Trong Từ điển Tiếng Việt, giữ gìn là "giữ cho được nguyên vẹn, không bị mất mát, tổn hại" [75, tr.406]. Còn phát huy là "làm cho cái hay, cái tốt tỏa tác dụng và tiếp tục nảy nở thêm" [75, tr.768].
Theo đó, quá trình giữ lại này chính là để không bị mai một, không bị thay đổi, biến hóa hay biến thái, nhằm làm cho cái bản sắc ấy, cái đẹp tinh túy ấy tỏa ra và tiếp tục phát triển. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc chính là làm cho những vấn đề căn cốt nhất, nền tảng nhất, làm nên nét riêng của cộng đồng dân tộc này so với cộng đồng dân tộc khác, thể hiện tâm thức của cộng đồng các dân tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam được kế thừa cái tinh túy của truyền thống và lọc bỏ những cái hủ tục, lạc hậu trong hội nhập. Quá trình giữ gìn và phát huy, một mặt để tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại của
các dân tộc khác làm giàu cho dân tộc mình, mặt khác giữ cho văn hóa Việt Nam hòa nhập chứ không hòa tan.
Mỗi dân tộc trong quá trình hình thành và phát triển đã xây dựng cho mình một nền văn hóa riêng, nền văn hóa đặc trưng riêng có của dân tộc mình. Chính vì vậy, nói tới dân tộc tức là nói tới văn hóa và ngược lại. Văn hóa có mối quan hệ mật thiết với dân tộc, có nguồn gốc từ dân tộc, đồng thời cũng là diện mạo của dân tộc đó, trong đó bản sắc văn hóa dân tộc là cái cốt lõi của nền văn hóa. Nhận thức được tầm quan trọng của bản sắc văn hóa dân tộc, được tạo dựng qua bao biến cố và thăng trầm của lịch sử, là sự biểu hiện trường tồn của giống nòi, là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của dân tộc là vấn đề sống còn của mỗi quốc gia, Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đảm bảo sự thống nhất nền văn hóa đa dân tộc của Việt Nam.
Hồ Chí Minh là người đã được đi nhiều, hiểu biết rộng và Người cũng tiếp cận nhiều nền văn hóa khác nhau. Chính vì lẽ đó, ngay từ rất sớm Người đã nhận thức rõ được tầm quan trọng của văn hóa đối với dân tộc, Người sớm khẳng định: Gốc của văn hóa mới là dân tộc, tức là văn hóa đều có cội nguồn từ dân tộc, được hình thành và phát triển từ nền văn hóa truyền thống của dân tộc và tiếp thu các giá trị tinh hoa mới. Chính vì vậy, mà yếu tố dân tộc là yếu tố quyết định nhất của một nền văn hóa. Theo đó, bản sắc văn hóa dân tộc là biểu hiện của cốt cách dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cũng chính là giữ gìn cốt cách dân tộc. Bản sắc văn hóa dân tộc là nội lực sức mạnh của một dân tộc. Vì thế mỗi dân tộc phải giữ được cốt cách dân tộc, khi ấy dân tộc đó sẽ đủ sức mạnh nội sinh, sức đề kháng để đối phó với mọi sự xâm lăng hay làn gió độc về văn hóa một cách vô thức hay có chủ định. Nếu một dân tộc không giữ được hồn cốt của dân tộc mình, phản ứng một cách yếu ớt với sự xâm lăng về văn hóa, bị lai căng, hòa tan hay thậm chí là cái bóng của kẻ
khác, thì đồng nghĩa với việc dân tộc đó đã đánh mất chính mình, giết chết cái hồn của dân tộc mình. Vì vậy, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là vấn đề sống còn, là vấn đề tồn tại hay không tồn tại của mỗi quốc gia, dân tộc. Với ý nghĩa đó, giữ được cốt cách dân tộc còn là bệ đỡ giúp cho dân tộc thích ứng, tiếp thu, dân tộc hóa những cái mới làm giàu cho bản sắc văn hóa dân tộc mình trong quá trình phát triển, làm giàu thêm, đa dạng thêm văn hóa nhân loại. Nền văn hóa Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm Bắc thuộc, bất chấp những âm mưu đồng hóa văn hóa của kẻ thù. Đó chính là nhờ có sức đề kháng của sức mạnh tiềm ẩn về văn hóa và bản sắc văn hóa.
Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc không những là để bảo tồn cốt tủy, tâm hồn dân tộc, mà còn là tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của mỗi cá nhân. Dân tộc, ngoài những yếu tố kinh tế - xã hội thường gắn với một tộc người nhất định. Mỗi tộc người lại có tâm lý, tính cách, đặc tính dân tộc khác nhau, trong quá trình tồn tại và phát triển của mỗi tộc người, họ lại sáng tạo ra những giá trị vật chất và giá trị tinh thần. Vì vậy, văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của mỗi dân tộc, là hệ giá trị để giúp chúng ta phân biệt các quốc gia và các vùng lãnh thổ trên thế giới, đồng thời cũng khẳng định bản sắc riêng có của mỗi dân tộc. Mỗi cá nhân sống trong cộng đồng dân tộc mình là chủ thể sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa, nên cá nhân không thể tách rời văn hóa dân tộc hay nói cách khác văn hóa dân tộc là nguồn nuôi dưỡng tinh thần cho sự phát triển của mỗi con người nói chung.
Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc rằng, nền văn hoá Việt Nam có sự kết hợp hài hoà, phong cách của nhiều dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Cùng chung một Tổ quốc, bản sắc văn hoá các dân tộc thể hiện rất đa dạng, rất phong phú, xuyên suốt và thấm đượm vào mọi mặt của đời sống xã hội, tồn tại trong văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần của mỗi dân tộc anh
em, nên cần phải bảo tồn, chấn hưng những nét đẹp văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc, tạo điều kiện để đồng bào tiếp thu và phát triển văn hoá Việt Nam hiện đại.
Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở và ý thức sâu sắc, tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc. Người viết: Dân tộc ta là con Rồng cháu Tiên, có nhiều người tài giỏi đánh Bắc dẹp Nam, yên dân trị nước tiếng để muôn đời [38, tr.216]. Truyền thống lịch sử đã tạo nên bản sắc văn hóa, cốt cách và tâm hồn Việt Nam. Mỗi con người Việt Nam cần ý thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, để văn hóa của dân tộc mãi trường tồn cùng với sự phát triển của dân tộc.
Như vậy, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc theo quan điểm của Hồ Chí Minh là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với dân tộc Việt Nam nói riêng và mỗi dân tộc trên thế giới nói chung. Ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Hồ Chí Minh đã chú trọng xây dựng đời sống mới không chỉ của một người, một nhà, một làng mà là khắp cả nước và hạt nhân của đời sống mới chính là cần, kiệm, liêm, chính. Hồ Chí Minh đã nói đến thuần phong mỹ tục, không có cờ bạc, hút xách, bợm bài, trộm cắp, đến tục ngữ “lá lành đùm lá rách”, “đói cho sạch rách cho thơm”. Và trong tư tưởng của Người, nếu một mình no ấm mà nỡ để đồng bào xung quanh đói rét, thì dù giàu cũng không hưởng được. Người nói: Cách cư xử đối với đồng bào thì nên thành thực, thân ái, sẵn lòng giúp đỡ…
Nhiều lần, Người nhấn mạnh đến việc xây dựng và phát triển thuần phong mỹ tục, tức là phát triển một trong những giá trị truyền thống của dân tộc. Mặt khác, trong khi trân trọng giữ gìn thuần phong mỹ tục, Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh việc phê phán, bài trừ đồi phong, bại tục. Người đã nói đến việc “khôi phục vốn cũ” với một tinh thần trân trọng các giá trị của người xưa để lại như: tương thân tương ái, tận trung với nước, tận hiếu với dân… Song,
Người yêu cầu xóa bỏ cái xấu (tính lười biếng, tham lam…), sửa đổi các phiền phức (cúng bái, cưới hỏi quá xa xỉ…). Song, tại Hội nghị cán bộ văn hóa ngày 30/10/1958, Hồ Chí Minh chỉ rõ, giữ gìn hay bảo tồn và phát huy, có nghĩa là khôi phục vốn cũ, thì nên khôi phục cái gì tốt, còn cái gì không tốt thì phải loại dần ra. Xem ra thì năm nay tương đối khá, còn như năm ngoái, thì khôi phục vốn cũ, thì khôi phục cả đồng bóng, rước xách thần thánh. Vì khôi phục như thế, nên ở nông thôn nhiều nơi quên cả sản xuất, cứ trống mõ bì bõm, ca hát lu bù. Trong vốn cổ của cả cộng đồng dân tộc nói chung, mỗi dân tộc nói riêng, chúng ta giữ lấy và phát huy những di sản nào, từ bỏ những di sản nào, điều đó không thể không đặt ra khi nói về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc… Sự cân nhắc và lựa chọn ấy thể hiện quá trình tự ý thức dân tộc, quá trình tự nhận thức, tự khám phá về dân tộc mình, xuất phát từ tầm cao mới của lịch sử, là quá trình “gạn đục khơi trong” và là sự tiếp nối dòng chảy liên tục của lịch sử dân tộc trong thế giới hiện đại. Với ý nghĩa đó, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc của văn hoá đòi hỏi sự phát triển, sự sáng tạo không ngừng.
1.3.2. Nội dung giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng kiệt xuất của sự khẳng định dân tộc, đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Tại nghị quyết của UNESCO, phiên họp thứ 24 tại Pari ngày 20/10-20/11/1987 đã viết "sự đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật là kết tinh của truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam với lịch sử hàng nghìn năm, và những lý tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc văn hóa và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”. Trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh
đã đánh thức các tiềm năng tinh thần truyền thống Việt Nam, định hướng cho sự ra đời một nền văn hoá mới, một xã hội nhân cách mới. Người là kết tinh truyền thống văn hóa hàng nghìn năm của nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Người đã đưa nền văn hóa Việt Nam lên một tầm cao mới và khẳng định bản sắc văn hóa của dân tộc mình trước thế giới cũng như góp phần đưa văn hóa Việt Nam giao lưu, hòa nhập với văn hóa thế giới.
Để hiểu rõ được bản sắc văn hóa Việt Nam, Hồ Chí Minh cho rằng cần phải nghiên cứu lịch sử nước nhà, mỗi người sẽ thấy dân tộc Việt Nam có “những cái vốn rất quý báu của mình”. Người viết: Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” [38, tr.216]. Theo Người, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, trước hết là phải giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông, vì đó chính là “vốn cũ quý báu của dân tộc”.
Trong những nhân tố tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, chủ nghĩa yêu nước là giá trị đứng đầu bảng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi thời kỳ lịch sử dân tộc. Truyền thống yêu nước thực sự trở thành “một thứ của quý”, thành sức mạnh, có vai trò to lớn trong dựng nước và giữ nước và là thước đo phẩm giá con người, là niềm tự hào của mọi người dân Việt Nam yêu nước. Yêu nước là tình cảm yêu quý, gắn bó, tự hào về quê hương, đất nước và tinh thần sẵn sàng đem hết tài năng, trí tuệ của mình phục vụ lợi ích của Tổ quốc, biểu hiện cụ thể là: Tình cảm gắn bó với quê hương đất nước; tình thương yêu đối với đồng bào, giống nòi, dân tộc; niềm tự hào dân tộc chính đáng; đoàn kết, kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm, để bảo vệ chủ quyền dân tộc và nền độc lập tự do của Tổ quốc; cần cù và sáng tạo trong lao động để xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc và xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp. Với ý nghĩa đó, ở Việt Nam, nói đến yêu nước đồng nghĩa với yêu tổng hòa những yếu tố nói trên, hòa thành một khối thống nhất: “Yêu nước là yêu non sông; yêu con người, dân tộc, nhân dân, đồng bào; yêu quê hương, Tổ
quốc; yêu những truyền thống quý giá của cha ông. Yêu nước không chỉ trên lời nói mà phải bằng hành động để bảo vệ, phát huy, phát triển chúng lên thành một tầm cao mới, không chỉ bằng tình cảm nồng nàn mà còn bằng lý trí sáng suốt trong bảo vệ và phát triển giá trị, tình cảm yêu nước” [26, tr.13].
Người khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” [41, tr.171]. Thực tiễn các phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân ta, nhất là hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược là minh chứng sinh động cho nhận định này của Hồ Chí Minh. Đồng thời cũng cho thấy rằng, đồng bào ta, từ cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ, từ kiều bào ở nước ngoài đến các đồng bào ở vùng bị tạm chiếm, từ miền ngược đến miền xuôi, từ những chiến sĩ ngoài mặt trận đến những người ở hậu phương, v.v.. “đều giống nhau nơi lòng nồng nàn yêu nước”.
Là người đã có công lao rất lớn trong việc bổ sung, làm mới nội dung chủ nghĩa yêu nước thêm phong phú, nâng chủ nghĩa yêu nước lên một chất mới, một tầm cao mới trong thời đại mới, Hồ Chí Minh chỉ rõ, “Trung với nước” là trung thành với sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân, của Đảng. “Hiếu với dân” là đem lại cuộc sống “ấm no, tự do, hạnh phúc” cho nhân dân”, “thương dân, gần dân, gắn bó với dân, kính trọng lễ phép với dân, học tập dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc”. Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân gắn liền với yêu chủ nghĩa xã hội, vì chỉ có chủ nghĩa xã hội mới mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân; yêu nước không tách rời với độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; yêu nước nhằm bảo vệ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã trải qua các cuộc chiến đấu oanh liệt, trong đó có biết bao chiến công hiển hách của các anh hùng mà thời nào cũng có, đó là Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, v.v.. Không chỉ tự hào về cha ông ta trong lịch sử, theo Hồ Chí Minh, mỗi người dân Việt Nam còn phải "Uống nước nhớ nguồn", ghi nhớ công lao của tổ tiên, trân trọng lịch sử hào hùng của dân tộc, truyền thống và phẩm chất cao quý của người dân Việt Nam, để từ niềm tự hào dân tộc mà giữ gìn và phát huy những gì tinh túy, cốt tủy của truyền thống văn hiến [41, tr.171].
Với Hồ Chí Minh, việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là cần thiết, song quan trọng hơn để bản sắc đó được thể hiện ra ngoài thì cần được vận dụng và phát huy các giá trị văn hóa ấy. Người khẳng định, tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý; có khi được bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy; nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong giương, trong