Phong Lê với việc tìm hiểu phong cách thơ văn của Bác.

Một phần của tài liệu Phong Lê với quá trình nghiên cứu thơ văn Nguyễn Ái Quốc Hồ Chí Minh (Trang 73 - 78)

Phong cách là một khái niệm bao hàm sự đánh giá cao về chất lượng của văn chương, chỉ quan hệ thống nhất của mọi sự sáng tạo ở một nhà thơ, một nhà văn. Bàn về văn phong Hồ Chí Minh, Trường Chinh nhận xét: “Về văn phong, cách nói và cách viết của Hồ Chủ tịch có những nét rất độc đáo: Nội dung khảng khái, thấm thía, đi sâu vào tình cảm con người, chinh phục trái tim khối óc của người ta, hình thức sinh động giản dị, dễ hiểu, giầu tính dân tộc và tính nhân dân” [33, tr.116]. Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh có nhận xét về phong cách văn thơ của Người: “Người xưa từng nói, văn chương của những bậc lấy việc hành đạo, cứu đời làm mục đích tất cũng rộng lớn, phong phú như cuộc đời. Đó không phải là thứ nghệ thuật của bồn hoa chậu cảnh, mà là vẻ đẹp bát ngát của đồng xanh nghìn mẫu, nước bạc muôn trùng. Phong cách văn thơ của Hồ Chí Minh là như thế” [23,tr.387]. Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh có ý nhấn mạnh vẻ đẹp trong phong cách văn chương phong phú, đa dạng của Bác.

Tìm hiểu về phong cách thơ văn của tác gia Nguyễn Ái quốc – Hồ Chí Minh, nhà NCPB văn học Phong Lê cho rằng văn phong của Bác là: “Một văn phong đa dạng. Đa dạng nhưng nhất quán trong đề tài, trong mục tiêu phục vụ cách mạng”.

Nhà nghiên cứu đã chỉ rõ cụ thể phong cách thơ văn của tác gia Nguyễn Ái quốc – Hồ Chí Minh với hai phương diện trái ngược nhau vừa đa dạng vừa nhất quán. Từ đó ông đi sâu vào giải thích và làm rõ về văn phong của Người.

Nhà NCPB văn học Phong Lê không phải là người đầu tiên, cũng không phải là người duy nhất khám phá về văn phong của Bác, nhưng trong qua trình nghiên cứu, ông đã tạo ra vấn đề và nêu được thành vấn đề để từ đó ông có hướng nghiên cứu sâu về phong cách văn thơ của Bác. Ông tìm hiểu về nguyên nhân “đa dạng và nhất quán” trong phong cách văn thơ của Bác. Ông cho rằng mục đích sáng tác thơ văn của Bác tác động tới phong cách thơ văn của Người. Nhà nghiên cứu phân tích kỹ những biểu hiện của sự tác động, tập trung nổi bật lên là sự tác động từ hai phía trong và ngoài, chủ quan và khách quan để tạo nên “phong cách Hồ Chí Minh trong lịch sử văn học Việt Nam”. Theo ông, Bác sáng tác thơ văn là nhằm mục đích cách mạng cho dân tộc và cho nhân loại, nội dung phản ánh trong các sáng tác của Người có một “phạm vi” rộng lớn vô cùng phong phú, đa dạng , đó là “một thế giới trong chiều rộng và chiều sâu của nó”. Mặt khác, xuất phát từ mục tiêu cách mạng, nhằm giải phóng con người và phát triển con người, của dân tộc Việt Nam và nhân loại cần lao trên thế giới nên thơ văn của Bác đều nhằm hướng tới đối tượng người đọc “phong phú” ở mọi tầng bậc, mọi lứa tuổi thuộc các dân tộc khác nhau, ở những vị trí khác nhau. Do đó Bác tìm được những cách “phô diễn riêng”, “thích hợp” với từng đối tượng tiếp nhận văn chương cụ thể, do vậy mà thơ văn Bác có một sự đa dạng. Nhà nghiên cứu lại chỉ ra rằng: “Chính cái

ham muốn tột bậc vì độc lập cho dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân đã quy định sự nhất quán, sự chung đúc của một đề tài trong văn thơ Hồ Chí Minh” [20,tr.80-181). Ý kiến của ông đã chỉ rõ lý do và ý nghĩa mặt thống nhất, nhất quán về nội dung trong phong cách thơ văn của Bác Hồ cũng là hé mở cho người đọc nhận ra tư thế chủ động của thể sáng tác nhằm đạt được mục đích cách mạng đặt ra một cách hiệu quả nhất. Đó chính là nguồn gốc tạo nên sự nhất quán về hình thức phô diễn trong văn phong Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.

Nhà nghiên cứu cho rằng có một văn phong Hồ Chí Minh – làm nên dấu ấn đặc sắc trong văn học hiện đại Việt Nam”[20,tr.183] một phần còn do khả năng tự nhiên và do sự bồi đắp trau dồi thường xuyên khiến Hồ Chí Minh luôn có khả năng thích ứng và biến hoá trong mọi tình huống nghệ thuật”[20,tr.162]. Ông chỉ rõ yếu tố tác động nội lực bên trong của chủ thể sáng tác ảnh hưởng tới văn phong Hồ Chí Minh đó là tâm hồn người nghệ sĩ bẩm sinh của Bác và vốn sống, ham học hỏi của Người. Ý kiến này của ông hoàn toàn có cơ sở khoa học, dựa trên mối liên hệ ảnh hưởng của hoàn cảnh môi trường sinh trưởng đối với tác gia văn học. Ông phân tích cụ thể hơn sự ảnh hưởng của truyền thống dân tộc trong ngôn ngữ thơ văn của Bác: “Sử dụng nhuần nhị lời ăn tiếng nói quần chúng, Hồ Chủ Tịch cũng là người rất quen thuộc với thơ văn cổ điển của dân tộc. Cũng như nhân dân, phần thơ cổ điển ấy luôn luôn sống động trong ngôn ngữ, trong tư duy Hồ Chí Minh, đến nỗi có thể xem như một cái vốn riêng, một dự trữ tiềm tàng để lúc nào Bác cũng có thể „xuất khẩu thành thơ”. Và chính ở đặc trưng này, ngôn ngữ và văn thơ Hồ Chí Minh là nơi kết hoà hai truyền thống lớn trong văn học dân tộc: dân gian và cổ điển”. “Ý kiến của Phong Lê có điểm gần với đánh giá của một số nhà NCPB văn học về thơ văn của Bác. Chẳng hạn như nhà nghiên cứu Hà Minh Đức, ông cho rằng: “ Hồ Chí Minh am hiểu và rất yêu thích những sáng tác trong kho tàng văn học dân gian, những giá trị văn học cổ điển …Trong thơ ca của mình, Hồ Chí Minh khai thác nhiều tứ thơ, nhiều câu thơ từ trong thơ ca dân gian, thơ ca cổ điển, để thể hiện một tư tưởng mới, một ý tứ mới” [23,tr75]. Nhà nghiên cứu Hà Minh Đức có ý nhấn mạnh tới sự vận dụng thơ ca dân gian, thơ ca cổ điển trong thơ văn của Bác để nhằm khẳng định thơ ca của Bác có sự tiếp thu sáng tạo những giá trị truyền thống của văn học dân tộc. Chỉ ra những biến động trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác ảnh hưởng đến phong cách văn thơ của Bác, Phong Lê nhấn mạnh hai ý:

thứ nhất con đường hoạt động cách mạng của Bác là trường học để Người “thu lượm” và tích lũy vốn sống, vốn hiểu biết về mọi mặt của cuộc đời, vốn sống phong phú sẽ là nguồn cung cấp, tư liệu phong phú trong các trang viết của Bác; thứ hai Bác đã tiếp thu và chịu ảnh hưởng vốn văn hoá phương Tây. Ở khía cạnh này, ông đã thuyết phục hoàn toàn được người đọc bởi ông vận dụng vốn hiểu biết sâu sắc về cuộc đời và thơ văn của Bác để khám phá và tìm hiểu về thơ văn của Bác. Như vậy nhà nghiên cứu đã có cách giải quyết được vấn đề do ông đặt ra một cách rõ ràng. Ông đã dùng những yếu tố trong văn học và ngoài văn học để phán đoán, suy luận, tìm hiểu về văn phong của Bác. Trước một phương diện quen thuộc khi nghiên cứu về thơ văn của Bác, ông đã tạo được sự hấp dẫn đối với bạn đọc.

Đề cao vai trò của chủ thể sáng tạo là “sự thể hiện tinh thần mĩ học hiện đại” của các nhà nghiên cứu văn học.Nếu nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh đã chỉ ra một cách cụ thể, chi tiết biểu hiện vai trò của chủ thể, sáng tác trong thơ văn của Bác. Thì nhà NCPB văn học Phong Lê lại cho rằng nghệ sĩ Hồ Chí Minh là người “giàu năng lực chủ động” “luôn luôn có khả năng thích ứng và biến hoá trong mọi tình huống nghệ thuật”. Ông làm rõ được lý do tạo nên đặc điểm văn phong Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Nhà NCPB Phong Lê luôn nhấn mạnh vai trò chủ động của chủ thể sáng tác được thể hiện trong mọi tình huống nghệ thuật để nhằm hướng tới đối tượng tiếp nhận văn chương thiết thực trong mỗi tác phẩm và đạt được mục tiêu cách mạng hữu hiệu nhất. Chẳng hạn phân tích ngôn ngữ trong thơ văn của Bác ông viết: “Có thể nói có cả kho ngôn ngữ ở Hồ Chí Minh như một khi công cụ để bất cứ hoàn cảnh nào Bác cũng có thể sử dụng” [20,tr.142]. Về quan hệ giữa nội dung chính trị và hình thức văn chương, Phong Lê cho rằng nội dung chính trị “đã mang thực sự một hình thức văn chương”. Nhận xét sự chủ động sáng tạo của chủ thể sáng tác về thể loại, ông cho rằng: “Giàu năng lực chủ động, Hồ

Chí Minh là người không chịu gò bó bởi bất cứ thể thức nào hoặc nguyên tắc nào”. Những nhận xét đánh giá của Phong Lê có giá trị đề cao tính chủ động sáng tạo của Bác trong mọi lĩnh vực, mọi phương diện, mọi hoàn cảnh sáng tạo nghệ thuật. Do đó ông dễ tìm thấy sự đồng tình của người đọc về vấn đề này. Đồng thời qua đó ông tô đậm thêm phong cách thơ văn của Bác.

Tập trung phân tích văn phong của Bác, nhà nghiên cứu cho rằng văn phong của Bác có sự hoà nhập của hai quá trình “chính trị hoá nghệ thuật và nghệ thuật hoá chính trị”, là “kết quả của cả hai quá trình cách mạng hoá và quần chúng hoá”. Nhận xét của ông đã chỉ ra tinh thần dân tộc và tinh thần thời đại trong văn phong Hồ Chí Minh. Từ đó ông đi sâu phân tích bí quyết tạo nên giá trị ở tầm cao mới trong văn phong của Bác đó là thơ văn Người nói lên nguyện vọng cốt yếu của dân tộc. Theo ông đó là chất giản dị hồn nhiên ở một tầm cao trí tuệ trong thơ văn của Bác, đó chính là biểu hiện cao nhất, đẹp nhất, kết tinh nhất vẻ đẹp trong phong cách thơ văn của Bác. Ông giúp người đọc nhận ra vẻ đẹp lung linh ở tầm cao mới và gần gũi như nguyện vọng của mỗi người dân từ thơ văn của Người. Ông đã chỉ ra khát vọng cao đẹp trong người nghệ sĩ Hồ Chí Minh đối với sự sáng tạo nghệ thuật. Nhà nghiên cứu đã tạo được điểm nhấn luyến láy trong phong cách văn thơ của Bác.

Khám phá về văn phong của Bác, nhà NCPB văn học Phong Lê giúp người đọc có được chìa khoá để mở rộng cửa đến với thế giới văn thơ của Bác. Ở đó có một nhân cách lớn của nhà cách mạng một tài năng nghệ thuật giàu cá tính sáng tạo. Và cao hơn cả là ở đó có một con người uyên bác, trí tuệ, chủ động lạc quan, hồn nhiên trong sáng, lịch lãm – con người đẹp nhất và một tâm hồn nghệ sĩ bậc thầy ở thế kỷ XX.

Một phần của tài liệu Phong Lê với quá trình nghiên cứu thơ văn Nguyễn Ái Quốc Hồ Chí Minh (Trang 73 - 78)