Kết hợp giữa đào tạo và tự đào tạo

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị ở trường chính trị tỉnh bắc giang dưới ánh sáng tư tưởng hồ chí minh (Trang 34 - 40)

Về đào tạo

Muốn trở thành người cán bộ tốt thì phải được đào tạo, không phải người cán bộ nào cũng có thể tự học, tự đọc sách vở mà hiểu được, đặc biệt là những kiến thức về lý luận. Đào tạo ở đây được hiểu là trải qua trường lớp, qua tổ chức. Trường lớp huấn luyện, đào tạo ấy phải có cơ sở vật chất cho dù đơn giản nhất, có đội ngũ giáo viên có đủ năng lực giảng dạy, được trang bị những kiến thức chung về lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, về đạo đức cách mạng, về quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tất cả những nội dung trên đòi hỏi mỗi bài giảng phải có nội dung súc tích, tính lý luận và tính khoa học chặt chẽ đồng thời có phương pháp dạy tốt, phải tuỳ từng đối tượng, từng loại chương trình mà vận dụng phương pháp cho phù hợp.

Trong Diễn văn khai mạc lớp học lý luận khoá I trường Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh nêu rõ: “Trước hết Đảng ta tổ chức trường học lý luận cho cán bộ là để nâng cao trình độ lý luận của Đảng ta đặng giải quyết sự đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng và tình hình thực tế của Đảng ta, để Đảng ta có thể làm tốt hơn công tác của mình, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ cách mạng vĩ đại của mình” [46, tr. 492].

Ở trường, ngoài dạy về lý luận như chủ nghĩa Mác – Lênin, các đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tình hình thời sự các nước trên thế giới, còn trang bị cho người cán bộ những kiến thức về khoa học tự nhiên, về chuyên môn…Vì vậy trường học chính là nơi tốt nhất để trang bị cho người cán bộ

35

những kiến thức cơ bản, những lý luận chung để giúp cho người học có những tri thức phổ thông, tri thức nền tảng, có phương hướng. Từ đó có thể “giúp anh em biết phương hướng, biết nhắm mục đích mà đi”. Do nhiều hoàn cảnh khác nhau nên các khoá học không được kéo dài nhưng được học một cách có tổ chức, theo Người cách học như vậy “anh em học ít nhưng bổ ích nhiều”.

Theo Hồ Chí Minh, có hai cách dạy: cách dạy tỉ mỉ và cách dạy bao quát. Nhằm phát huy sự chủ động của người học trong lĩnh hội kiến thức, cốt yếu là phải làm cho người học hiểu thấu vấn đề để tránh tình trạng học nhiều mà “không hiểu được”, “nhiều cái khó quá”, từ đó người học phải chủ động trong quá trình học tập. Và Người chính là thầy giáo lý luận chính trị đầu tiên ở Việt Nam sử dụng có hiệu quả phương pháp trên khi áp dụng tại lớp học chính trị đặc biệt tại Quảng Châu. Từ những nội dung là những vấn đề nòng cốt trong hệ thống lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin nhưng được chuyển tải thành những nội dung rất gần gũi, giản dị để thu hút sự chú ý, tham gia của người học. Khi giảng dạy, Người bao giờ cũng đặt ra những vấn đề để học viên suy nghĩ, trả lời, trao đổi, bàn cách thực hiện rồi Người mới tổng kết, chỉ dẫn và gắn với thực tế cụ thể. Ví dụ: Khi tìm hiểu “Lịch sử cách mệnh Mỹ”, Người nêu vấn đề khái quát “Lịch sử Mỹ thế nào?”, “Vì sao Mỹ làm cách mệnh?”, “Phong trào ấy kết qủa như thế nào?”,” Ý nghĩa cách mệnh Mỹ với cách mệnh An Nam thế nào?”, “Chúng ta học được gì ở cách mệnh Mỹ?”,”Có nên đi theo con đường của cách mệnh Mỹ hay không?”…Cuối cùng Người luận giải vấn đề về cách mạng vô sản, vì sao chúng ta lại lựa chọn con đường cách mệnh ấy. Với phương pháp giảng dạy phù hợp, học viên không chỉ chủ động tích cực nắm kiến thức, thấy rõ con đường cách mệnh nào nên đi, mà còn hiểu sâu sắc để tuyên truyền giáo dục trong nhân

36

dân. Phương pháp này đã giúp cho người học thấu hiểu vấn đề và tự nguyện đi theo cách mạng.

Qua thực tế đào tạo, theo Hồ Chí Minh giáo dục không nên gò bó, có thể giảng tỉ mỉ hoặc khái quát cốt sao ai cũng hiểu được vấn đề. Người đưa ra một ví dụ hết sức cụ thể: khi muốn dạy người ta hiểu thế nào là một con voi nếu như chưa có thời gian giảng giải tỉ mỉ từng bộ phận xương, răng…thì có thể nói cho người ta hiểu bao quát con voi là như thế nào: như mình nó to, có một cái vòi…Người học hiểu như thế còn tốt hơn là không có thời gian mà lại căm cụi nghiên cứu tỉ mỉ như cái ngà voi chẳng hạn, thì khi trở về họ lại lầm tưởng con voi là cái ngà voi. Mà thực tế muốn thực hiện có hiệu quả công tác đó thì rõ ràng người cán bộ giảng dạy phải biết thật rõ thế nào là một con voi.

Về tự đào tạo

Hồ Chí Minh chính là một tấm gương về tinh thần tự học, tự rèn luyện. Lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã phải bỏ dở sự nghiệp học hành của mình, khi xuất dương chính cuộc sống bôn ba ở nước ngoài, phải làm nhiều nghề để kiếm sống lại chính là những trường học lớn tôi luyện nên nhân cách và trí tuệ Hồ Chí Minh. Vì vậy, hơn ai hết Người hiểu rõ việc cần thiết của việc tự đào tạo, “lấy tự học làm cốt”.

Theo Người, tự học là như thế nào?. Tự học trước hết là Người muốn nhấn mạnh đến thái độ và trách nhiệm của người cán bộ trong việc phải chủ động học hỏi, không được trông chờ ỷ lại vào Đảng, vào tổ chức, không biết thì phải học hỏi, không được giấu dốt, có như thế mới đáp ứng được những nhu cầu đòi hỏi của cách mạng đặt ra. Người nêu rõ định hướng cho việc tự học: Không phải cứ đến trường mới là học, mà người cán bộ có thể tự học hỏi trau dồi qua sách báo, tài liệu, giáo trình…Người cán bộ phải học hỏi lẫn nhau, cán bộ cũ có trách

37

nhiệm rèn luyện, dìu dắt cán bộ mới giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. “Học tập ở trường của đoàn thể không phải như học ở các trường lối cũ, không phải có thầy thì học, thầy không đến thì đùa. Phải biết tự động học tập” [44, tr. 50]. Người nói: “Bác thường nghe nói có đồng chí mới 40 tuổi mà đã cho mình là già, cho nên ít chịu học tập. Nghĩ như vậy là không đúng, 40 tuổi chưa phải là già. Bác đã 76 tuổi nhưng vẫn cố gắng học thêm. Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời” [50, tr. 92].

Nâng cao và hướng dẫn việc tự học cũng cần phải nêu tác phong độc lập suy nghĩ. “Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ. Đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt câu hỏi “vì sao?”, đều phải suy nghĩ kỹ càng xem nó có hợp với thực tế không, có thật là đúng lý không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ chín chắn” [46, tr. 500]. Người còn dạy trong giáo dục và học lý luận chính trị phải “khiêm tốn, thật thà…Đào sâu suy nghĩ…cái gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết. Kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thì số một của học tập” [46, tr. 499].

Hồ Chí Minh yêu cầu trong giáo lục lý luận chính trị không chỉ người dạy mà người học phải độc lập suy nghĩ, đào sâu hiểu kỹ, suy nghĩ chín chắn để giúp người học hiểu sâu lý luận, nâng cao tư tưởng, giữ vững lập trường. Người dạy xác định rõ nội dung cốt lõi, trọng tâm cần nắm và vận dụng, có như vậy mới khắc phục tình trạng phiến diện, tình trạng chung chung, đại khái. Đồng thời trong huấn luyện phải chú ý vào rèn luyện phương pháp kỹ năng, tạo cho người học nắm được bản chất các quan điểm lý luận, có thể độc lập, tự chủ xử trí đúng công việc trong bất cứ hoàn cảnh nào.

38

Vận dụng quan điểm của Lênin “học, học nữa, học mãi”, Hồ Chí Minh cho rằng “người huấn luyện phải học thêm mãi mới làm được công việc huấn luyện của mình…Người huấn luyện nào tự cho mình là đã biết đủ cả rồi, thì người đó dốt nhất” [44, tr. 46]. Vì vậy theo yêu cầu của Người, đội ngũ cán bộ lý luận phải không ngừng làm giàu tri thức, trình độ lý luận của mình bằng “những điều hiểu biết quí báu các đời trước để lại” và học tập một cách sáng tạo, linh hoạt kinh nghiệm của các nước anh em để làm tốt công tác Đảng giao phó cho mình. Không thể để những người làm công tác lý luận thiếu hụt “nghiệp vụ”, không theo kịp sự phát triển và yêu cầu của cách mạng, Đảng không nên bủn xỉn về các khoản chi tiêu trong việc huấn luyện.

Hồ Chí Minh đã chỉ ra trách nhiệm của Ban Tuyên giáo Trung ương, của các cấp uỷ Đảng là phải tìm cách giáo dục chủ nghĩa cho phổ biến, luôn đề cao tính độc lập, tự chủ, sáng tạo của người học, phát huy sự chủ động của người học trong lĩnh hội kiến thức. Theo Người, trong giảng dạy phải chú trọng “lấy tự học làm cốt”, giáo dục lý luận chính trị là một quá trình, đòi hỏi tính kiên trì của người học. Từ đó người học chủ động biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo.

Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ vì đất nước đang có chiến tranh, cơ sở vật chất trường học, tài liệu, sách vở, bút mực…nghèo nàn, thiếu thốn, số lượng giáo viên ít, nhiều cán bộ ở xa trường học hoặc bận công tác không thể đi học. Mặt khác, những kiến thức được học trong trường lớp chỉ là những kiến thức cơ bản, nền tảng trong khi đời sống xã hội thì vô cùng phong phú, phức tạp. Vì vậy, người cán bộ phải là người biết kết hợp giữa quá trình đào tạo và tự đào tạo. Quá trình kết hợp đào tạo và tự đào tạo phải được diễn ra thường xuyên, liên tục, không ngừng nghỉ vì “xã hội phát triển không ngừng, tiến bộ cũng không ngừng. Nếu hôm nay ngừng tiến bộ tức là ngày mai thoái bộ. Muốn tiến bộ mãi thì phải học

39

tập” [45, tr. 83]. Do đó, cán bộ phải không ngừng rèn luyện, không ai có thể cứ bám lấy hình ảnh của quá khứ để rồi tự dừng lại để lãnh đạo, chỉ đạo một sự vật luôn vận động, luôn phát triển. Đảng ta muốn lãnh đạo được nhân dân, lãnh đạo được cách mạng thì bản thân Đảng phải không ngừng rèn luyện, đổi mới, đội ngũ cán bộ phải không ngừng học tập. “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời, không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp thời nhân dân” [46, tr. 215].

Ngoài “học ở trường”, “học ở sách vở”, còn “học lẫn nhau và học nhân dân”. Những kinh nghiệm do những người đi học mang đến, kinh nghiệm thành công cũng như kinh nghiệm thất bại, những kinh nghiệm đó đem ra trao đổi, gom góp lại thành những bài học quý, không phải cứ chờ đồng chí cấp trên đến nói chuyện thì mới là bài, là học. “Không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn” [44, tr. 50], vì trí tuệ của một người không bằng trí tuệ của nhiều người hợp lại, nhân dân ta không chỉ anh hùng mà còn rất thông minh, sáng tạo trong lao động, sản xuất và chiến đấu. Kinh nghiệm thực tiễn đã được ông cha ta đúc rút ra thành những chân lý, những bài học quý báu. Vì lẽ đó, nếu không học hỏi nhân dân sẽ là một thiếu sót rất lớn của người cán bộ, đây chính là trường học lớn và tốt để người cán bộ phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, tự cải tạo và hoàn thiện mình. “Chiến sĩ và cán bộ được rèn luyện những đức tính tốt như: quyết tâm, gan dạ, kiên quyết, không sợ khó, không sợ khổ. Được bồi dưỡng tính tổ chức, tính kỷ luật. Do quần chúng thẳng thắn phê bình mà cán bộ tẩy rửa được những tính xấu như: quan liêu, mệnh lệnh, tham ô, lãng phí…Ở những trường ấy, miệng nói tay làm, lý luận gắn liền với thực hành. Nó làm cho cán bộ tinh thần thêm thông, lập trường thêm vững, lề lối làm việc thêm dân chủ. Những trường ấy vừa huấn

40

vừa luyện, vừa thử thách cán bộ. Nếu ai không chịu nổi thử thách trước sự kiểm tra nghiêm khắc mà công bằng của quần chúng, thì người ấy chỉ có thể mình tự trách mình. Nếu thắng lợi trong cuộc thử thách, thì chắc chắn thành người cán bộ tốt, cần cho cuộc kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công” [45, tr. 270].

Phương pháp kết hợp đào tạo - tự đào tạo là một phương pháp giáo dục hiện đại, giúp cho quá trình giáo dục đạt kết quả cao, phương pháp này không chỉ giúp người học hiểu thấu vấn đề, kích thích độc lập suy nghĩ tìm tòi giải pháp để cuối cùng người học đạt tới tri thức, khắc phục những điểm yếu trong quá trình học tập lý luận mà còn đòi hỏi sự kết hợp khéo léo giữa người truyền thụ kiến thức và người tiếp thu kiến thức trong quá trình giáo dục, không phải là cách truyền thụ kiến thức một chiều mà phải là “biết mười dạy một”, phải gợi mở hướng dẫn cho người học tự động học tập nâng cao hiểu biết, đồng thời người thầy giỏi không phải là người có bao nhiêu hiểu biết nhồi nhét cho học viên tất cả và chấm hết, không phải “đem lý luận khô khan nhét cho đầy óc người học. Rồi bày cho họ viết những chương trình, những hiệu triệu rất kêu. Nhưng đối với thực tế, tuyên truyền, vận động, tổ chức, kinh nghiệm chỉ nói qua loa mà thôi” [43, tr. 272], đó chỉ là lý luận suông, vô ích.

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị ở trường chính trị tỉnh bắc giang dưới ánh sáng tư tưởng hồ chí minh (Trang 34 - 40)