Điều chỉnh cán cân thương mại trên cơ sở tự do hóa thương mạ

Một phần của tài liệu KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP: Thực trạng thâm hụt cán cân thương mại của Việt Nam và giải pháp khắc phục (Trang 56 - 57)

Mở cửa hội nhập kinh tế thế giới đã mang lại nhiều lợi ích cho xuất khẩu của Việt Nam. Nhìn chung kim ngạch xuất khẩu của nước ta tăng khá nhanh qua các năm, đặt biệt là sau khi gia nhập WTO (11/1/2007). Tuy nhiên, quá trình hội nhập đòi hỏi Việt Nam phải thực hiện các cam kết quốc tế nới lỏng hàng rào thương mại, khiến tình trạng nhập siêu diễn ra liên tục qua nhiều năm liền. Tự do hóa thương mại đã trở thành xu hướng tất yếu trên thế giới, do vậy, việc cải thiện cán cân thương mại cũng cần phải dựa trên xu hướng này.

• Thúc đẩy xuất khẩu :

Chính phủ tăng cường hợp tác, thương mại song phương, đa phương với các quốc gia, tham gia tích cực vào các diễn đàn kinh tế nhằm tìm kiếm, mở rộng thị trường. Tích cực đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng (như các nước ASEAN, Hoa Kỳ, EU… ) đồng thời tìm kiếm những thị trường mới (như Tây Á, Nam Á, Châu Phi, Châu Đại Dương).

Xóa bỏ cơ chế bảo hộ doanh nghiệp nhà nước, tạo môi trường công bằng, cơ chế thông thoáng cho hoạt động xuất nhập khẩu. Khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân, các công ty vừa và nhỏ tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế.

Nhằm thực hiện các cam kết song phương, đa phương, các cam kết khi gia nhập WTO, hàng rào thuế quan sẽ tiếp tục bị cắt giảm, các mặt hàng gia công, hàng nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu, hàng đưa vào khu chế xuất … sẽ không phải chịu thuế hoặc sẽ được hoàn thuế sau khi xuất khẩu.

• Hạn chế nhập khẩu :

Việt Nam đang giảm dần hàng rào thuế quan theo cam kết khi gia nhập WTO, tuy nhiên, trong thời gian tới sẽ sử dụng các biện pháp phi thuế quan nhằm

hạn chế nhập khẩu, tăng cường bảo vệ các ngành sản xuất trong nước như chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, sử dụng hàng rào kĩ thuật… Đồng thời định hướng giảm thiểu nhập khẩu hàng cao cấp, tăng cường nhập khẩu máy móc thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trong nước trong cơ cấu hàng nhập khẩu. Điều này không những giúp nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa sản xuất trong nước mà còn có tác dụng thúc đẩy xuất khẩu trong dài hạn.

Tự do hóa thương mại có thể làm cán cân thương mại tiếp tục gia tăng thâm hụt trong thời gian tới. Tuy nhiên, nếu biết tận dụng thời cơ do nó mang lại, kết hợp với những chính sách đầu tư hợp lý và sự điều tiết vĩ mô hiệu quả thì việc cải thiện cán cân thương mại trong dài hạn là điều hoàn toàn có thể.

Một phần của tài liệu KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP: Thực trạng thâm hụt cán cân thương mại của Việt Nam và giải pháp khắc phục (Trang 56 - 57)