PHẦN KẾT LUẬN

Một phần của tài liệu Phong Lê với quá trình nghiên cứu thơ văn Nguyễn Ái Quốc Hồ Chí Minh (Trang 119 - 123)

1. Tác gia Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh là một tác gia văn học lớn của thế kỷ XX, Người đã để lại cho hậu thế một sự nghiệp văn học lớn. Cuộc đời và thơ văn của Bác là một đề tài hấp dẫn đối với nhiều nhà NCPB văn học trong và ngoài nước.

Nhà NCPB văn học Phong Lê là một chuyên gia NCPB văn học Việt Nam hiện đại.Ông là một trong số ít các nhà NCPB văn học Việt Nam có một quá trình nghiên cứu lâu dài, sâu sắc về thơ văn của Bác. Trong quá trình 30 năm nghiên cứu tìm hiểu về thơ văn của Người, nhà NCPB văn học Phong Lê đã dựng được chân dung tác gia Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, một tác gia lớn giữ vai trò quan trọng trong nền văn học Việt Nam ở thế kỷ XX. Thơ văn của Người đáp ứng tối ưu và triệt để hai yêu cầu lớn của thời đại đặt ra cho văn học là cách mạng hoá và hiện đại hoá về nội dung và hình thức. Hồ Chí Minh là người đầu tiên đưa văn học Việt Nam trở thành bộ phận hợp thành và đồng hành với văn học thế giới hiện đại. Đồng thời ông khẳng định được những giá trị lớn về nhiều mặt trong sự nghiệp văn học gắn liền với sự nghiệp cách mạng vĩ đại của người Anh hùng dân tộc, của một Danh nhân văn hoá thế giới - Hồ Chí Minh. Cuộc đời của Bác đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác vô giá, vô tận cho thơ văn Việt Nam. Phẩm chất nghệ sỹ chân chính ở Bác đã trở thành tấm gương cho những người làm công tác sáng tạo nghệ thuật. Những nghiên cứu về thơ văn Bác Hồ của ông đã định hướng cho cách nhận thức, cách tiếp cận thơ văn của Bác một cách sâu sắc đầy đủ khoa học và đúng đắn từ phía người tiếp nhận. Đây chính là thành tựu, thành công lớn trong lĩnh vực NCPB văn học của ông nói riêng và cũng là thành tựu của sự nghiệp NCPB văn học Việt Nam nói chung.

2. Nhà NCPB văn học Phong Lê đã nghiên cứu thơ văn Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh dựa trên cơ sở khoa học, trong mối quan hệ sâu sắc với

bối cảnh lịch sử xã hội văn hoá đất nước Việt Nam cụ thể. Với những luận điểm khoa học vững chắc, ông nghiên cứu tìm hiểu về thơ văn của Người trong một hệ thống chặt chẽ mạch lạc các mối quan hệ trên mọi bình diện của đời sống văn học và đời sống xã hội ở thế kỷ vừa qua. Ông đã chỉ rõ đặc điểm nghệ thuật trong thơ văn của Người. Đó là sự kết tinh nghệ thuật truyền thống và hiện đại trong thơ văn của Bác, trong đó truyền thống văn học dân tộc gồm cả văn hoá dân gian và truyền thống thơ văn cổ điển của nền văn học dân tộc có từ hàng ngàn năm. Bác là thế hệ tri thức đầu tiên của Việt Nam được tiếp xúc với văn hoá hiện đại của Phương Tây. Thơ văn của Người mang những yếu tố hiện đại, tiến bộ của văn hoá nhân loại ở thế kỷ XX. Nhà nghiên cứu đã khẳng định thơ văn của Bác đa dạng phong phú về thể loại âm điệu, ngôn ngữ nhưng thống nhất trong đề tài cách mạng. Do đó thơ văn của Bác có sự phù hợp giữa nội dung và hình thức; quy mô các thể loại thích hợp với mục tiêu thiết thực trong mỗi tác phẩm và đối với người đọc cụ thể; nhiều giọng điệu hài hoà phù hợp với các đối tượng bạn đọc đông đảo khác nhau và phù hợp với mục tiêu đặt ra trong mỗi tác phẩm. Ông nhấn mạnh rằng sự giản dị đã trở thành là một nghệ thuật đặc sắc trong thơ văn của Bác.

Như vậy, nhà nghiên cứu phê bình Phong Lê đã tìm ra dấu ấn riêng

trong thơ văn của Bác, đã tìm ra vẻ đẹp riêng trong sự nghiệp văn thơ đi cùng sự nghiệp cách mạng của Người.

3. Thông qua quá trình nghiên cứu thơ văn Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh suốt 30 năm qua, chân dung nhà nghiên cứu phê bình văn học Phong Lê được hiện lên rõ rệt. Đó là một nhà nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam hiện đại có tư tưởng khoa học, có phương pháp nghiên cứu có “tay nghề” cao, có bề dày kinh nghiệm và có niềm say mê nồng nhiệt trong nghiên cứu về thơ văn Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Thông qua việc nghiên cứu thơ văn Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, nhà nghiên cứu Phong Lê đã có những đóng góp thiết thực tích cực đáng kể đối với công việc nghiên cứu phê bình thơ văn của Bác trong đời sống lý luận phê bình văn học Việt Nam thời kỳ hiện đại.

Từ những thành tựu nghiên cứu phê bình của ông về tác gia Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh các thế hệ những người nghiên cứu phê bình sau đã rút ra một bài học trong việc nghiên cứu thơ văn của Bác. Đó là nghiên cứu phải có lý luận, có phương pháp cụ thể phù hợp với đối tượng nghiên cứu là thơ văn của Người. Nghiên cứu về thơ văn Bác Hồ cần phải có sự hiểu biết một cách sâu sắc, rộng lớn về các lĩnh vực chính trị, lịch sử, văn hoá, xã hội. Đặc biệt muốn có được những công trình nghiên cứu có giá trị thực sự về thơ văn của Bác đòi hỏi mỗi người nghiên cứu phải tâm huyết, có sự nhiệt tình trong công việc nghiên cứu.

4.Trong sự nghiệp nghiên cứu văn học của Phong Lê, công trình nghiên cứu về thơ văn Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh của ông giữ một vị trí rất quan trọng. Đây là một công trình nghiên cứu lớn góp phần khẳng định được tiếng nói, được uy tín và vị thế của nhà NCPB văn học Phong Lê - một chuyên gia nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam hiện đại tiêu biểu ở sau thời kỳ Đổi mới. Những công trình nghiên cứu của ông về tác gia Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là những chuyên luận, những tư liệu vô cùng có giá trị đối với việc nghiên cứu, giảng dạy thơ văn của Bác trong các trường Đại học, Cao đẳng và phổ thông hiện nay. Chính điều ấy đã giải thích tại sao công trình này là một phần quan trọng trong cụm công trình ông được giải thưởng Nhà nước về Khoa học năm 2005 - một giải thưởng cao quý mà bất kỳ người hoạt động trên lĩnh vực khoa học nào cũng khao khát đạt được.

Cùng với các nhà NCPB văn học có uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu về thơ văn Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh như: Hà Minh Đức, Nguyễn Đăng

Mạnh, và một số các nhà NCPB văn học khác, tên tuổi của nhà nghiên cứu Phong Lê đã trở nên quen thuộc, các tác phẩm của ông đã trở thành những chuyên luận những tài liệu bổ ích đối với những người quan tâm đến thơ văn của Bác nói riêng và quan tâm đến đời sống văn học Việt Nam hiện đại nói chung.

Một phần của tài liệu Phong Lê với quá trình nghiên cứu thơ văn Nguyễn Ái Quốc Hồ Chí Minh (Trang 119 - 123)