Được vinh danh là Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại vì những đóng góp của mình, song Hồ Chí Minh trước hết là sản phẩm của dân tộc mình, đất nước mình, là tiêu biểu, là hội tụ tinh hoa của
văn hóa Việt Nam. Người chính là tượng trưng cao đẹp nhất của tâm hồn, tính cách và văn hóa Việt Nam được hun đúc qua hàng nghàn năm lịch sử.
Giống như bao người Việt Nam, Hồ Chí Minh mang trong mình lòng yêu nước - dòng chủ lưu, hạt nhân tinh thần sáng tạo của dân tộc, tư tưởng, tình cảm cao quý, thiêng liêng và lòng dũng cảm của con người Việt Nam và cũng là chuẩn mực đạo đức cơ bản của dân tộc. Chính sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước truyền thống đã thúc giục Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, trở thành người cộng sản, suốt đời đấu tranh vì độc lập của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Ở Hồ Chí Minh, khát vọng giành độc lập dân tộc gắn liền khát vọng đem lại tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân luôn thường trực, nhất quán trong suy nghĩ và hành động của Người. Cùng với đó, tình yêu thương con người, truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, khoan dung, hòa nhập, đề cao chữ “nhân”, chữ “nghĩa”, “thương người như thể thương thân”, “nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước thì thương nhau cùng”…- văn hóa trọng tình đã thấm đẫm trong Người. Chính sách đại đoàn kết, tấm lòng khoan dung, độ lượng của Hồ Chí Minh đã làm thất bại mọi âm mưu chia rẽ của kẻ thù, cảm hóa được nhiều nhân sĩ, trí thức đã từng làm việc dưới chế độ cũ như Khâm sai đại thần Phan Kế Toại, Thượng thư Bùi Bằng Đoàn, v.v.. Ở Hồ Chí Minh, lòng yêu thương con người không phụ thuộc vào biên giới, là động lực thúc đẩy Người vượt qua mọi khó khăn, gian khổ hoạt động và đấu tranh cách mạng để giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Trong đấu tranh cách mạng và trong từng thế ứng xử thường ngày, tình thương yêu con người, tình nghĩa đồng chí, đồng bào được nâng lên, cao đẹp trong năm châu bốn biển trên tinh thần thấu triệt phương pháp biện chứng của học thuyết Mác - Lênin: “Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin được” [47, tr.554].
Văn hóa Việt Nam hình thành và phát triển gắn liền với công cuộc dựng nước và giữ nước của cha ông, trong đó vừa giữ gìn những gì tinh túy, cốt tủy nhất của giá trị Việt Nam, vừa chống lại sự đồng hóa của kẻ thù nhưng không “khép kín”, “đóng cửa” mà mở rộng tiếp nhận trên tinh thần chắt lọc nhân tố cần thiết, thích hợp để làm giàu thêm cho văn hóa dân tộc mình. Cuộc đời, nhân cách Hồ Chí Minh là biểu hiện sinh động của sự tiếp nhận, tiếp biến và vượt gộp để làm giàu vốn tri thức, nâng tầm văn hóa của mình để trở thành biểu tượng của sự kết tinh những tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại, truyền thống và hiện đại. Văn hóa khoan dung Hồ Chí Minh khác xa với biểu hiện hẹp hòi, mọi kỳ thị về văn hóa. Mặc dù tiếp nhận tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại, nhưng ở Hồ Chí Minh, cốt cách, bản sắc văn hóa dân tộc vẫn đậm đặc trong suy nghĩ, trong từng thế ứng xử, v.v.. để trở thành biểu tượng cao đẹp của văn hóa Việt Nam.