2.2.1.1 Đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội
Thanh Thủy là huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Phú Thọ, huyện có địa giới hành chính phía Bắc giáp huyện Tam Nông, phía Tây Nam giáp huyện Thanh Sơn, sông Đà là ranh giới phía Đông với huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây. Trung tâm huyện cách thủ đô Hà nội 65 km về phía Tây; cách trung tâm tỉnh 50 km. Thanh Thủy là cửa ngõ nối liền các tỉnh phía Tây Bắc với thủ đô Hà Nội, là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh Phú Thọ với Hà Nội, Hà Tây, Hòa Bình và các tỉnh phía Tây Bắc.
Yến Mao và Phượng Mao là hai xã nằm ở phía nam của huyện Thanh Thủy, cách trung tâm huyện khoảng 30 km. Hai xã nằm trải dài theo bờ sông Đà và tiếp giáp với huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Cả hai xã có đường tỉnh lộ 317 chạy qua địa bàn xã, đây là con đường duy nhất để các xã có thể giao lưu với các thị trường bên ngoài như thành phố Việt Trì, thị xã Hòa Bình, đây là một trong những thuận lợi về phát triển kinh tế xã hội của xã.
Về địa hình, cả hai xã đều có nhiều đồi núi, mặt bằng bị chia cắt bởi nhiều hệ thống sông và suối do đó rất không bằng phẳng. Diện tích đất lâm nghiệp của Yến Mao chiếm 34,2% diện tích đất tự nhiên, và Phượng Mao là 15,2%. Diện tích đất lâm nghiệp được sử dụng chủ yếu vào trồng cây lầm nghiệp phục vụ nhu cầu của nhà máy giấy Bãi bằng, và một phần nhỏ được các hộ gia đình trồng sắn. Theo báo cáo của UBND xã thì hầu hết diện tích đất lâm nghiệp có trên địa bàn đã được phủ xanh bằng trồng mới và bảo vệ các diện tích dừng tái sinh.
Thanh Thủy có 15 đơn vị hành chính trực thuộc với tổng dân số tính đến tháng 10 năm 2005 là 75,4 nghìn người, có 2 dân tộc chung sống là dân tộc Kinh và Mường với người Mường chiếm tỷ lệ 5,7 % dân số. Tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên là 1 %, cao so với tỷ lệ tăng dân số của tỉnh Phú Thọ (0,84 %). Cơ cấu dân số phân theo giới tính là 50,82 % là nam và 49,12 là nữ, mật độ dân số là 617,2 người/km2. Tổng số nhân khẩu của Yến Mao là 4151 khẩu (trong đó lao động chiếm 54,5%), Phượng Mao là 2718 khẩu (lao động chiếm 53,7%). Trong 2 xã, thì Yến Mao và Phượng Mao là nơi tập trung nhiêu dân tộc Mường (chiếm hơn 70% tổng dân số).
Trình độ học vấn hiện nay của dân cư huyện Thanh Thủy thuộc vào loại cao so với tỉnh Phú Thọ và cả nước, số người chưa biết chữ chỉ chiếm 0,5% so với tổng số dân toàn huyện, trong khi đó tỷ lệ này trong cả nước là 3,5%.
Nhịp độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm trong thời gian này lên 9,35%; giá trị sản xuất nông lâm tăng bình quân là 8,13%; sản lượng lương thực có hạt năm 2005 đạt 27.872 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 13,7%; giá trị sản xuất ngành dịch vụ tăng bình quân 13,7%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 9,48 %. Cơ cấu kinh tế của huyện: nông – lâm nghiệp đạt 50,3%; công nghiệp xây dựng đạt 24,5%, dịch vụ đạt 25,2%.
Với sản xuất nông nghiệp là chính cộng với điều kiện địa hình khó khăn, xa trung tâm huyện nên đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Theo như đánh giá của UBND các xã nếu tính theo chuẩn nghèo mới (thu nhập dưới 200.000đ/người/tháng) thì tỷ lệ hộ nghèo tại Yến Mao là 47% và Phượng Mao là 39,5%.