêng, biểu hiện bản sắc dân tộc khá phong phú, độc đáo, được thể hiện trong ngôi nhà truyền thống, trong hôn nhân, ngôn ngữ, lễ hội, phong tục sinh hoạt như ăn, mặc, chợ phiên, âm nhạc, ca múa…

Nhà của dân tộc H’Mông nói chung và người H’Mông ở Sa Pa nói riêng là loại nhà trệt – đây là dạng nhà người H’Mông đã ở từ lâu đời và trở thành nhà ở của dân tộc H’Mông. Về cấu trúc, nhà của người H’Mông ở Sa Pa được dựng thành ba gian hai chái hoặc năm gian tùy theo điều kiện kinh tế của từng gia đình, song phổ biến là nhà ba gian hai chái. Nguyên liệu làm nhà của người H’Mông ở Sa Pa chủ yếu là bằng gỗ pơ mu cả tường và mái. Kỹ thuật làm nhà của người H’Mông ở Sa Pa tương đối hoàn hảo và chắc chắn với kỹ thuật liên kết bằng mộng. Người H’Mông rất coi trọng việc chọn đất và chọn hướng làm nhà, vì theo họ chọn được mảnh đất tốt thì công việc làm ăn mới thuận lợi, người và gia súc mới bình yên. Họ thường làm nhà ở những nơi gần nguồn nước, gần nương, đi lại thuận tiện…

Trang phục là một dấu hiệu để nhận biết và phân biệt các dân tộc với nhau; là một giá trị văn hóa tiêu biểu mang những đặc trưng văn hóa riêng của dân tộc đó. Ở Việt Nam, dân tộc H’Mông là một trong số ít các tộc người ở Việt Nam còn bảo tồn được hầu như nguyên vẹn trang phục truyền thống của mình. Trang phục của các nhóm người H’Mông hầu như khá thống nhất, tuy nhiên ở Sa Pa trang phục của người H’Mông có những biến đổi nhất định. Trang phục của dân tộc H’Mông ở Sa Pa gồm có y phục và trang sức, theo đó người H’Mông thường dùng y phục chung trong sinh hoạt thường ngày cũng như trong các sinh hoạt tín ngưỡng. Y phục nam của người H’Mông ở Sa Pa gồm: Áo trong (Shao tì), áo ngoài (Shao khủa) là một loại áo khoác chỉ thấy có ở y phục của nam giới H’Mông Sa Pa và Trạm Tấu (Yên Bái). Quần (chì) được may theo kiểu chân què lá tọa, chiều dài của quần đến mắt cá chân, ống và đũng được may rộng tạo sự thoải mái khi vận động. Mũ (mảo) là loại mũ quả dưa gồm 6 múi, loại mũ này chỉ thấy xuất hiện trong bộ y phục của nam giới người H’Mông ở Sa Pa.

Y phục nữ của người H’Mông ở Sa Pa gồm khăn quấn đầu (phủa) dài khoảng 2m, rộng 10cm, là loại khăn truyền thống của phụ nữ nhóm H’Mông đen. Áo bao gồm áo trong và áo ngoài, ống tay rộng và được thêu hoa văn ở hai cánh, các vạt trước đều đặn và không có cúc, khi mặc gấu áo luôn được cho vào trong cạp quần. Phụ nữ các nhóm dân tộc H’Mông thường mặc váy song phụ nữ H’Mông ở Sa Pa mặc quần ngắn. Quần ngắn tới đầu gối, ống rộng, không trang trí hoa văn, tạo cảm giác thoải mái khi vận động. Nữ giới người H’Mông ở Sa Pa luôn đeo hai miếng tạp dề ở bên ngoài quần, một miếng phía trước và một miếng phía sau, to vừa đủ ôm lấy thân người. Trong quan niệm của người H’Mông đeo tạp dề là thể hiện sự kín đáo và ý tứ của phụ nữ. Còn thắt lưng là một dải vải rộng khoảng 10cm, dài 1m, đoạn giữa phía sau lưng được thêu hoa văn rất đẹp, được quấn ngang bụng bên ngoài của chiếc áo khoác tạo sự gọn gàng cho cơ thể người phụ nữ. Xà cạp là một mảnh vải cắt chéo hình hình tam giác, rộng 20cm, dài 120cm, dùng để bó chặt từ mắt cá chân đến sát đầu gối, dùng để che đậy phần cơ thể mà chiếc quần ngắn không che hết…

Nguyên tắc cơ bản trong chế độ hôn nhân của dân tộc H’Mông là nội hôn tộc người, ngoại hôn dòng họ có nghĩa là người H’Mông chỉ thực hiện hôn nhân trong phạm vi nội bộ dân tộc mình song cùng dòng họ thì không được lấy nhau. Hôn nhân của người H’Mông là hôn nhân một vợ, một chồng và không mang tính đẳng cấp, trong xã hội truyền thống của người H’Mông không chấp nhận người đàn ông có nhiều vợ, mọi người trong xã hội đều bình đẳng về quyền hôn nhân. Tuổi kết hôn của người H’Mông rất sớm, từ 14 – 16 tuổi. Tiêu chuẩn chọn bạn đời của người H’Mông là phải khỏe mạnh, đạo đức tốt, chăm làm. Đến tuổi kết hôn trai, gái tự do tìm hiểu và chọn bạn đời. Quá trình tìm hiểu bạn đời thường bắt nguồn từ trong lao động, ở các buổi chơi chợ hay trong lễ hội đầu xuân, đặc biệt là Chợ tình...

Hình thái gia đình truyền thống của người H’Mông là là loại gia đình phụ hệ với hai hình thức đại gia đình và tiểu gia đình. Tuy nhiên, hình thức đại gia đình ít thấy ở người H’Mông ở Sa Pa mà phổ biến là hình thức tiểu gia đình (gia đình có 2 thế hệ sinh sống trong đó có bố mẹ và con cái). Trong gia đình người H’Mông, nam giới đóng vai trò quyết định mọi việc, phụ nữ có vai trò quan trọng song, ở vị trí thấp hơn. Điều này thể hiện qua một số tục kiêng kị, như phụ nữ không được lại gần bàn thờ, ăn mâm riêng trong bếp. Mặc dù có sự phân biệt, nhưng quan hệ vợ chồng trong gia đình người H’Mông rất gắn bó, người vợ làm mọi việc để phục vụ chồng.

Lễ hội truyền thống của các dân tộc ở Sa Pa rất phong phú, đa dạng về nội dung và hình thức, trong đó có thể kể đến Hội “Gầu tào” của người H’Mông, lễ Tết nhảy của người Dao, hội xuống đồng (hội cầu mùa) của người Dáy, múa mừng được mùa của người Phù Lá, Hội hát Then của người Tày, lễ hội ăn thề bảo vệ rừng của các dân tộc, Lễ hội hoa Đăng, tế lễ của người Kinh, v.v.. và các kho tàng văn học dân gian phong phú, độc đáo của các dân tộc Sa Pa là hình ảnh thu nhỏ của các dân tộc Sa Pa.

Một trong những giá trị văn hóa nổi tiếng nhất trong văn hóa của các dân tộc Sa Pa phải kể đến đó là Chợ tình. Chợ tình thường được hợp vào tối ngày thứ 7 hàng tuần, đến phiên chợ, đồng bào các dân tộc về họp rất đông, mỗi người xuống chợ đều mặc những bộ trang phục đẹp nhất. Tiếp đó là chợ phiên, đây không chỉ là nơi giao lưu kinh tế mà còn hàm chứa nét văn hóa sống động cả các dân tộc vùng cao, góp phần tạo nên truyền thống văn hóa của các dân tộc, làm phong phú thêm, bổ sung thêm cho văn hóa Việt Nam thêm đa dạng. Những năm gần đây, lượng khách trong và ngoài nước đến Sa Pa ngày càng tăng, đồng bào các dân tộc Sa Pa một mặt luôn có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa, các phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc mình, mặt khác

đã tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa mới của thời đại để làm giàu thêm sự phong phú, đa dạng của mình.

Mặc dù cư trú ở vùng núi cao có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, cuộc sống thường ngày còn nhiều vất vả, song người H’Mông rất say mê âm nhạc, ca hát và nhảy múa. Họ đã sáng tạo ra một nền âm nhạc dân gian rất đặc sắc với những giai điệu và cách thể hiện của riêng mình. Nhạc cụ của người H’Mông khá đa dạng với các loại như sáo trúc, khèn môi, khèn sáu ống, gậy xênh tiền, nhị, đàn môi. Trong đó, cây sáo với chiếc khèn chỉ qua khả năng sử dụng của người H’Mông mới thực sự trở thành một loại nhạc cụ tiêu biểu của vùng cao. Là dân tộc yêu thích thể thao, người H’Mông ở Sa Pa có nhiều trò chơi dân gian phong phú được thể hiện trong các ngày hội xuân như: Trò đánh quay, đẩy gậy, phi ngựa, bắn nỏ, đánh đu, ném pa páo, v.v.. Tất cả đều phản ánh khát khao chiến thắng, ý chí vươn lên trong cuộc sống và niềm tin chinh phục thế giới tự nhiên của con người dân tộc H’Mông…

Bên cạnh các nghi thức trong hôn nhân và tang lễ, trong gia đình người H’Mông còn có nhiều nghi lễ phản ánh ước vọng cầu mong sự bình yên và hạnh phúc trong cuộc sống như: Lễ cầu mẹ tròn con vuông, lễ gọi hồn cho trẻ sơ sinh, lễ trưởng thành của nam giới, lễ nhận bố nuôi. Cùng với nghi lễ hôn nhân, tang ma, các nghi lễ gia đình của người H’Mông đã hình thành một hệ thống nghi lễ chu kỳ đời người, đó là một nét văn hóa đặc sắc trong đời sống tinh thần của người H’Mông, phản ánh khát vọng về sự bình yên trong cuộc sống của con người.

Tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần cốt lõi nhất, tinh túy nhất, được cô đọng qua nhiều thế hệ người H’Mông làm nên bản sắc văn hóa dân tộc H’Mông, giúp cho dân tộc H’Mông tồn tại và phát triển; là tiêu chí để phân biệt dân tộc H’Mông với các dân tộc khác. Bản sắc văn hóa dân tộc H’Mông được biểu hiện toàn diện và sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực, kết tinh

qua hàng ngàn năm lịch sử và ở đâu, lĩnh vực nào cũng lộ ra bản sắc văn hóa tộc người… Đó là những nội dung cơ bản, những giá trị bản sắc văn hóa dân tộc H’Mông trong nền văn hóa đa dạng của 54 dân tộc anh em.

Một phần của tài liệu Vận dụng tư tưởng hồ chí minh về văn hóa trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc h’mông ở sa pa – lào cai hiện na (Trang 64 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)