2.2.1. Đánh giá về các chương trình xoá đói giảm nghèo ở Việt Nam
Xóa đói giảm nghèo là một chủ trương lớn, một quyết sách lớn và nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Chủ trương này được hình thành ngay từ những ngày đầu khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và ngày càng được hoàn thiện hơn trong quá trình phát triển. Nó không những đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân Việt Nam mà còn phù hợp với xu hướng chung của thời đại, phù hợp với các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ mà Liên Hợp Quốc đề ra.
Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo giai đoạn 2001-2005 đã về đích trước thời hạn một năm. Vào cuối năm 2004, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam chỉ còn ở mức trên 8%, trong khi kế hoạch Đại hội Đảng IX đề ra là năm 2005 hạ tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%. Tình trạng tái đói kinh niên cơ bản đã không còn diễn ra. Người nghèo ngày càng được tiếp cận với các dịch vụ sản xuất và đời sống dân sinh, được vay vốn tín dụng, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt, xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế và giáo dục và nước sinh hoạt. Bên cạnh đó, người nghèo cũng được thụ hưởng các chương trình văn hóa, phát thanh, truyền hình. Tổng nguồn lực huy động cho xóa đói giảm nghèo bao gồm cả chương trình 143 (Chương trình xóa đói giảm nghèo và việc làm), chương trình 135 (Chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn) và các dự án quốc tế trong 5 năm (2001-2005) khoảng 40.950 tỷ đồng. Riêng nguồn lực đầu tư cho chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo khoảng 21.000 tỷ đồng.
Từ năm 1993 đến nay, Việt Nam đã 4 lần nâng mức chuẩn nghèo. Chuẩn nghèo mới lần này được xây dựng trên 3 yêu cầu: xóa đói giảm nghèo toàn diện hơn, công bằng hơn và hội nhập theo chuẩn nghèo quốc tế. Mục tiêu giảm nghèo trong giai đoạn 2006-2010 của Việt Nam là giảm tỷ lệ hộ nghèo
từ khoảng 23% năm 2005 xuống còn 15% năm 2010 (theo chuẩn nghèo mới, ước tính đến cuối năm 2005, cả nước sẽ có hơn 4 triệu hộ nghèo); cải thiện đời sống của nhóm hộ nghèo, hạn chế tốc độ gia tăng khoảng cách chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, giữa nhóm hộ giàu và nhóm hộ nghèo.
Khi thực hiện chương trình này, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức và khó khăn lớn, đó là xuất phát điểm của Việt Nam thuộc diện nước nghèo, thu nhập và mức chi dùng bình quân đầu người thấp. Khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng và các nhóm dân cư có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ người nghèo là người dân tộc thiểu số còn cao, nguy cơ tái nghèo có thể gia tăng do thiên tai, dịch bệnh, biến động giá cả, tác động của hội nhập. Cơ hội tìm việc làm của người nghèo cũng sẽ ít hơn. Bên cạnh đó, ngân sách hàng năm trong những năm qua dành cho xóa đói giảm nghèo còn hạn chế (gần 2% ngân sách Nhà nước). Mức độ tác động tăng trưởng kinh tế đến giảm nghèo trong thời gian qua có xu hướng giảm xuống.
Các tổ chức quốc tế và các nước đã giúp đỡ Việt Nam rất nhiều và có hiệu quả trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo không chỉ về tài chính mà trong cả kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng mô hình nhóm hộ, xã nghèo, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác xóa đói giảm nghèo, điều tra, giám sát, đánh giá chương trình. Điển hình là Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã và đang giúp Chính phủ Việt Nam xây dựng thực hiện các chiến lược, chương trình xoá đói giảm nghèo, trên tinh thần coi trọng sự tham gia của người dân. UNDP cũng đã hỗ trợ 7 dự án xoá đói giảm nghèo ở các tỉnh miền núi phía bắc.
Nguyên nhân của những thành tựu này trước hết, đó là do việc thường xuyên nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng cũng như
phương pháp tiếp cận giải quyết vấn đề nghèo đói cho các cấp, các ngành và mọi người dân đặc biệt là người nghèo và xã nghèo. Xóa đói giảm nghèo vươn lên khá giả và làm giàu không phải chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà trước hết thuộc về từng cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng và trách nhiệm của toàn xã hội, đây là vấn đề mấu chốt để thực hiện thành công chương trình.
Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa hoạt động xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là xã hội hóa về nguồn lực, nhân lực và vật lực ngày càng được đẩy mạnh. Chính sự hợp lực này đã tạo ra phong trào xóa đói giảm nghèo sôi động nhiều năm trong cả nước góp phần vào thành công của chương trình. Cùng với sự chia sẻ trách nhiệm xã hội của mọi người dân trong việc trợ giúp người nghèo, còn có sự đồng thuận của các tổ chức quốc tế, các quốc gia trong việc tiếp cận và giải quyết vấn đề nghèo đói ở Việt Nam.
Cơ chế phân bổ ngân sách công bằng, minh bạch và có tính khuyến khích cao đã tạo điều kiện cho các địa phương chủ động trong việc huy động nguồn lực tại chỗ cũng như lồng ghép với các nguồn khác, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình. Trong quá trình thực hiện chương trình, sự tham gia giám sát của mặt trận, các đoàn thể ở cơ sở, người dân, đặc biệt là người nghèo, phụ nữ và người dân tộc thiểu số cũng là một trong những yếu tố tạo nên thành công của chương trình.