sử dụng khả năng đó để phục vụ cách mạng. Có thể coi đó là một trong những “tiêu chuẩn” để khẳng định người nghệ sĩ đích thực trong “chân dung tổng thể Hồ Chí Minh”. Đó là điểm sáng trong quá trình nghiên cứu về thơ văn Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh của Phong Lê.
Phẩm chất của người nghệ sĩ chân chính được khẳng định bởi các giá trị nghệ thuật đích thực trong sáng tác nghệ thuật mà người nghệ sĩ đó hướng tới. Đó chính là đích đến của người nghệ sĩ khát khao đi tìm ý nghĩa, giá trị cuộc đời.
2.2.2. Cuộc “hành trình Chân- Thiện – Mĩ” của người nghệ sĩ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh
Cái Chân, cái Thiện, cái Mĩ trong văn chương là đỉnh cao giá trị mà bất kỳ một người nghệ sĩ chân chính nào cũng kiếm tìm và hướng tới. Ở đó chứa đựng khát vọng tốt đẹp nhất, chân thật nhất của con người trong cuộc đời trần thế. Khát vọng đó được nâng lên tầm cao, trở thành niềm tin, thành ý nghĩa cuộc đời để con người soi vào đó và sống tốt đẹp hơn, có ý nghĩa hơn.
Phong Lê cho rằng ở thế kỷ XX, trong hành trình tìm đến cái Chân, cái Thiện, cái Mĩ, tác gia Nguyễn Ái Quốc là người đã đến được đích. Ông viết: “… Ở Hồ Chí Minh, như là một sự hiện thân, sự hoá thân tuyệt đẹp của những khả năng bên trong ở một con người, có dễ là hiếm hoi trên thế giới này, và trong thế kỷ này, đã đi được đến cùng cuộc hành trình Chân – Thiện – Mĩ” [20,tr.234].
Nhà nghiên cứu Phong Lê quan tâm tới giá trị văn chương đích thực, trong chính những trang viết không nhằm mục đích văn chương của Bác. Ông tìm được sự “tri âm” ở người đọc về thơ văn của Bác, kể cả những người khó tính nhất.
Tìm hiểu hành trình của Chân – Thiện – Mĩ trong thơ văn Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, ông chỉ rõ yếu tố mà Người đã hướng tới, đã đạt được trong thơ văn Người viết. Phân tích yếu tố “Chân” – Sự thật, được phản ánh trong thơ văn Bác, ông viết: “Cả một cuộc hành trình vĩ đại suốt nửa thế kỷ, trong một sự nghiệp viết nhằm vào sự thật, không nói gì khác ngoài sự thật”, [20,tr.934]. Cách phân tích của Ông vừa khái quát đầy đủ vừa cụ thể về mức độ chân thực được phản ánh trong thơ văn của Bác, khiến người đọc nhận thấy tầm vóc, phạm vi, phương diện, độ tin cậy sâu sắc về sự thật trong mỗi trang viết của Bác.
Ông chỉ ra đích của cái Thiện mà Bác hướng tới và đạt được trong thơ văn, là “vì hạnh phúc của nhân dân”, trước hết là của những người nghèo khổ, bất hạnh của dân tộc và trên thế giới. Ông đã đề cập tới mục tiêu cao cả nhất của chủ nghĩa nhân đạo trong thơ văn xưa nay, đó là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam mà nhân loại hằng ngưỡng mộ. Cái Thiện trong thơ văn Bác càng trở nên có ý nghĩa hơn bởi khái niệm nhân dân trong thơ văn Bác. Đây là điểm khác biệt của Bác, một Danh nhân văn hoá thế giới ở thế kỷ XX so với các Danh nhân văn hoá khác của Việt Nam ở thế kỷ trước. Nếu Nguyễn Trãi, Nguyễn Du đều “Vì con người, vì sự phát triển con người” thì thơ văn Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh lại nhằm mục đích thức tỉnh họ để “giải phóng con người” “trước khi nói tới sự phát triển của con người”. Nhà nghiên cứu làm sáng rõ thế mạnh trong thơ văn của một nhà thơ - nhà cách mạng, một người chiến sĩ – Danh nhân văn hoá Hồ Chí Minh. Đây là điểm mới trong hướng nghiên cứu của ông về thơ văn Bác Hồ.
Phân tích hành trình đến với cái Mĩ – cái đẹp trong thơ văn của Bác, ông cho đó là bằng chứng về một con người bẩm sinh là nghệ sĩ. Ông cho rằng: “Ở cái đẹp của con người trong phẩm chất nghệ sĩ này, ta càng nhận rõ ngọn nguồn sức mạnh của Hồ Chí Minh – người đã chọn vũ khí văn chương và nâng văn chương lên tầm vũ khí – Không chỉ là vũ khí “thoát lỗ thi”, tấn công vào mọi loại kẻ thù, mà còn là vũ khí để chinh phục và làm rung động con tim hàng triệu người” [10,tr.235]. Ông nhận ra cái đẹp trong thơ văn của Bác chính là sức mạnh của vũ khí văn chương. Thiết nghĩ, tôn vinh cái Đẹp trong thơ văn Hồ Chí Minh, Phong Lê thể hiện rõ sự ngưỡng mộ chân thành của một người nghiên cứu văn học đối với một tác gia văn học, một người nghệ sĩ luôn “hướng tới cái đẹp, cái cao thượng” nhất trong nghệ thuật văn chương.
Ông cho rằng sự gắn nối cái Chân – Thiện – Mĩ trong thơ văn Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh được thể hiện rõ qua chất thép và chất thơ trong văn chương của Bác. Ông viết: “Quả chất thép là cần về sự định hướng cao cả và triệt để cho hoạt động của con người nhằm vào cái Tốt, cái Thiện. Nhưng đây lại là chất thép trong thơ, và như vậy, chất thơ lại cần cho sự phát triển và hoàn thiện con người, như một sản phẩm tự nhiên và xã hội nhằm vào cái Đẹp” [20,tr.225]. Bàn về chất thép, chất thơ trong sáng tác thơ văn của Bác, phần lớn các nhà nghiên cứu đều thống nhất ý kiến cho rằng có là đặc điểm rõ nét nhất trong các sáng tác của một con người vừa là thi sĩ vừa là chiến sĩ. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh đã chỉ rõ “chất thơ là chất sống đầy tính năng động” và chất thép là ý chí là “hành động động cải tạo thế giới” của người chiến sĩ trong thơ văn của Bác. Ông cho rằng đó là: “Một cái gì vừa rất mực cổ điển, rất mực truyền thống, lại vừa hết sức hiện đại, thời đại” [33,tr.380] trong thơ văn của Người. Nhà nghiên cứu Quách Mạt Nhược
(Trung Quốc) nhấn mạnh tinh thần thép trong thơ Bác là “tinh thần xung phong hầm trực”. Nhà nghiên cứu Harrison S. Salisbury cho rằng tập thơ
Nhật ký trong tù của Bác “có một nhân vật kết hợp được trong con người nhân vật đó chất thép và tình cảm”.
Phong Lê khẳng định chất thép, chất thơ trong thơ văn của Bác chính là sự gắn nối giữa Chân – Thiện – Mĩ. Nhà nghiên cứu Phong Lê đã góp tiếng nói riêng của mình vào việc khám phá tìm hiểu thơ văn Bác Hồ. Ông đã giúp người đọc hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn về bản lĩnh và phẩm chất của một con người vừa là chiến sĩ vừa là thi sĩ – Hồ Chí Minh.
Trong quá trình tìm hiểu hành trình đến với Chân – Thiện – Mĩ thơ văn của Người, Phong Lê đã đưa ra những dẫn chứng cụ thể, kèm theo những lời phân tích đánh giá rõ ràng nhằm khẳng định thơ văn của Bác đạt đến đích phấn đấu của nghệ thuật chân chính mà bất cứ thời đại nào cũng đặt ra. Ông đã chỉ ra đích đến của cái Chân cũng là nơi găp gỡ của cái Thiện và cái Đẹp trong những trang viết tưởng như chỉ cần có sự thật của Bác.Nhà nghiên cứu đưa ra những tác phẩm tiêu biểu trong suốt chặng đường sự nghiệp viết của Bác, từ Người cùng khổ đến Di chúc để khẳng định cái Thiện chiếm ưu thế trong các trang văn thơ Bác viết đầy sự thật đồng thời ông chỉ ra cái Đẹp đồng hành cùng cái Thiện trong các tác phẩm của Bác. Nhà nghiên cứu đặc biệt chú ý tới tác phẩm Nhật ký trong tù. Ông khẳng định rằng trong tác phẩm Nhật ký trong tù Bác là người tạo ra cái Đẹp và hướng về cái Đẹp chân chính trong nghệ thuật thi ca, chính cái Đẹp đó là ngọn nguồn sức mạnh của cái Chân, cái
Thiện ở thơ văn của Bác. Ông viết rằng: “Để hiểu sức mạnh hướng ngoại của văn chương Hồ Chí Minh lại phải tìm về các khả năng hướng nội, mà hẳn chỉ có thơ như một sự bộc bạch trung thực của nội tâm mới có thể giúp ta nhận dạng …” [20,tr.232]. Đối với Phong Lê ông cho rằng chất thép, chất thơ là
biểu hiện của giá trị Chân – Thiện – Mỹ trong thơ văn của Bác. Nhà NCPB Phong Lê đã làm nổi bật được những giá trị nghệ thuật chân chính trong thơ văn của Bác Hồ, làm rõ được bước chân của người nghệ sĩ Hồ Chí Minh “đã đi được đến cùng cuộc hành trình Chân – Thiện – Mĩ”.