Đánh giá hoạt động của qũy tín dụng tiết kiệm phụ nữ 1 Điểm mạnh, điểm yếu của quỹ tín dụng tiết kiệm phụ nữ

Một phần của tài liệu Phát triển Quỹ tín dụng tiết kiệm phụ nữ tại Việt Nam –Nghiên cứu trường hợp xã Yến Mao và Phượng Mao, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ (Trang 77 - 81)

2.3.1 Điểm mạnh, điểm yếu của quỹ tín dụng tiết kiệm phụ nữ 2.3.1.1 Điểm mạnh

Các QTD sau một thời gian hoạt động đã đạt được một số kết quả đáng kể trong việc cung cấp dịch vụ tín dụng cho người nghèo góp phần thay đổi đời sống của cộng đồng, quy mô thành viên và nguồn vốn có gia tăng, hoạt động đã có lãi. Một điểm mạnh của QTD đó là có khả năng cung cấp tín dụng cho cộng đồng vùng sâu vùng xa, nơi mà các tổ chức tài chính vi mô khó có thể tiếp cận được, và nếu có tiếp cận được thì chi phí quản lý sẽ rất cao.

Quy mô vốn vay, hình thức vay trả và lãi suất tín dụng phù hợp với các thành viên, đặc biệt là đối với các thành viên nghèo trong việc huy động nguồn tiết kiệm của họ. Với hình thức vay trả như trên tốc độ quay vòng vốn cao, hàng tháng đều có người vay và trả vốn.

Quản lý minh bạch và dân chủ. Các thông tin liên quan đến hoạt động của tổ chức như các dịch vụ cung cấp, tỷ lệ lãi suất, bình bầu thành viên vay

vốn... đều được thảo luận và công bố công khai. Việc minh bạch về tài chính là một trong những điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững QTD.

Thực hiện các dịch vụ hỗ trợ sau vay vốn đối với thành viên, đây là điểm mà QTD có thể cạnh tranh với các tổ chức cung cấp dịch vụ chính thức. Các dịch vụ được cung cấp gồm các kiến thức khoa học kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp, các dịch vụ nông nghiệp với giá rẻ...

2.3.1.2 Điểm yếu

Các kỹ năng lãnh đạo của BQL vẫn là vấn đề cần được xem xét. Các cán bộ BQL chủ yếu chỉ đóng vai trò thực hiện các hoạt động thường xuyên của quỹ như bình xét vay vốn, tiếp nhận thành viên... Năng lực của BQL chủ yếu được xây dựng trong quá trình hoạt động của qũy thông qua các khóa đào tạo ngắn hạn, chủ yếu các khóa đào tạo này cung cấp các kiến thức về nghiệp vụ ghi chép sổ sách kế toán, các nguyên tắc kế toán và chuyên môn không hoặc ít được đề cập. Họ chưa có được những tầm nhìn xa để đưa tổ chức của mình đạt được mục đích tốt hơn, họ chưa thực hiện được vai trò tiếp cận đến các tổ chức và nhà tài trợ khác. Ví dụ đối với QTD xã Yến Mao và Phượng Mao chỉ tiếp cận với nhà tài trợ duy nhất là RDSC.

Hiện nay các QTD chưa có một chương trình chuẩn để đào tạo lại cán bộ mới. Hầu hết các chương trình đào tạo này chỉ tập trung vào hoạt động và quy trình, thủ tục nội bộ của tổ chức chứ không phải là các kiến thức, hoặc thông lệ của ngành tài chính. Vì vậy nhu cầu đào tạo cho các cán bộ quản lý hiện nay vẫn là vấn đề lớn.

BQL quỹ tín dụng hiện nay đều có phụ cấp, tuy hiện nay họ có thể chấp nhận với nguồn phụ cấn này nhưng về lâu dài sẽ không bền vững với các lý do: các hoạt động quản lý hiện nay của BQL quỹ là hoạt động phong trào, họ đã tham gia hội phụ nữ nên đã có phụ cấp; và khi nguồn vốn không tăng thì

mức phụ cấp vẫn giữ nguyên sẽ không phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế. Như vậy sẽ khó thu hút được nhân tài tham gia vào quản lý QTD.

Hệ thống thông tin quản lý của QTD hiện nay đang là một vấn đề lớn cần xem xét đến, phần lớn kế toán các QTD quản lý tài chính bằng sổ sách kế toán đơn giản, có một số tổ chức đã có áp dụng máy tính vào quản lý nhưng chỉ sử dụng Excel, còn áp dụng phần mềm kế toán thì rất hạn chế. Ví dụ thực tế là kế toán QTD tại hai xã nghiên cứu chỉ sử dụng sổ sách và máy tính bấm tay để quản lý nguồn vốn hơn 200 triệu đồng và hơn 200 thành viên. Họ chưa biết cách thức sử dụng máy tính, không biết sử dụng phần mềm Excel chứ không nói đến là các phần mềm kế toán phức tạp khác. Đối với một số QTD lớn khác, sau một thời gian dài hoạt động đến nay mới chuẩn bị cho việc áp dụng phần mềm kế toán vào quản lý, tuy nhiên hoạt động này mới mang tính chất thử nghiệm.

Một trong những điểm yếu của QTD đó là mục tiêu của QTD đáp ứng nhu cầu của người nghèo, vì vậy nguồn vốn vay không lớn. Và những đơn đề nghị với khoản tiền lớn sử dụng cho sản xuất kinh doanh thì QTD vẫn chưa đáp ứng được. Vì vậy QTD sẽ rất khó đứng vững hay mở rộng thị trường kinh doanh tín dụng của mình ra phạm vi ngoài các thành viên của hội phụ nữ, cũng như mở rộng ra địa bàn các vùng lân cận. Vấn đề đối với các QTD hiện nay là nguồn vốn hoạt động còn quá thấp. Xét ví dụ đến QTD xã Yến Mao và Phượng Mao thì nguồn vốn chỉ dưới 300 triệu đồng, như vậy theo Nghị định 28 của Chính phủ thì QTD phải giải thể do nguồn vốn thấp hơn 300 triệu. Đây là một khó khăn mà QTD chưa tìm được phương án khắc phục.

BQL một số QTD vẫn chưa xác định được tỷ lệ số thành viên được vay vốn là bao nhiêu cho phù hợp, và nêu đạt đến tỷ lệ trên thì cần phải có những giải pháp như thế nào để hạ thấp tỷ lệ đó. Ví dụ theo báo cáo của BQL QTD xã Yến Mao trong tổng số 391 thành viên thì có 291 người đang vay vốn,

chiếm tỷ lệ 74%; đối với QTD xã Phượng Mao trong tổng số 314 thành viên thì có 243 thành viên đang vay vốn, chiếm tỷ lệ 77%. Như vậy nếu BQL không đưa ra được giải pháp để khắc phục tình trạng vay vốn như trên thì sẽ dẫn đến trường hợp tất cả các thành viên đều đang vay vốn, và như vậy theo quy chế sẽ không có người vay vốn tiếp theo và dẫn đến việc ứ đọng vốn. Điều này sẽ trái với quan điểm bền vững của tổ chức TCVM là thành viên phải thường xuyên chuyển dịch vai trò từ người gửi tiết kiệm thuần túy sang người vay vốn và ngược lại.

Hiện nay các QTD không được phép huy động vốn hay vay vốn kinh doanh từ các ngân hàng khác, nguồn vốn hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn TKĐM và vốn tài trợ, nguồn vốn TKTN còn quá ít, vì vậy nguồn vốn hoạt động không tăng trưởng nhiều vì phụ thuộc vào số lượng và định mức TKĐM của các thành viên tham gia. Khả năng không bền vững về mặt tài chính thể hiện ở số tiền tồn quỹ trong các tháng, để đảm bảo kinh doanh có lãi, các QTD thường cho vay vốn hết, và vì thế khi một thành viên gửi TKTN muốn rút thì phải chờ tháng tiếp theo, và nếu nguồn vốn lớn có thể phải rút tiền chia thành nhiều đợt. Và điều này đã hạn chế khả năng huy động vốn từ các thành viên phục vụ cho hoạt động của tổ chức.

Các QTD xác định lãi suất dựa trên lãi suất của các tổ chức cung cấp dịch vụ tín dụng lớn như NHNo chứ không phải là dựa vào công thức cụ thể được chuẩn hóa tính toán đến chi phí tài chính, tỷ lệ lạm phát, chi phí hoạt động và nhu cầu tăng trưởng vốn trong tương lai. Tuy nhiên vấn đề là các tổ chức tài chính chính thức có được sự hỗ trợ từ Chính phủ, và vì vậy các QTD đều sẽ không trở thành các tổ chức tài chính bền vững nếu họ cho vay với lãi suất thấp hoặc khi nguồn vốn tài trợ bị thu hồi. Vì vậy các QTD cần phải chuyển hướng cạnh tranh, thay vì cạnh tranh về giá cần phải cạnh tranh thêm về các loại dịch vụ bổ sung.

Phần lớn các QTD chưa có một kế hoạch kinh doanh rõ ràng về hoạt động cũng như định hướng trong thời gian tiếp theo. Dịch vụ chủ yếu hiện tại của qũy là cung cấp dịch vụ vay vốn ngắn hạn và trung hạn, tuy nhiên dịch vụ trung hạn còn chưa được thực hiện rộng rãi. Chưa có thêm nhiều những dịch vụ hỗ trợ khác sau vay vốn ngoài việc tư vấn kỹ thuật. Về định hướng cũng như chiến lược hoạt động của qũy trong thời gian tiếp theo chưa được thảo luận và xây dựng.

Một phần của tài liệu Phát triển Quỹ tín dụng tiết kiệm phụ nữ tại Việt Nam –Nghiên cứu trường hợp xã Yến Mao và Phượng Mao, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ (Trang 77 - 81)