Tác động đối với khu vực và thế giớ

Một phần của tài liệu Quan hệ giữa trung quốc đại lục và đài loan trong thập niên đầu thế kỷ XXI luận văn tốt nghiệp đại học (Trang 68 - 70)

Quan hệ giữa hai bờ eo biển đã vượt ra ngoài phạm trù của một vấn đề giữa hai bên Đài Loan và Trung Quốc. Sự can thiệp của các nước lớn và ý kiến của các nước trên thế giới về vấn đề này luôn có sự tác động nhất định đến tình hình phát triển quan hệ hai bờ eo biển. Ngược lại, mối quan hệ này có đã tác động không nhỏ đến tình hình phát triển ở khu vực Châu Á –Thái Bình Dương và trên thế giới.

Trung Quốc và Đài Loan là những đối tác quan trọng đối với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sự căng thẳng đối đầu của các nhà lãnh đạo hai bờ đã có lúc đặt các nước có quan hệ ngoại giao, kinh tế với Đài Loan và Trung Quốc vào thế khó xử. Trung Quốc đã dùng chiêu bài lôi kéo các nước trong khu vực về phía mình, từ việc đe dọa về quyền lợi kinh tế với mình, Trung Quốc đã buộc các nước có mối quan hệ bang giao với Đài Loan phải thận trọng thậm chí là từ bỏ mối quan hệ bang giao với Đài Loan. Điều này chỉ có lợi cho Trung Quốc Đại lục trong khi phía các nước và Đài Loan phải chịu tổn thất rất lớn, đặc biệt là về kinh tế. Trung Quốc cho rằng việc các nước trong khu vực có quan hệ mật thiết với Đài Loan sẽ mở ra cơ hội cho xu hướng độc lập ở Đài Loan. Như vậy, nếu các nước không khôn khéo trong việc ứng xử với cả hai bờ thì sẽ đánh mất cơ hội hợp tác với cả hai bờ, thiệt hại kinh tế sẽ là không nhỏ.

Bên cạnh đó, vấn đề Đài Loan tiếp tục là một trở ngại cho tiến trình hội nhập Đông Á. Đây là biểu tượng của kịch bản “các cam kết chưa được thực hiện”, khi sự hội nhập kinh tế vẫn còn bị ngăn cản bởi các lo ngại về an ninh và chính trị. Bên cạnh sự giao lưu hợp tác về kinh tế hai bờ vẫn ra sức chạy đua vũ trang đặt tình hình khu vực trong sự lo ngại về an ninh. Và vì vậy dù quan hệ hai bờ đã dịu bớt những căng thẳng an ninh khu vực vẫn là điều mà các nước quan tâm.

Tuy nhiên, dù vẫn đang là “điểm nóng” của khu vực song mối quan hệ hai bờ đang phát triển theo chiều hướng tích cực. Khả năng mối quan hệ hai bờ eo biển biến đổi từ một điểm nóng tiềm năng trở thành một chất xúc tác cho ổn định khu vực và biến đổi từ một vật cản thành một nền tảng cho hội nhập khu vực, đặc biệt là đối với khu vực Đông Nam Á

Chính sách “ba không” của người đứng đầu chính quyền Đài Loan Mã Anh Cửu (không độc lập, không thống nhất và không sử dụng vũ lực) đã tạo nên một khuôn khổ mới dường như có thể chấp nhận được không chỉ đối với Bắc Kinh và Đài Bắc mà còn đối với cả các đối tác khác trong khu vực. Nếu được quản lý một cách hợp lý, môi trường địa chính trị tích cực đang xuất hiện trong khu vực này có thể cuối cùng sẽ làm cho khu vực eo biển từ một điểm nóng tiềm năng trở thành một chất xúc tác cho ổn định khu vực. Do vậy, lợi ích an ninh của các nước trong khu vực là duy trì động lực hiện nay bằng việc ủng hộ các biện pháp xây dựng lòng tin và các hoạt động khác giúp cho sự chuyển biến này có thể trở thành hiện thực.

Không chỉ tác động đến tình hình phát triển chung trong khu vực, quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan đã có những ảnh hưởng đến những mối quan hệ lớn trên thế giới, ảnh hưởng đến cục diện chính trị thế giới và ảnh hưởng đến tình hình an ninh trên thế giới. Quan hệ Trung Quốc và Đài Loan đang phát triển theo chiều hướng mở rộng giao lưu hợp tác trong hòa bình. Điều này đã

tạo điều kiện mở ra một xu hướng giải quyết các vấn đề xung đột bằng biện pháp hòa bình trên thế giới.

Trong quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan từ lâu đã có sự tham gia của các “ông lớn” Mỹ, Nhật và Nga. Đài Loan luôn có vị trí quan trọng đối với lợi ích của các nước này, đặc biệt là Mỹ. Trong mối quan hệ hai bờ, Mỹ luôn tìm cách can thiệp vào tình hình của vấn đề này. Quan hệ Trung - Mỹ đã dịu bớt căng thẳng sau sự kiện 11-9-2001, Mỹ mong muỗn tìm kiếm đồng minh trong cuộc đấu tranh chống lại khủng bố. Còn phía Trung Quốc muốn thỏa thuận để kiềm chế xu hướng Đài Loan độc lập, tránh một cuộc xung đột không mong muốn. Còn đối với mối quan hệ Trung –Nhật, Trung Quốc đã dùng ưu thế để buộc Nhật chấp nhận lập trường “một Trung Quốc”. Mọi động thái của Nhật đối với Đài Loan sẽ đồng thời quyết định tính chất của mối quan hệ Trung - Nhật. Còn về phía “anh bạn” Nga, Nga đã bước đầu có thái độ rõ ràng trong việc ủng hộ Trung Quốc thống nhất Đài Loan, chính vì vậy quan hệ Trung – Nga đã dần cải thiện .

Như vậy, sự tiến triển hay những tồn tại của quan hệ eo biển Đài Loan hiện nay có tác động không nhỏ đến tình hình khu vực và rộng hơn là trên thế giới. Trong tương lai mối quan hệ này sẽ còn ảnh hưởng đến tiến trình phát triển chung của khu vực và trên thế giới.

Một phần của tài liệu Quan hệ giữa trung quốc đại lục và đài loan trong thập niên đầu thế kỷ XXI luận văn tốt nghiệp đại học (Trang 68 - 70)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(80 trang)
w