Trong bối cảnh hiện nay các doanh nghiệp ô tô Việt Nam đang đứng trước rất nhiều cơ hội cũng như thách thức to lớn. Để có thể đứng vững trên thị trường, một trong những việc quan trọng hàng đầu mà doanh nghiệp ô tô Việt Nam cần làm là xây dựng cho mình được một chiến lược Marketing đúng đắn và hiệu quả.
Trước tiên, doanh nghiệp cần chú trọng và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứ u thị trường. Công tác dự báo nhu cầu thị trường ở các công ty tại Việt Nam hiện nay vẫn chưa được coi trọng như là một hoạt động cần đầu tư tương đương với hoạt động bán hàng, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô Việt Nam hiện nay đều chưa xây dựng được một phòng nghiên cứu thị trường mà chủ yếu ghép công việc này vào phòng kinh donah. Việc hiểu thông tin thị trường cần phải tiến hành một cách có khoa học và bám sát tình hình cụ thể thị trường tại những từng thời điểm, thống kê một cách cụ thể số lượng xe thị trường có thể tiêu thụ trong thời gian tới, các kiểu dáng nào đang được ưa chuộng, các kiểu dáng nào cần thay đổi, những màu xe nào được ưa thích hay giá cả thế nào là hợp lý…, từ đó kên kế hoạch sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường một cách kịp thời và hiệu quả nhất. Bên cạnh đó các hoạt động điều tra thị trường như phỏng vấn khách hàng, lấy ý kiến khách hàng thông qua hội nghị, diễn đàn, phản hồi… rất cần được các doanh nghiệp khai thác để có thể xây dựng được cái nhìn tổng thể về thị trường trong ngắn hạn cũng như dài hạn. Hoạt động nghiên cứu thị trường có thể được thực hiện thông qua các cuộc điều tra, phỏng vấn trực tiếp khách hàng đến mua xe, điều tra qua phiếu, tự tiến hành quan sát tại các
phòng trưng bày, hoặc trưng bày sản phẩm tại triển lãm, hội chợ để tham khảo ý kiến khách hàng hoặc thực hiện thông qua các phương tiện thông tin đại chúng…
Thứ hai, cần phải tăng cường thu hút khách hàng bằng các hoạt động quan hệ công chúng. Kinh nghiệm của một số hãng xe nổi tiếng trên thế giới cho thấy, việc xúc tiến hoạt động này có hiệu quả hơn so với các loại hình quảng cáo. Các sự kiện của quan hệ công chúng gây ảnh hưởng tốt tới khách hàng là cơ sở để xây dựng niềm tin lâu dài đối với người tiêu dùng. Doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng hình ảnh của mình thông qua các hội nghị khách hàng, tài trợ cho các hoạt động văn hóa xã hội như hòa nhạc, các hoạt động thể dục thể thao, các hoạt động bảo vệ môi trường, tài trợ cho các chương trình phổ biến kiến thức an toàn giao thông, lập các quỹ học bổng cho học sinh, sinh viên…Tại Việt Nam Toyota và Honda là hai hãng xe chú trọng và thành công trong việc xây dựng mối quan hệ cộng đồng với xã hội.
Thứ ba, doanh nghiệp cần xác định một chính sách, đường lối cụ thể, nhất quán. Xây dựng một chính sách giá cả, chính sách sản phẩm, chính sách phân phối và chính sách hậu mãi tốt chính là yếu tố quyết định sự tồn tại của doanh nghiệp. Cần phải công bố các mô tả về sản phẩm một cách rõ ràng về chức năng, kiểu dáng, màu sắc, kích cỡ…đồng thời công bố giá cả hợp lý phù hợp với giá trị của xe, đưa ra các chính sách về điều kiện giao hàng đặc biệt là thời gian giao hàng, khi mà các liên doanh lắp ráp xe tại Việt Nam hiện nay có thời gian giao hàng rất chậm và thường khách hàng phải mất thêm một khoản phí khác mới được giao hàng đúng hẹn, giới thiệu đầy đủ cho khách hàng về các chính sách hậu mãi và nghiêm túc thực hiện các chính sách đó.