Quốc– Hồ Chí Minh trong tầm khái quát lớn. Nhà NCPB văn học Hà Minh Đức nghiên cứu về thơ văn Bác trong tầm bao quát rộng chủ yếu đi sâu vào phạm trù thể loại để chỉ ra đặc sắc về nội dung và nghệ thuật trong thơ văn của Người. Đối với Phong Lê, ông nghiên cứu thơ văn của Người trong tổng thể lớn của cả một thế kỷ văn chương với những mối quan hệ giữa văn thơ của Bác và các phương diện của xã hội, dân tộc, thời đại và của chính bản thân văn học. Trong tầm bao quát rộng lớn, với một đối tượng nghiên cứu là tác gia lớn của một chặng đường văn học lớn kéo dài hàng thế kỷ, nhà nghiên cứu đã tìm hiểu toàn bộ sự nghiệp văn học của Bác gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Người. Ông đã thể hiện một năng lực chuyên môn chắc chắn, một khả năng nghiệp vụ vững vàng trong hướng khai thác riêng của mình, đó là những phẩm chất quý nên có và yêu cầu phải có đối với người nghiên cứu văn chương. Với những thế mạnh riêng của mình nhà NCPB văn học Phong Lê đã tìm hiểu được những giá trị đặc sắc trong nghệ thuật thơ văn Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.
3.3. Phát hiện những nét đặc sắc trong nghệ thuật thơ văn Bác Hồ của Phong Lê. Phong Lê.
Nhà nghiên cứu Phong Lê cho rằng nét đặc sắc trong nghệ thuật thơ văn của Bác là những “dấu ấn riêng, không lẫn với bất cứ ai”, là “một cốt cách riêng, lấp lánh một thứ ánh sáng riêng” trong các tác phẩm của Người. Ông cho rằng đó là những biểu hiện “chỗ cao, sâu, là đích của nghệ thuật”. Tìm ra nét đặc sắc nghệ thuật trong thơ văn của Bác chính là sự khẳng định giá trị văn chương trong các sáng tác của Người, từ đó khẳng định được vai trò, những đóng góp của tác gia Nguyễn ái Quốc – Hồ Chí Minh cho nền văn học nước nhà. Theo ông thơ văn của Bác là sản phẩm của riêng Hồ Chí Minh nhưng cũng là sản phẩm của dân tộc, của thời đại. Thơ văn của Người “làm
hiện lên những lẽ sống lớn, tư tưởng lớn, tình cảm lớn của một nhân cách cao đẹp như tất cả những áng văn thơ hay của nhân loại từ xưa đến nay”. Đó là phẩm chất đẹp đẽ của thơ văn Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Nhà nghiên cứu Phong Lê đã tìm ra cái Tôi riêng của Bác trong phẩm chất văn chương của Người. Ông viết: “Trong văn thơ Hồ Chí Minh có một cái Tôi , thì cái Tôi
ấy luôn luôn như muốn náu mình đi sau những hình tượng khác, trước hết là bộ phận quần chúng bất hạnh trong xã hội cũ, những con người biết mùi hun khói, những em bé khóc oa, oa, người bạn tù thổi sáo, và sau cách mạng, đó là những điển hình xứng đáng nêu gương như cháu bé thiếu nhi làm liên lạc, cụ già có công đuổi giặc” [20, tr. 256 -257]. Trong NCPB văn học, phát hiện ra cái Tôi của nhà thơ, nhà văn là một điều có một ý nghĩa quan trọng. Cái Tôi
đó chính là nét riêng biệt của nhà thơ, nhà văn thông qua các hình tượng nghệ thuật mà nhà thơ, nhà văn đó tạo nên. Đó là cơ sở để các nhà nghiên cứu khẳng định giá trị thơ văn trong các sáng tác của họ và là căn cứ để người nghiên cứu xây dựng chân dung tác gia văn học. Nhà NCPB Phong Lê đã phát hiện ra cái Tôi của tác gia Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh ẩn náu sau những hình tượng nghệ thuật khác mà Người tạo nên, đó là những hình tượng nghệ thuật được xây dựng từ hiện thực cuộc sống, là quảng đại quần chúng nhân dân, là những con người bất hạnh trong xã hội cũ. Ông chỉ rõ sự “ẩn mình” của cái Tôi Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh là do sự chủ động của chủ thể sáng tác thơ văn. Điều đó đã nâng vẻ đẹp riêng trong thơ văn của Người lên tầm cao, tạo nên vẻ đẹp mới trong phẩm chất văn chương của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Nhà NCPB văn học Phong Lê đã dựa trên một cơ sở khoa học vững chắc để khẳng định về cái Tôi của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, ông đã gặp được đồng tình từ phía đông đảo bạn đọc.
Nét đặc sắc trong nghệ thuật của nhà văn thường được bộc lộ trong quy mô sáng tác của nhà văn đó. Nhà nghiên cứu Phong Lê cho rằng những sáng
tạo nghệ thuật riêng ở quy mô văn thơ Bác ở chỗ: “Không phải bằng lượng đắp dày của số trang, bằng độ dày của quyển, bằng sự đồ sộ của vóc dáng hoặc bề bộn của lời chữ” mà ở chỗ: “Ngắn gọn, linh hoạt, uyển chuyển, không cần những kích thước lớn, không phải vì người viết không có khả năng bao quát mà vì người viết thấy không cần làm khác, thấy như vậy mới thích hợp …” [20, tr .184]. Nhà nghiên cứu Phong Lê đã dựa trên quan điểm sáng tác văn thơ và các tác phẩm cụ thể của Bác để đưa ra ý kiến nhận xét vè quy mô thơ văn của Bác. Như đã biết Người sáng tác thơ văn nhằm mục đích cách mạng, mỗi tác phẩm của Bác đều có một mục đích thiết thực và hướng tới một đối tượng tiếp nhận thiết thực bởi làm cách mạng thì không thể không thiết thực. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác suốt mấy chục năm ròng không nghỉ với vô vàn những tình huống phức tạp buộc Bác phải luôn luôn thay đổi mục đích viết cho phù hợp với các đối tượng đọc, luôn luôn thay đổi hình thức cho phù hợp với nội dung tác phẩm. Mặt khác, thơ văn của Người là sự kế thừa và phát huy truyền thống thẩm mỹ của ông cha. Đó là sự ưa thích những gì nhỏ nhắn thanh tao của tổ tiên ta như: Tháp Rùa, Chùa Một cột, tiếng đàn bầu, cành trúc la đà, một lời dân ca… Thơ văn của Bác cũng chịu ảnh hưởng của văn học hiện đại phương Tây. Do đó quy mô các tác phẩm của Người đúng như nhà nghiên cứu Phong Lê đánh giá: “Chỉ có sự gọn nhẹ linh hoạt” nhằm thích hợp với nhiều thế hệ đối tượng người đọc. Nhà nghiên cứu đã hoàn toàn nhận được sự đồng tình từ phía người đọc khi ông cho rằng nghệ thuật đặc sắc trong quy mô tác phẩm văn chương của Bác chính là quy mô tác phẩm thích hợp với nhu cầu thiết thực của mọi tầng lớp người đọc. Đó cũng là một trong những điểm bộc lộ đỉnh “cao nhất”, chỗ “sâu nhất” của cá tính sáng tạo nghệ thuật trong thơ văn Bác Hồ. Đó cũng là cơ sở để ông khẳng định giá trị văn chương đích thực trong các sáng tác nhằm mục đích cách mạng của Bác.
Hình thức thơ văn là một phương pháp bộ lộ rõ rệt cá tính sáng tạo của một nhà văn. Trong quá trình nghiên cứu. Phong Lê tìm thấy nét riêng sáng tạo về mặt hình thức trong các sáng tác của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, theo Phong Lê, cá tính đó là ở cách thức phô diễn nội dung phù hợp với đối tượng tiếp nhận để tạo nên sức thuyết phục đối với người tiếp nhận văn chương của Bác. Ông lập luận rằng: “Sức mạnh thuyết phục là xuất phát từ nội dung nhưng nội dung đó được nói như thế nào… cũng là điều quan trọng… Trong thơ văn vẻ đẹp sức thuyết phục chính là từ sự hoà hợp ấy, giữa nội dung và hình thức” [20 , tr .256]. Mục đích sáng tác văn chương của Bác là mục đích cách mạng, nội dung trong thơ văn của Người là nhằm tuyên truyền cách mạng, đối tượng tiếp nhận tác phẩm của Bác là đông đảo mọi tầng lớp, mọi trình độ khác nhau. Do đó, đòi hỏi hình thức thơ văn phải phù hợp với nội dung, truyền tải được nội dung đến với người đọc một cách hiệu quả nhất. Đạt được sự phù hợp giữa nội dung và hình thức văn chương phục vụ cách mạng trong thơ văn của Người quả là một sự sáng tạo nghệ thuật thực sự của người nghệ sỹ. Khi Bác viết truyện ký những năm 20 trên đất Pháp Bác dùng tiếng Pháp và hình thức văn chương Châu Âu hiện đại, khi viết cho đồng bào dân tộc mình Bác dùng những hình thức tuyên truyền bằng văn vần cho dễ nhớ, dễ thuộc. Tập Nhật ký trong tù Bác viết cho chính mình để giải khuây trong tù đày nên Bác dùng chữ Hán và thể thơ Đường cổ điển. Đó là hình thức giải trí tao nhã, thanh cao phù hợp với tâm hồn Bác lúc bấy giờ. Nhận định của nhà nghiên cứu về cách Bác sử dụng hình thức phô diễn phù hợp với nội dung trong văn thơ là nét nghệ thuật đặc sắc của Người hoàn toàn có căn cứ. Nhà nghiên cứu có ý đề cao vai trò chủ động của chủ thể sáng tác luôn trân trọng nhu cầu của người đọc, đứng về phía người đọc, lựa chọn hình thức thích hợp phô diễn những nội dung cần thiết phù hợp với đối tượng công chúng đông đảo nhằm tạo ra hiệu quả tối ưu trong cách tiếp nhận văn thơ là
sự sáng tạo của riêng Bác trong lĩnh vực nghệ thuật văn chương, là hoàn toàn có cơ sở thực tế khoa học, đó là nhận định có sức thuyết phục cao đối với người đọc.
Nét đặc sắc trong nghệ thuật của tác gia Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh còn được thể hiện rõ rệt ở cách sử dụng giọng điệu trong các trang viết của Người. Phong Lê phát hiện rằng trong thơ văn của Bác “có sự hài hoà nhiều giọng điệu. Ở đó, vẫn những thể văn quen thuộc … Nhưng do khả năng vận dụng linh hoạt và do dấu ấn đặc sắc của cá nhân, tác giả đã đem đến cho mỗi loại một tác động có hiệu quả có quy mô và tầm vóc mới” [20, tr. 153]. Căn cứ vào tính chủ động của chủ thể sáng tác nhằm hướng tới hiệu quả tiếp nhận văn học của quần chúng nhân dân đông đảo, Phong Lê đã lý giải được giọng điệu đa thanh hài hoà trong thơ văn Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Phong Lê cho đó là cá tính riêng của tác gia Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh trong sáng tạo nghệ thuật. Điều đó tạo nên hiệu quả tiếp nhận văn chương rất lớn từ thơ văn của Người đối với quần chúng nhân dân. Đó là tác dụng thiết thực của sự sáng tạo riêng về giọng điệu trong thơ văn của Bác. Và đó là nét đẹp mang một cốt cách rất riêng trong thơ văn của Người. Nhà nghiên cứu dựa vào những tác phẩm thơ văn Bác viết ở mỗi thời điểm cụ thể nhằm mục tiêu cách mạng cụ thể, hướng tới đối tượng bạn đọc thiết thực, để ông tìm hiểu về cách sử dụng giọng điệu trong các trang viết của Bác. Nhờ đó ông đã phát hiện ra nét đặc sắc trong cách sử dụng giọng điệu ở các trang viết của Người.
Trong quá trình nghiên cứu, tìm ra nét nghệ thuật đặc sắc của Bác trong phẩm chất, quy mô, hình thức, giọng điệu thơ văn Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, nhà nghiên cứu luôn luôn đề cao tính chủ động trong chủ thể sáng tác thơ văn.
Nhà NCPB văn học Phong Lê dựa trên nền tảng lý luận vững chắc để khai thác, khám phá, tìm hiểu những giá trị nghệ thuật văn chương đích thực của Bác. Trong nghiên cứu văn học “có một khâu không thể giải quyết được bằng phương pháp luận” mà đòi hỏi phải có năng khiếu cảm thụ thẩm mỹ, đúng như Biêlinxki nói :“Trong lĩnh vực cái đẹp, phán đoán chỉ có thể đúng khi nào lý trí và tình cảm hài hoà với nhau”. Nghiên cứu thơ văn Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh cũng vậy: “Thiếu một năng lực cảm thụ thẩm mỹ nhất định thì mọi phương pháp dù khoa học đến đâu cũng trở thành vô ích”. (Nguyễn Đăng Mạnh). Với một năng lực cảm thụ cái đẹp nhạy cảm, sâu sắc, nhà NCPB văn học Phong Lê đã có những sáng tạo riêng trong quá trình nghiên cứu thơ văn Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.