Cuối thế kỷ XIX, các nước đế quốc đẩy mạnh xâm chiếm thuộc địa và căn bản đã hoàn thành việc phân chia thế giới, đặt ách thống trị thực dân ở khắp các châu Á, Phi, Mỹ Latinh. Mâu thuẫn giữa các nước thuộc địa với chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân ngày càng trở nên gay gắt và nhu cầu giải phóng dân tộc của nhân dân các dân tộc thuộc địa càng trở nên bức thiết.
Khâm phục lòng yêu nước của các vị tiền bối, nhưng khác họ, Hồ Chí Minh ra nước ngoài tìm đường cứu nước, với khát vọng giành độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Nhưng đi nhiều, khảo nghiệm nhiều và hòa mình vào phong trào công nhân Hồ Chí Minh đã không khỏi ngạc nhiên trước một nước Pháp ngập tràn các tệ nạn xã hội, đầy người dân nghèo khổ và đáng thương; nước Mỹ cũng còn rất nhiều người Mỹ da đen có cuộc sống nghèo khổ, các vụ “hành hình kiểu Lyusơ”... khác xa với những gì mà các bản Tuyên ngôn nổi tiếng đã khẳng định. Sống và làm việc, hòa mình với cuộc
sống khổ đau của người lao động ở nhiều quốc gia, châu lục, Hồ Chí Minh rút ra nhận xét: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: Giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản” [36, tr. 266].
Tháng 7/1920, khi được đọc Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, Hồ Chí Minh đã sung sướng đến phát khóc lên vì đã tìm thấy con đường giải phóng cho dân tộc mình qua nội dung của văn kiện quan trọng đó... Tại Đại hội Tua tháng 12/1920, Hồ Chí Minh đã bỏ phiếu tán thành, gia nhập Quốc tế thứ III và trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên, một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.
Hành trình trải nghiệm và hòa mình vào thế giới văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng của các dân tộc, Hồ Chí Minh đã viết sách, viết báo, tham gia nhiều hoạt động văn hóa, tổ chức nhiều hội liên hiệp… nhằm giác ngộ cách mạng cho nhân dân các dân tộc, trong đó có đồng bào mình, truyền đến họ tinh thần đoàn kết, đồng tâm để "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta".
Trong bối cảnh chung của tình hình quốc tế, Việt Nam cũng bị chi phối bởi những điều kiện lịch sử đó. Bị thực dân Pháp xâm lược và thống trị với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, thâm độc, nhân danh “khai hóa văn minh”, thực hiện chính sách ngu dân, chia để trị, đầu độc nhân dân ta bằng rượu và thuốc phiện… đời sống nhân dân ta cùng cực, tăm tối, dốt nát. Để có được độc lập, tự do, để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt, nhân dân Việt Nam phải tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, giành chính quyền, giải phóng xã hội, từ đó giải phóng văn hóa, mở đường cho văn hóa phát triển.