Thập niên đầu thế kỉ XXI, Bắc Kinh và Đài Bắc đã nới lỏng khá nhiều các hạn chế về kinh tế giữa hai lãnh thổ nhưng hai bên vẫn tiếp tục củng cố quân đội của mình trên mọi phương diện. Chính vì vậy, tuy quan hệ kinh tế, thương mại giữa Trung Quốc và Đài Loan có xu hướng phát triển mạnh, nhưng hai bên vẫn chưa thể thiết lập trao đổi về quân sự. Chiến lược của Đài Loan đối với Đại lục là: Duy trì sức mạnh không quân trên eo biển Đài Loan và các khu vực xung quanh. Đài Bắc sẽ giữ lợi thế này cho đến khi tình hình chính trị ở Bắc Kinh trở nên thuận lợi hơn cho việc thống nhất hoặc độc lập. Quân đội Đài Loan sẵn sàng đối phó với tất cả các cuộc phong tỏa hoặc đổ bộ trên cạn, dưới nước cũng như trên không của bên ngoài. Còn Đại lục, sẽ sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh nếu như Đài Loan có xu hướng độc lập.
Trung Quốc và Đài Loan có những hoạt động đề phòng lẫn nhau suốt hơn nửa thế kỷ qua. Căng thẳng hai bờ eo biển Đài Loan đã từng khiến hai bên đã có cuộc đấu pháo dài ngày qua eo biển Đài Loan vào năm 1958, suýt lôi kéo Mỹ vào cuộc chiến tranh tổng lực với Trung Quốc làm chấn động cả thế giới. Từ đó đến nay, tuy không xảy ra xung đột vũ trang lớn, nhưng thỉnh thoảng lại dấy lên cuộc khủng hoảng ở eo biển Đài Loan mỗi khi thế lực “Đài Loan độc lập” tăng cường hoạt động.
Năm 2000, sau khi lên nắm chính quyền, Trần Thủy Biển đã nhấn mạnh rằng “Trung Hoa Dân Quốc” là một nước độc lập, có chủ quyền và từ chối nguyên tắc “Một Trung Quốc” do lãnh đạo Trung Quốc Đại lục đưa ra. Ngày 21- 5- 2000, Trần Thủy Biển đã sử dụng ngày đầu tiên sau khi nhậm chức để đi thị sát các tuyến phòng thủ đề phòng Trung Quốc. Việc Trần Thuỷ Biển nhấn mạnh tới vấn đề phòng thủ đã bất chấp những động thái khác của
chính phủ đang nỗ lực cải thiện mối quan hệ băng giá với Trung Quốc. Điều này là một sự thách thức nghiêm trọng đối với Đại lục. Không tìm thấy biện pháp nào để ngăn chặn sự li khai của Đài Loan, Đại lục đã bắt đầu sử dụng biện pháp vũ lực.
Bước sang năm 2001, Trung Quốc đã tiến hành một cuộc tập trận lớn chưa từng có xung quanh đảo Đông Sơn, ngoài khơi bờ biển Đông Nam Trung Quốc. Điều đáng chú ý là trong cuộc tập trận này quy mô, thời gian và các nỗ lực phối hợp các bộ phận hải quân, không quân, lục quân và pháo lớn đã được tiến hành. Bằng cuộc tập trận này, Trung Quốc muốn gửi tới Đài Loan bức thông điệp về việc Trung Quốc sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu như Đài Loan tuyên bố độc lập.
Tiếp đó, “Luật chống ly khai” năm 2005 đã thể hiện quan điếm về việc sử dụng biện pháp quân sự đối với Đài Loan. Nếu thế lực “Đài Loan độc lập” cố tình thực hiện ý đồ của mình, dứt khoát tuyên bố Đài Loan độc lập và Mỹ ủng hộ việc đó thì việc sử dụng vũ lực của Trung Quốc là điều không tránh khỏi. Trên thực tế, các “kịch bản” chiến tranh, phương án tác chiến của hai bờ eo biển đã được vạch ra và luôn được điều chỉnh, bổ sung. Năm 2005, từ góc độ quân sự, tình hình căng thẳng hai bờ vẫn chưa có dấu hiệu hòa dịu. Trần Thủy Biển vẫn chưa từ bỏ chủ trương Đài Loan độc lập, về quân sự Trần Thủy Biển đưa ra chiến lược quyết chiến xa vời với Trung quốc vì vậy chưa thể từ bỏ nhân tố xung đột quân sự.
Hiện nay, với những toan tính riêng và vì mục đích riêng cả hai bờ đã ra sức chuẩn bị những rào chắn về quân sự nhằm thực hiện và bảo vệ ý đồ của mình. Đặc biệt, hai bờ đã thực hiện xây dựng rào chắn tên lửa cho mình. Trung Quốc đã tiếp tục tăng số lượng và khả năng chiến đấu của các loại tên lửa đạn đạo, mở rộng lực lượng tên lửa đạn đạo tầm ngắn CSS-6 và CSS-7 (có tầm bắn 290 km). Đồng thời, nghiên cứu chế tạo hệ thống tên lửa hành
trình tấn công các mục tiêu mặt đất, áp dụng công nghệ của Nga, nâng cấp tên lửa hành trình chống tàu chiến...
Về phía Đài Loan, cũng chủ trương nâng cấp và phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa. Đài Loan đã mua Hệ thống Phòng thủ trên không (MADS) - một phiên bản nâng cấp của hệ thống tên lửa đất đối không Patriot dùng trong chiến dịch Bão táp Sa mạc của Mỹ hồi chiến tranh vùng Vịnh. Đài Bắc cũng tìm cách mua cho được tàu khu trục trang bị các hệ thống bảo vệ và tàu khu trục lớp Kidd, nhằm tăng cường sức mạnh cho lá chắn tên lửa của mình.
Như vậy, trong lĩnh vực quân sự cả hai bờ đang ở thế đối đầu cam go và rất căng thẳng. Không ai chịu nhường ai, cả hai bờ đều lo sợ về sự đe dọa của đối phương cho nên luôn muốn tìm kiếm cơ hội để áp đảo đối phương. Tuy nhiên sự đối đầu về quân sự giữa hai bờ mới chỉ là những lời tuyên bố, không có sự đối đầu trực tiếp nào mang tính chất về một cuộc xung đột quân sự. Trong những năm tới điều này có khả năng vẫn được duy trì.
Tiểu kết:
Tóm lại, trong thập niên đầu thế kỉ XXI quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan đã có những chuyển biến mang tình bước ngoặt. Quan hệ chính trị giữa hai bờ eo biển đã chuyển dần từ đối đầu sang đối thoại. Đặc biệt, trong lĩnh vực kinh tế hai bờ đã đạt được những kết quả đáng kể. Trao đổi giao thương hàng hóa giữa hai bờ không ngừng tăng lên. Bên cạnh đó, quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan còn gặt hái được nhiểu thành tựu trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế, môi trường…
Tuy nhiên, quan hệ hai bờ trong thời kì này vẫn còn nhiều tồn tại và bất cập. Đối với vấn đề thống nhất Đài Loan, hai bờ vẫn gặp bế tắc và chưa có hướng giải quyết dứt điểm. Nguy cơ về một cuộc khủng hoảng quân sự giữa hai bờ eo biển đang tiềm ẩn, đe dọa đến an ninh chính trị của khu vực và thế
giới. Bên cạnh đó, giao lưu kinh tế hai bờ còn gặp trở ngại do bất đồng về chính trị…
CHƯƠNG 3
NHẬN XÉT VỀ QUAN HỆ HAI BỜ EO BIỂN TỪ 2000 ĐẾN 2010 VÀ CHIỀU HƯỚNG CỦA QUAN HỆ HAI BỜ EO BIỂN ĐÀI LOAN
SAU NĂM 2010