HÌNH PHẠT CẢI TẠO KHÔNG GIAM GIỮ THEO PHÁP LUẬT HÌNH SỰ MỘT SỐ NƯỚC

Một phần của tài liệu Hình phạt cải tạo không giam giữ trong luật hình sự Việt Nam (Trang 33 - 40)

HÌNH SỰ MỘT SỐ NƯỚC

Tìm hiểu luật hình sự một số nước thuộc các hệ thống pháp luật Common law và Civil law, chúng tôi nhận thấy hình phạt cải tạo không giam giữ được quy định và áp dụng khá phổ biến. Trong khuôn khổ luận văn, chúng tôi chủ yếu xem xét và so sánh các vấn đề liên quan đến hình phạt cải tạo không giam giữ ở một số bộ luật của các nước Hoa Kỳ, Nga, Pháp, Trung Quốc.

- Nhìn chung, hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng đối với người phạm tội chưa thật nguy hiểm, đối với người phạm tội vô ý, không phải tái phạm, có thể cải tạo, giáo dục không phải tước tự do. Thời hạn cải tạo không giam giữ thường ngắn. Người bị kết án phải lao động, bị khấu trừ thu nhập, có thể bị hạn chế một số quyền nhất định phát sinh từ hợp đồng lao động.

+ Khoản 3561 - Tổng tập pháp luật Hoa Kỳ có quy định một hình phạt là Probation - Thử thách (có một số tài liệu dịch là án treo). Hình phạt thử thách trong hệ thống hình phạt ở Hoa Kỳ cũng có mục đích tiến hành trừng trị và cải tạo người bị kết án mà không cách ly họ khỏi xã hội. Có thể nói, những điều kiện áp dụng bắt buộc và bổ sung của hình phạt thử thách ghi nhận trong tổng tập pháp luật Hoa kỳ hết sức chi tiết và đặc thù, tạo điều kiện thuận lợi để tòa án và các công dân Hoa kỳ áp dụng đúng người, đúng pháp luật. Đây cũng là hướng học tập để hoàn thiện hơn nữa của pháp luật Việt Nam trong việc đề ra các nghĩa vụ cho người bị kết án cải tạo không giam giữ.

Theo đó, các trường hợp áp dụng hình phạt này bao gồm: Tội phạm không thuộc loại rất nghiêm trọng

Người phạm tội lúc đó chưa bị kết án về một tội tương tự hoặc một tội khác

Thời hạn của hình phạt này là

Đối với tội nghiêm trọng: thời hạn thử thách không dưới 1 năm và không quá 5 năm

Đối với trường hợp phạm tội vừa: thời hạn không quá 5 năm Đối với các vi phạm hình sự nhỏ: thời hạn không quá 1 năm

Các điều kiện của hình phạt bao gồm điều kiện bắt buộc và điều kiện bổ sung

Trong thời hạn thụ án, người bị kết án không phạm bất kỳ một tội thuộc bất kỳ loại nào;

Trong thời gian thụ án, những người phạm tội nghiêm trọng phải chấp hành các điều kiện như; nộp một khoản tiền phạt theo bản án của Tòa án, nếu tội phạm có tính chất xâm phạm tinh thần, đạo đức thì người phạm tội phải xin lỗi người bị hại, nếu là loại tội vật chất thì người phạm tội phải bồi thường thiệt hại đã gây ra.

20 điều kiện bổ sung mà Tòa án có thể lựa chọn trên cơ sở luật định để quyết định đưa vào một hoặc một số điều kiện đó trong bản án gồm:

Hoàn thành tốt việc bảo đảm điều kiện sống vật chất cho gia đình mình nếu những người trong gia đình đang sống dựa vào thu nhập của chính người bị kết án này;

Đã nộp xong tiền phạt nếu có khoản tiền phạt được bản án của Tòa án xác định;

Đã lao động để bồi thường thiệt hại cho người bị hại hoặc đã xin lỗi người bị hại. Đã có thăm hỏi người bị hại sau khi phạm tội;

Đã làm việc theo một công việc phù hợp hoặc đã theo học nghề phù hợp cho phép có thể tìm được công việc thích hợp;

Thôi không làm những nghề, những việc hoặc những hoạt động mà trong những chừng mực nhất định đã có liên quan đến tội đã phạm;

Đã thôi không thường xuyên đến những nơi và gặp những người có liên quan đến hành vi phạm tội mà người này đã phạm;

Đã thôi không lạm dụng rượu, heroin;

Đã thôi không sử dụng vũ khí hoặc các loại chất liệu nổ hoặc có tính chất hủy hoại;

Đã qua một kỳ chữa bệnh về thể chất hoặc tâm thần nếu đã ở trong trạng thái khiếm khuyết vì thể chất hoặc tâm thần;

Đã có mặt đúng lúc tại văn phòng trại giam khi có giấy gọi theo lịch đã được bản án xác định;

Đã đến ở và sinh hoạt, làm việc tại các cơ sở cải tạo công cộng trong thời gian nhất định;

Đã tham gia vào một loại hoạt động công ích;

Đã đến ở những nơi tòa án quy định phải cư trú bắt buộc một thời gian; Đã luôn có mặt (không ra khỏi) địa phương thuộc thẩm quyền tư pháp và giám sát của Tòa án hoặc cơ quan cảnh sát mà Tòa án đã quy định;

Đã có báo cáo định kỳ trước các nhân viên giám sát;

Đã cho phép nhân viên giám sát đến thăm nơi ở và sinh hoạt của mình như Tòa án đã quy định;

Đã trả lời được các câu hỏi của nhân viên giám sát trong thời gian thử thách;

Thường xuyên thông báo cho nhân viên giám sát rằng, trong thời gian bị thử thách đã bị bắt, bị phạt những gì, ở đâu, vì sao;

Đã hoàn thành bất kỳ những điều kiện nào khác do Tòa án quy định. + Điều 49, Điều 50 và Điều 53 của Bộ luật Hình sự Liên Bang Nga có quy định ba loại hình phạt mà nội dung của chúng có những nét nhất định gần với hình phạt cải tạo không giam giữ trong hệ thống hình phạt Việt Nam. Đó là hình phạt: Làm việc bắt buộc; Lao động cải tạo và Hạn chế tự do. Cụ thể:

Nội dung của hình phạt "Làm việc bắt buộc" thể hiện ở việc người bị kết án phải làm một công việc thêm ngoài giờ do cơ quan chính quyền địa phương xác định so với công việc chính của mình và không được trả công. Xét theo nội dung, hình phạt này giống với cải tạo không giam giữ của Việt Nam ở chỗ buộc người bị kết án phải thực hiện một số nghĩa vụ nhưng không tước tự do của họ, không cách ly họ ra khỏi xã hội. Tuy nhiên, nếu như cải tạo

không giam giữ theo Bộ luật Hình sự Việt Nam không có nội dung công việc cụ thể và không có đòi hỏi cụ thể thì nghĩa vụ của người bị kết án theo luật hình sự Liên bang Nga là cụ thể bao gồm một công việc không được trả tiền và làm ngoài giờ lao động chính của người bị kết án. Theo đó, việc làm ngoài giờ này có thời hạn từ 60 giờ đến 240 giờ và không được quá 4 giờ trong một ngày. Việc làm ngoài giờ với tính cách là hình phạt không được áp dụng đối với người tàn tật, phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 8 tuổi và cũng không được áp dụng đối với đàn ông trên 60 tuổi, phụ nữ trên 55 tuổi, đối với những người đang thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Quy định trong luật hình sự Liên Bang Nga, gần với hình phạt cải tạo không giam giữ của Việt Nam hơn cả là hình phạt lao động cải tạo. Người bị kết án không bị tách khỏi xã hội, được thụ án tại nơi làm việc. Trong quá trình lao động ở thời hạn bị kết án, họ bị khấu trừ một phần nhất định tiền công (từ 5% đến 20% thu nhập) để sung vào quốc khố hoặc sung quỹ Nhà nước. Thời hạn lao động cải tạo là từ hai tháng đến hai năm.

Một hình phạt được quy định tương tự như cải tạo không giam giữ của Việt Nam là hình phạt hạn chế tự do ở Liên bang Nga. Theo đó, tính chất cách ly tội phạm chỉ dừng lại ở việc nhà nước lập ra một tổ chức riêng biệt nằm trong xã hội để người bị kết án được đưa đến sinh sống và bị giám sát nghiêm ngặt. Đây là hình phạt chỉ được áp dụng với những đối tượng sau:

Những người bị kết án về các tội cố ý, chưa có tiền án và thời hạn hạn chế tự do đối với họ là từ 1 năm đến 3 năm;

Những người bị kết án về các tội vô ý và thời hạn là từ 1 năm đến 5 năm. Hình phạt hạn chế tự do không áp dụng đối với những người tàn tật, đối với đàn ông trên 60 tuổi, đối với phụ nữ trên 55 tuổi, đối với phụ nữ đang có thai hoặc đang có con dưới 8 tuổi.

Điểm khác biệt rõ nét ở đây chính là việc luật hình sự Liên Bang Nga quy định phải có một cơ sở có xác định để bắt người phạm tội phải có mặt ở

đó. Cơ sở này có thể là cơ sở được thành lập chỉ nhằm mục đích giữ những người bị giám sát này, nhưng đó không phải là trại giam và do đó hình phạt này không phải là tù có thời hạn vì tù có thời hạn là cách ly người bị kết án khỏi xã hội.

+ Trong Bộ luật Hình sự Trung Hoa, chúng tôi thấy một hình phạt mang bóng dáng của hình phạt cải tạo không giam giữ - đó là Giam hình sự (Điều 42, 43, 44 Bộ luật Hình sự Trung Hoa). Theo đó, Giam hình sự là hình phạt tước tự do nhẹ nhất trong các hình phạt tước tự do, buộc người bị kết án cách ly ra khỏi xã hội và cải tạo tại nơi tạm giam hoặc nơi giam khác của địa phương. Như vậy, điểm khác biệt nhất của Giam hình sự và cải tạo không giam giữ là: người bị phạt giam hình sự vẫn bị tước một phần tự do (tuy nhiên thời gian tước tự do khá ngắn, chỉ từ 1 đến 6 tháng). Sự tước tự do này là không hoàn toàn. Người bị kết án vẫn được thăm gia đình hàng tháng, không bị cưỡng bức lao động mà nếu lao động tại nơi giam hình sự còn được trả công. Về bản chất pháp lý, giống cải tạo không giam giữ, giam hình sự cũng chỉ là sự hạn chế tự do tạm thời.

+ Luật hình sự Pháp quy định một số hình phạt gần với hình phạt tiền, nhưng xét về nội dung cũng mang ít nhiều các đặc điểm của hình phạt cải tạo không giam giữ. Cụ thể: hình phạt lao động công ích. Đây là hình phạt bắt buộc lao động không hưởng lương. Hình phạt này áp dụng cho hình phạt tước tự do khi người bị kết án đồng ý (thời gian lao động công ích có thể từ 40 đến 240 giờ và được thực hiện trong thời hạn không quá 18 tháng). Đây chính là một dạng hình phạt không tước tự do và không cách ly người phạm tội khỏi xã hội.

Trên cơ sở những so sánh cụ thể về hình phạt cải tạo không giam giữ của Việt Nam và các hình phạt tương tự tại luật hình sự một số quốc gia, đồng thời xuất phát từ những nghiên cứu và xem xét cẩn trọng về vai trò, vị trí, bản chất của hình phạt cải tạo không giam giữ trong hệ thống hình phạt của luật

hình sự Việt Nam, chúng ta nhận thấy xu hướng phát triển của chính sách hình sự nước ta và các nước hiện nay chủ yếu hướng tới xây dựng hệ thống hình phạt mà tính chất cơ bản là giáo dục, cải tạo người phạm tội để đạt tới công bằng xã hội, làm tốt công tác phòng ngừa và chống tội phạm. Vì vậy, mục tiêu cải tạo giáo dục người phạm tội, không cần cách ly họ khỏi đời sống xã hội trở thành một mục tiêu cấp bách, cần củng cố và phát triển. Muốn làm tốt được mục tiêu này, việc hoàn thiện xây dựng các quy định pháp luật về hình phạt cải tạo không giam giữ chính là một yêu cầu quan trọng để tạo hành điều kiện cho công tác thi hành, áp dụng pháp luật được dễ dàng, thuận lợi, phát huy hiệu quả pháp luật.

Chương 2

Một phần của tài liệu Hình phạt cải tạo không giam giữ trong luật hình sự Việt Nam (Trang 33 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(86 trang)