Những hoạt động giao lưu văn hóa xã hội giữa hai bờ eo biển

Một phần của tài liệu Quan hệ giữa trung quốc đại lục và đài loan trong thập niên đầu thế kỷ XXI luận văn tốt nghiệp đại học (Trang 49 - 53)

Bên cạnh sự mở rộng giao lưu trong lĩnh vực kinh tế, hai bờ còn tăng cường phát triển mối quan hệ trong các hoạt động giao lưu văn hóa và xã hội. Những chuyến thăm của các vị lãnh đạo hai bờ đã đề cập đến sự mở rộng giao lưu lĩnh vực này. Điều này chứng tỏ quan hệ văn hóa giữa hai bờ đóng vai trò rất lớn đối với tình hình cục diện hai bờ eo biển Đài Loan.

Năm 2005, Trung Quốc Đại lục đã liên tiếp mời lãnh đạo các chính đảng đối lập ở Đài Loan tới thăm và tiến hành đối thoại. Trong hoạt động văn hóa Đại lục đã mời nhà văn Lý Ngao đại điện cho giới văn hóa Đài Loan tới Đại lục tiến hành “chuyến thăm văn hóa”. Mặc dù trong chuyến thăm này Lý Ngao đã có nhiều phát biểu bất lợi cho tình hình chính trị xã hội Trung quốc

song các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn giữ thái độ mềm dẻo không ngăn cấm cũng như gây trở ngại.

Tiếp đó, Đại lục tuyên bố mở cửa du lịch cho dân chúng Đài Loan sang thăm Đài Loan. Đại lục đã chủ trương tiến hành hợp tác du lịch đồng thời cử đoàn đại biểu gồm 64 quan chức phụ trách ngành du lịch sang thăm Đài Loan. Đặc biệt, chuyến thăm do Cục Trưởng Cục du lịch nhà nước Thiệu Kỳ Vĩ và Cục phó Trương Vi Khâm dẫn đầu cùng các quan chức phụ trách du lịch các địa phương tới Đài Loan thảo luận về tăng cường du lịch hai bờ đã thúc đẩy quan hệ hai bờ. Đây là bước đột phá lớn vì lần đầu tiên các quan chức Đại Lục đã tới thăm Đài Loan.

Tháng 2- 2009, Trung Quốc đã đưa cổ vật sang trưng bày ở Đài Loan. Các bảo vật từ đời Thanh thuộc Bảo tàng Cố Cung ở Bắc Kinh được đem ra giới thiệu trong vòng ba tháng tại một bảo tàng ở Đài Bắc. Đây là lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ, Đại lục đem các bảo vật sang Đài Loan. Cuộc triển lãm ở Đài Bắc tập trung vào các hình ảnh, di vật, tài liệu từ thời vua Ung Chính (1722-1735) triều Thanh. Hoạt động trao đổi văn hoá này là dấu hiệu trong nỗ lực cải thiện quan hệ giữa Đài Loan và Đại lục. Trong buổi viếng thăm Bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh, các quan chức bảo tàng Trung Quốc và Đài Loan đã ký kết thỏa thuận trao đổi chuyên gia, hợp tác nghiên cứu hàn lâm, triển lãm và xuất bản. Ngoài ra, quan chức hai bên đã thảo luận về khả năng tổ chức một cuộc triển lãm chung cho World Expo 2010 và xem xét xây dựng một chiếc cầu nối Kim Môn với Hạ Môn - một thành phố ở tỉnh Phúc Kiến, Đông nam Trung Quốc, với chi phí khoảng 390,5 triệu USD[48;3]. Những kết quả đó đã khẳng định được mong muốn được giao lưu hợp tác về văn hóa giữa hai bờ và thể hiện sự gắn kết có tính truyền thống trong mối quan hệ giữa hai bờ eo biển.

Tiếp đó, ngày 9-9-2010, đã diễn ra cuộc trao đổi giữa Bộ trưởng Văn hóa Trung Quốc - Ông Cai Wu và Bộ trưởng Văn hóa Đài Loan - Ông Emile

Sheng để tìm cách mở rộng những trao đổi văn hóa giữa Bắc Kinh và Đài Bắc. Trong cuộc gặp gỡ này, ông Emile Sheng đã đưa ra ý kiến về việc thành lập một văn phòng ở Hoa lục. Đây là lần đầu tiên một Bộ trưởng Văn hóa Đài Loan đã đưa ra một tuyên bố như vậy. Cuộc gặp gỡ này đã đánh dấu sự phát triển quan hệ văn hóa đã bước sang giai đoạn mới. Từ đây, những trao đổi giữa hai bờ eo biển Đài Loan có thể bao gồm cả những diễn biến văn hóa, các cuộc thảo luận về việc bảo tồn những tài sản văn hóa và thiết lập những văn phòng chính thức ở cả hai bên eo biển Đài Loan. Sự kiện này đã thiết lập một cơ chế minh bạch cho việc trao đổi văn hóa.

Giữa hai bờ tuy ngăn cách bởi eo biển, nhưng văn hóa, chủng tộc, tín ngưỡng của Phật giáo cùng cội nguồn, không có phân biệt. Điều đó đã thúc đẩy sự giao lưu về văn hóa tín ngưỡng giữa hai bờ eo biển Đài Loan. Trong đó, Khổng giáo được xem là yếu tố gắn kết văn hóa hai bờ. Khổng Tử đã sáng lập một trường phái tư tưởng gọi là Khổng giáo, quảng bá luân lý, đạo đức, và học vấn. Khổng giáo được nhiều người coi là cội nguồn những giá trị truyền thống của Trung Quốc. Trong khi đó, ý thức hệ Khổng giáo vẫn luôn luôn được tôn trọng tại Đài Loan. Nhận thức được điều đó, lãnh đạo Trung Quốc Đại lục đã có những chính sách nhằm thúc đẩy sự giao lưu giữa các giới chức của hai bờ. Bên cạnh đó, giao lưu Phật giáo ở hai bờ cũng được khuyến khích. Sự giao lưu về lĩnh vực tín ngưỡng đã từng bước đưa hai bờ xích lại gần nhau hơn.

Có thể nói, kể từ khi Tổng thống Mã Anh Cửu của Đài Loan lên nhậm chức vào năm 2008, Đài Loan và Trung Quốc đã thiết lập mối quan hệ kinh tế, gần gũi hơn. Tuy nhiên, kinh doanh không phải là cách duy nhất để hai bên xích lại gần. Chính phủ Đài Loan và Trung Quốc xúc tiến việc tiếp nhận sinh viên sang theo học trong các trường Đại học thuộc lãnh thổ của mình. Năm 2010, sinh viên Trung Quốc đã được theo học tại các trường Đại học Đài Loan. Điều này là một trong nhiều biện pháp mà Quốc hội Đài Loan đã

phê chuẩn để tăng cường quan hệ với Hoa Lục. Dự luật giáo dục này được thông qua vào năm 2009 và bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2010. Dự luật cho phép các trường đại học ở Đài Loan được thu nhận 2 ngàn sinh viên Trung Quốc, nhưng các sinh viên đó không được theo học các ngành có liên hệ tới an ninh quốc gia.

Bộ trưởng Giáo dục Đài Loan đã cổ vũ cho việc trao đổi giáo dục với Hoa lục. Một dự thảo luật đã được xem xét tại Quốc hội đã công nhận các bằng đại học ở Trung Quốc và chào đón các sinh viên ở Hoa Lục theo học chính qui tại các trường đại học của Đài Loan. Tuy nhiên, dự luật này chưa được thông qua bởi sự phản đối của các đảng chính trị luôn cảnh giác trước mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc. Bộ trưởng Giáo dục Đài Loan đã mời các sinh viên Trung Quốc tới phát biểu tại quốc hội trong tuần này để chia sẻ kinh nghiệm của họ trong các chương trình trao đổi hiện có. Hầu hết các trường đại học Đài Loan đều hoan nghênh ý tưởng mời sinh viên Trung Quốc sang trường đại học của họ. Tuy nhiên, mỗi khi dự luật này được đưa ra duyệt xét, thì các cuộc ẩu đả lại nổ ra ở quốc hội bởi phe đối lập sợ rằng các sinh viên Hoa lục sẽ tước đi các cơ hội của sinh viên Đài Loan.

Trong lĩnh vực y tế, hai bên thông báo kịp thời các dịch bệnh dễ lây lan, tăng cường biện pháp phòng ngừa và điều trị đối với các dịch bệnh lớn, tăng cường hợp tác trong nghiên cứu dược phẩm, trao đổi về nghiên cứu y học cổ truyền của Trung Quốc... Bên cạnh đó, hai bờ còn khuyến khích giao lưu trong lĩnh vực báo chí. Trung Quốc Đại lục đã mời các nhà báo Hông Kông và phóng viên báo chí của Đài Loan ở Hông Kông tới thăm Đại lục. Những sự kiện này đã thể hiện sự tăng cường giao lưu về các lĩnh vực giữa hai bờ.

Những sự kiện giao lưu giữa hai bờ trên tất cả các lĩnh vực đã thể hiện mong muốn đẩy mạnh trao đổi văn hóa giữa hai bờ. Các hoạt động trao đổi văn hóa đã giúp dân chúng hai bên bờ eo biển Đài Loan hiểu nhau hơn. Sự

giao lưu ấy đã diễn ra trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, và không làm tổn hại đến lợi ích của hai bờ.

Một phần của tài liệu Quan hệ giữa trung quốc đại lục và đài loan trong thập niên đầu thế kỷ XXI luận văn tốt nghiệp đại học (Trang 49 - 53)