* Những hạn chế
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, trong quá trình thực hiện giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc H’Mông ở huyện Sa Pa vẫn bộc lộ những hạn chế, yếu kém sau:
Thứ nhất, việc thực hiện nghị quyết các Đại hội của Đảng, Đại hội Đảng bộ các cấp, các chương trình an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, các chương trình 30a, 135 của Chính phủ ở Sa Pa gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh những thay đổi tích cực, song do trình độ dân trí thấp, dân cư phân bố giải rác, ảnh hưởng tập quán, thói quen cũ lạc hậu còn nặng nề… nên đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào H’Mông còn khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo trong người H’Mông còn cao (đối với các xã đông người H’Mông sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo còn trên 50%). Theo điều tra năm 2011, số hộ nghèo H’Mông có 4.933 hộ/10.468 tổng số hộ nghèo; năm 2012 là 5.107 hộ/10.468 tổng hộ nghèo, số hộ nghèo theo chuẩn quốc gia đồng bào H’Mông 2.893/4.210 hộ, thoát nghèo đồng bào H’Mông là 303 hộ [79, tr. 2]. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đói nghèo của đồng bào, nhưng phổ biến nhất là tình trạng chi tiêu thiếu hợp lý trong gia đình, chi tiêu nhiều trong các dịp lễ, tết, tang ma, trong khi cuộc sống hàng ngày còn gặp nhiều khó khăn.
Trong sinh hoạt gia đình, đồ dùng sinh hoạt cũng đơn giản hóa, những dụng cụ gia đình cần sự tỉ mỉ, khéo léo đã mất dần, thay vào đó là các dụng cụ bằng gỗ như thìa gỗ, muôi gỗ, chậu gỗ, chỉ còn rải rác ở một số gia đình thay
vào đó là những dụng cụ bằng nhựa điều đó đã làm cho nét đẹp truyền thống, đặc trưng riêng có của người H’Mông bị giảm bớt đi rất nhiều.
Trước tác động của xu thế hội nhập, một số món ăn, khẩu vị làm nên sắc thái của người H’Mông đã bị thay đổi khẩu vị, như món thắng cố được nêm thêm nhiều gia vị tẩm ướp “tung hỏa mù”, bị mụ mị bởi mùi thơm của hạt nêm, bột ngọt… không giống món thắng cố truyền thống của người H’Mông trước kia.
Thứ hai, công tác quản lý văn hóa có nơi, có lúc còn thiếu chặt chẽ. Theo đó, trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật chất, ngay như kiến trúc nhà truyền thống của người H’Mông cũng bị mai một. Do điều kiện kinh tế, xu thế của thời đại, nên giờ đây kiến trúc ngôi nhà truyền thống chỉ còn ít ở một số bản người H’Mông. Cùng đó, một số cấu trúc gia đình truyền thống người H’Mông bị phá vỡ, mai một bởi tác động của du lịch như xuất hiện tình trạng các mối tình, hôn nhân giữa phụ nữ H’Mông người nước ngoài khi đến Sa Pa. Từ đó, những đứa con lai không biết mặt bố, sự bất đồng về văn hóa… cũng khiến nhiều đôi sau khi kết hôn hoặc không kết hôn chia tay nhau sau thời gian chung sống. Đây là điều ít xảy ra trong gia đình của người H’Mông truyền thống. Trong đời sống của người H’Mông vẫn còn tồn tại những hủ tục lạc hậu như tệ nạn uống nhiều rượu và ép rượu… Đây là nguyên nhân chính ảnh hưởng lớn đến hạnh phúc của gia đình người H’Mông, một số cô gái H’Mông không cam chịu được bạo hành từ người chồng đã kết liễu cuộc đời mình bằng cách tự tử.
Cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, ảnh hưởng của lối sống phương Tây đã khiến một bộ phận người H’Mông ở thị trấn, những bản làng H’Mông ở gần thị trấn hoặc là những cán bộ công chức, con em cán bộ công chức không mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Nếu có, họ chỉ mặc trong lễ hội và thay vào đó, ngày thường họ mặc những bộ trang phục
giống người Kinh may sẵn, vừa thuận tiện, vừa rẻ. Hơn nữa, một bộ phận giới trẻ người H'Mông có tâm lý xấu hổ và mặc cảm vì mình là người dân tộc.
Một số danh lam thắng cảnh được khai thác nhưng hiệu quả chưa cao, do người H’Mông và một số người dân sống gần khu vực đó chưa nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của các khu di tích. Nhiều đồng bào đã thả rông gia súc, giẫm, phá hàng rào trong khu di tích. Nhiều trẻ em, du khách đến tham quan đã không chú trọng vấn đề bảo tồn, cố ý xâm hại nghiêm trọng di tích, làm mất đi một phần nguyên bản của khu di tích. Một số khu rừng cấm bị xâm hại do ý thức kém của một bộ phận người dân, một bộ phận lâm tặc tàn phá, v.v.. Ngoài ra, tập tục du canh, du cư vẫn còn tồn tại ở một số gia đình H’Mông, gây nên tình trạng phá rừng làm nương rẫy, hủy hoại môi trường sinh thái, phá vỡ cảnh quan tự nhiên.
Một số nghề thủ công truyền thống bị mai một, chỉ còn một số người H’Mông biết làm các nghề thủ công truyền thống nhưng đa số những người này tuổi đã cao. Các nghề như chạm khắc bạc, làm đồ đá, làm mộc, đúc nông cụ, đan lát, v.v.. đang vắng bóng trong các bản người H’Mông. Nghề trồng lanh, dệt thổ cẩm tuy được bảo tồn, nhưng đầu ra cho các sản phẩm thổ cẩm của dân tộc H’Mông còn gặp nhiều khó khăn.
Thứ ba, một số các hủ tục lạc hậu vẫn tồn tại trong tiềm thức của đồng bào dân tộc H’Mông ở Sa Pa.
Do trình độ dân trí thấp nên việc phổ cập chữ dân tộc, chữ phổ thông cho người H’Mông còn gặp nhiều khó khăn, trong khi đó đội ngũ cán bộ người H’Mông còn yếu và thiếu, nên việc tuyên truyền về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình cũng còn hạn chế. Ngay trong lĩnh vực tôn giáo – tín ngưỡng, do nhận thức kém, bị tác động và chi phối bởi lợi ích về kinh tế, cũng đã xuất hiện một bộ phận người H'Mông chối bỏ tín ngưỡng cổ
truyền, tiếp thu tôn giáo ngoại lai như đạo Cao Đài, Hòa Hảo, Đạo Thiên Chúa, v.v..
Hơn nữa, do hạn chế về nhận thức, nên một bộ phận người H’Mông bị các thế lực thù địch lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng để kích động chống phá Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, do phong tục của người H’Mông kết hôn (sớm thông thường là 16 tuổi) nên trong thực tế, một bộ phận đồng bào dân tộc H’Mông ở một số xã do thiếu hiểu biết về pháp luật đã không đăng kí kết hôn, đòi thách cưới cao, tảo hôn…
Trong việc ma chay cũng tồn tại một số hủ tục nghi lễ nặng nề, mê tín dị đoan. Nơi chôn cất người chết còn rải rác không theo quy định, thường là ở gần nơi ở, nơi canh tác… gây ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, cản trở việc quy hoạch nông thôn cũng như xây dựng các công trình phúc lợi công cộng. Việc không cho người chết vào áo quan, để người chết lâu ngày trong nhà (có đám tới 7 ngày) gây mất vệ sinh chung, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sản xuất và tinh thần của cộng đồng dân cư. Việc làm ma cho người chết phải mổ trâu, bò, lợn, gà gây tốn kém, lãng phí về kinh tế, mất thời gian ảnh hưởng đến việc tăng gia sản xuất của đồng bào dân tộc. Năm 2007, kết quả điều tra của UBND huyện Sa Pa với 39 dòng họ người H’Mông cho thấy, vẫn còn 11 dòng họ chưa đưa người chết vào quan tài. Năm 2012, có 30 người H’Mông để người chết quá ngày quy định; 5 gia đình không đưa người chết vào quan tài, như họ Hạng xã San Xả Hồ là 03 gia đình, họ Hạng ở Xã Tả Giàng Phình 01 gia đình, họ Thào xã Tả Phìn 01 gia đình [83, tr.2].
Thứ tư, việc bảo tồn và phục dựng một số lễ hội truyền thống chưa thực sự hấp dẫn, nếp sinh hoạt chợ phiên đã bị xâm hại, mai một.
Theo đó, phiên Chợ tình Sa Pa nổi tiếng ở những năm 90 thế kỷ XX trở về trước bởi giá trị văn hóa của nó, thường diễn ra vào tối thứ 7 hàng tuần, là nơi hội tụ của nhiều đồng bào dân tộc anh em giao lưu, tìm hiểu nhau thì giờ
đây chỉ còn trong ký ức của những người dân ở Sa Pa. Chợ tình đích thực bị mai một, là một sự mất mát lớn về giá trị tinh thần của các dân tộc ở Sa Pa nói chung, người H’Mông nói riêng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, song có một nguyên nhân là do nhiều khách du lịch quá tò mò tìm hiểu nên đã làm cho đồng bào xấu hổ, mất tự nhiên, gây cảm giác tự ti, v.v..
Cùng đó, một số điểm hạn chế trong lối sống của người H'Mông như tính biệt lập, khép kín, ít mở mang giao lưu, tính tự ti, cục bộ dòng họ, ý thức quốc gia chưa cao, v.v.. Việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa dân tộc H’Mông gắn với phát triển du lịch mới tập trung ở một số xã, bản, chưa thu hút đông đảo đồng bào dân tộc H’Mông tham gia.
* Nguyên nhân của những hạn chế
Những hạn chế trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc H’Mông ở huyện Sa Pa là do những nguyên nhân chính sau:
Thứ nhất, đồng bào H’Mông chủ yếu sống ở các xã vùng cao, khí hậu lạnh nên chỉ sản xuất được một vụ lúa, nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp thiếu vốn đầu tư, chưa áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong phát triển sản xuất, cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nên việc triển khai và thực hiện công tác văn hóa còn gặp nhiều hạn chế. Mặt khác, mặt trái của cơ chế thị trường, sự xâm thực của tôn giáo và văn hóa ngoại lai khiến cho nguy cơ đồng hóa tự phát, không kiểm soát được về văn hóa, làm suy giảm và bào mòn bản sắc văn hóa dân tộc.
Thứ hai, một số cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở, một bộ phận đồng bào H’Mông ở Sa Pa chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; thiếu sự năng động, sáng tạo, mang nặng tư tưởng ỷ lại, bao cấp của nhà nước. Đội ngũ cán bộ văn hóa, nhất là cán bộ văn hóa người H’Mông còn thiếu và yếu đã làm giảm hiệu quả của công tác giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Hiện nay, một số xã ở Sa Pa vẫn
còn có một số cán bộ chưa được đào tạo chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ. Cụ thể, toàn huyện Sa Pa có 02 cán bộ có trình độ đại học chuyên ngành quản lý văn hóa, cấp xã có 18/18 xã có cán bộ chuyên trách về văn hóa, có 12 cán bộ đạt trình độ trung cấp chuyên ngành về quản lý văn hóa, còn 06 cán bộ chưa qua đào tạo chuyên sâu về văn hóa.
Thứ ba, nhận thức, chính sách về văn hóa, bảo tồn văn hóa của đồng bào các dân tộc, trong đó có giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc H'Mông còn hạn chế. Một số cấp chính quyền có nhận thức không đúng về di sản văn hóa, cho rằng di sản văn hóa của các dân tộc ít người là sản phẩm của xã hội cũ, lạc hậu. Nhiều người Kinh lên công tác tại Lào Cai có chung một nhận định phiến diện, coi văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số là lạc hậu nên cần phải cải tạo phong tục tập quán, xóa bỏ những phong tục cũ mà họ cho rằng không phù hợp. Họ lấy khuôn mẫu của người Kinh nhằm áp đặt cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như buộc dân tộc H’Mông ăn Tết trước một tháng theo lịch cổ truyền của đồng bào, thì tốn kém, nên phải buộc đồng bào phải ăn Tết cùng thời gian với người Kinh...
Lễ hội của các dân tộc là sinh hoạt văn hóa độc đáo và rất quan trọng đối với đời sống tinh thần của người dân, nhưng một thời gian dài đều bị chính quyền cấp xã và huyện ngăn cấm không cho mở hội. Nghiêm trọng hơn, đời sống tín ngưỡng dân gian bị phá vỡ, thậm chí, một số chính quyền các cấp không phân biệt được tín ngưỡng với mê tín dị đoan, nên đã xóa bỏ, ngăn cản các hoạt động tín ngưỡng của người dân. Trước sự chủ quan về nhận thức, chính sách đời sống văn hóa của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều di sản văn hóa bị đứt đoạn. Lễ hội cúng rừng, các tín ngưỡng bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước bị coi là mê tín… bị cấm nên hàng loạt khu rừng thiêng bị tàn phá. Người H’Mông bị đứt đoạn văn hóa truyền thống, chối bỏ tín ngưỡng tổ tiên đi theo “Vàng chứ” và "Đạo Tin lành" một cách ồ ạt vào thập kỷ 90 của
thế kỷ XX. Lễ hội Gầu tào của người H’Mông không được tổ chức, thậm chí những tri thức dân gian về cây thuốc và phòng chữa bệnh cũng bị mất mát, mai một…
Ngoài ra, sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành đoàn thể về xây dựng và phát triển văn hóa; về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc còn thiếu chặt chẽ. Các chính sách về văn hóa chưa được cụ thể hóa một cách tích cực để việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, của đồng bào H'Mông nói riêng được triển khai sâu rộng và đồng bộ. Tiềm năng về xây dựng và phát triển văn hóa, về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của người H'Mông chưa được khai thác hết, và hiệu quả khai thác chưa cao, trong đó đáng chú ý là thiếu các biện pháp xã hội hóa các nguồn lực xã hội trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của người H'Mông…