Cải thiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ, thông tin, tư liệu và đổi mới phương pháp giảng dạy

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị ở trường chính trị tỉnh bắc giang dưới ánh sáng tư tưởng hồ chí minh (Trang 101 - 106)

đổi mới phương pháp giảng dạy

Để góp phần đào tạo được những cán bộ tốt thì yếu tố cơ sở vật chất cũng giữ vai trò hết sức quan trọng. Cùng với việc cải tạo, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ giảng dạy, học tập, làm việc và sinh hoạt. Để đảm bảo tốt hơn yêu cầu đào tạo cán bộ trong giai đoạn mới nhất là góp phần nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị, nhà trường cần đầu tư nhiều hơn nữa để xây dựng cơ sở vật chất, giảng đường, phòng học, thư viện, nhà ăn, nhà khách, khu hiệu bộ, ký túc xá học viên, nhà thể thao, khuôn viên của trường

102

khang trang, sạch sẽ, đảm bảo cho việc dạy và học cũng như phục vụ sinh hoạt hàng ngày.

Nhà trường cần rà soát lại chất lượng giáo trình phục vụ các lớp học; quản lý nguồn tài liệu giáo trình đến với người học, tránh tình trạng thiếu tài liệu phục vụ cho quá trình học tập. Các khoa chuyên môn có kế hoạch biên tập, xây dựng những bộ giáo trình chuẩn cho các bậc học, các lớp học. Giáo trình được soạn phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị phải đảm bảo tính khoa học, tính đảng; những nội dung, sự kiện, dữ liệu luôn đảm bảo cập nhật thông tin, gắn với thực tiễn, vận dụng các kết quả nghiên cứu khoa học để không ngừng bổ sung và cập nhật kiến thức lý luận và thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng bài giảng.

Đẩy mạnh nâng cấp hệ thống các trung tâm tư liệu, thư viện, đa dạng các đầu sách, báo, tạp chí nhằm phục vụ tốt hơn quá trình nghiên cứu, giảng dạy, học tập của giáo viên và học viên. Cần quan tâm đầu tư kinh phí cho quá trình hiện đại hoá phương thức phục vụ ở trung tâm thư viện - tư liệu. Tiến hành tin học hoá, nối mạng Internet trong quản lý tài liệu, nâng cấp cơ sở vật chất theo hướng đồng bộ, hiện đại để góp phần hỗ trợ quá trình đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy.

Đổi mới công nghệ đào tạo theo hướng hiệu quả, tiết kiệm để việc đào tạo lý luận chính trị không chỉ dừng lại ở việc tập hợp học viên ngồi nghe giảng mà cần kết hợp với các hoạt động thâm nhập thực tiễn ở cả các giảng viên và học viên. Nhà trường cần tiếp tục xây dựng kế hoạch, tổ chức những chuyến đi thực tế có ý nghĩa để thông qua đó góp phần làm sáng tỏ, sinh động hơn những kiến thức lý luận đã được tiếp thu.

103

Bên cạnh đó, cần đa dạng hoá các mô hình đào tạo lý luận. Nhà trường cần linh hoạt mở rộng loại hình và quy mô đào tạo theo hướng coi trọng chất lượng, vừa đào tạo, bồi dưỡng lý luận cơ bản, chuyên môn nghiệp vụ chung, vừa đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh, đảm bảo học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, đảm bảo tính thiết thực. Đặc biệt đối với loại hình đào tạo tại chức ở địa phương cơ sở, tiến hành thử nghiệm các công nghệ dạy học hiện đại như tổ chức các lớp học trực tuyến, lớp học từ xa. Nếu có nội dung, phương pháp giảng dạy và quản lý tốt với các mô hình đào tạo mới này sẽ góp phần quan trọng vào việc mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo; hạn chế sự tốn kém về thời gian và kinh phí đào tạo, đặc biệt là các đối tượng cán bộ công tác ở những huyện, xã miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.

Thông qua việc thực hiện một số nghiên cứu, khảo sát, xây dựng đề án nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về lý luận chính trị, nhà trường đã xác định đổi mới phương pháp giảng dạy là nội dung quan trọng của việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo. Đồng thời, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, có vai trò quyết định trực tiếp tới chất lượng dạy và học. Theo đó, để đổi mới phương pháp giảng dạy, các giảng viên cần sử dụng các phương tiện hiện đại trong giảng dạy, nghiên cứu lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xây dựng nội dung, cách thức sử dụng các phương pháp giảng dạy tích cực như tăng cường đối thoại, nêu vấn đề, hạn chế dần phương pháp độc thoại; tăng thời gian, nội dung thảo luận, tổ chức đánh giá đúng thực chất khả năng áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực của từng giảng viên trong nhà trường.

Các giảng viên dạy lý luận chính trị cần lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng đào tạo. Đội ngũ cán bộ đến các lớp học lý luận chính trị ở các bậc học hầu hết đã trưởng thành, được đào tạo khá bài bản, có kinh nghiệm,

104

có kiến thức thực tế. Do được đào tạo từ nhiều nguồn, sự phát triển của mỗi cá nhân gắn với mục đích công tác đặc trưng, nên trình độ của đội ngũ này tuy không đồng đều. Tuy nhiên, ở một số lĩnh vực, đặc biệt là kiến thức thực tiễn, nhiều học viên có trình độ am hiểu sâu sắc hơn so với một bộ phận giảng viên. Hơn nữa, được cử đi học, họ hy vọng được nâng cao và mở mang kiến thức khoa học, kiến thức lý luận, yêu cầu đó đòi hỏi đội ngũ giảng viên phải trau dồi kiến thức, nội dung, phương pháp để đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập đối với đối tượng học viên này.

Đổi mới phương pháp giảng dạy phải theo hướng lấy người học làm trung tâm, cho nên trong quá trình dạy và học người giảng viên phải tăng thời lượng đối thoại, tăng thời gian tự nghiên cứu, tự học của học viên, giảm số tiết giảng, giảm thời gian giảng trên lớp, chú trọng chất lượng các buổi xinêma khoa học, tạo cho người học thói quen và kỹ năng tự nghiên cứu, tư duy, tổng hợp, khái quát vấn đề; tránh hình thức học thuộc lòng, học đối phó hay học để trả bài kiểm tra, bài thi. Để thực hiện được phương pháp này, nhà trường cần tổ chức các khoá học bồi dưỡng phương pháp giảng dạy tích cực cho giảng viên, đặc biệt về công tác giáo dục lý luận chính trị. Phát huy những kết quả của những giờ giảng thành công khi đổi mới phương pháp giảng dạy, những giảng viên đã dạy thành công nên phổ biến kinh nghiệm kết hợp với việc tổ chức tổng kết, đánh giá khách quan, lấy ý kiến của giảng viên khác, đặc biệt là ý kiến của học viên để cùng rút kinh nghiệm và điều chỉnh. Nếu các khâu này được tiến hành kỹ, nghiêm túc sẽ khắc phục được biểu hiện của việc đổi mới mang tính hình thức, giáo điều, rập khuôn ở các lớp lý luận chính trị.

Đổi mới phương pháp giảng dạy khắc phục tình trạng “dạy chay, học chay”, thày giảng trò ghi, nhằm phát huy vai trò chủ động, tích cực, sáng tạo của

105

người học trong lĩnh hội kiến thức. Song sự chủ động, tích cực của người học có được phát huy hay không lại bắt đầu và chịu ảnh hưởng từ vai trò của người thầy, từ sự chuẩn bị nội dung, hướng nghiên cứu của bài giảng. Vì vậy, yêu cầu trước tiên là đòi hỏi đội ngũ giảng viên có chuyên môn sâu, phương pháp sư phạm tốt. Trong quá trình giảng dạy phải xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình lý luận chính trị cũng như của môn học, của từng bài giảng, để lựa chọn phương pháp chuyển tải nội dung một cách phù hợp.

Đổi mới phương pháp giảng dạy không phải chỉ thay đổi hình thức, cách thức giảng dạy và học tập, càng không phải là xoá bỏ hoàn toàn phương pháp giảng dạy trước đây, mà có sự kế thừa, kết hợp khéo léo giữa phương pháp truyền thống, nhất là phương pháp thuyết trình với một số phương pháp khác (như phương pháp nêu vấn đề, phương pháp dạy học cùng tham gia, phương pháp nghiên cứu tình huống). Sự kết hợp trong đổi mới và đổi mới từng bước phương pháp giảng dạy sẽ tạo ra bài giảng lý luận chính trị có tính giáo dục cao, sinh động, phong phú, thu hút sự chú ý và kích thích tư duy của học viên. Đồng thời sử dụng phương pháp tăng cường khả năng tự học, tự nghiên cứu của học viên sẽ giúp học viên nâng cao khả năng thuyết trình và vận dụng tốt vào trong hoạt động thực tiễn của họ.

Từ thực tế khung chương trình của các lớp lý luận chính trị hiện nay, thời gian dành cho các môn học lý luận chính trị không nhiều; thời gian tiếp xúc giữa giảng viên và học viên cũng hạn chế, với học viên thời gian tự đọc tài liệu càng hạn hẹp, vì vậy, để khắc phục những khó khăn này, việc đổi mới phương pháp giảng dạy cần chú trọng sao cho có sự cân đối về thời gian học tập, thời gian đọc tài liệu của học viên, sử dụng hiệu quả các phương tiện giảng dạy với các phương pháp giáo dục một cách nhuần nhuyễn.

106

Tóm lại, để đổi mới phương pháp giảng dạy, đòi hỏi phải có sự kết hợp đồng bộ, toàn diện của nhiều nhân tố, kết hợp với việc sử dụng các phương tiện hiện đại, giảng viên soạn bài công phu, tâm huyết, vừa làm vừa rút kinh nghiệm cùng với việc tăng cường tham gia nghiên cứu khoa học từ cấp khoa, trường cho đến các cấp cao hơn.

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị ở trường chính trị tỉnh bắc giang dưới ánh sáng tư tưởng hồ chí minh (Trang 101 - 106)