Nằm trong hệ thống hình phạt, cải tạo không giam giữ cũng mang những đặc điểm tương đồng với một số hình phạt khác. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tương đồng đó, các nét đặc trưng riêng đã tạo điều kiện để hình phạt cải tạo không giam giữ khẳng định được vai trò của mình và được tiếp tục duy trì, phát huy.
- So với bản chất pháp lý của hình phạt tù, cải tạo không giam giữ mang một đặc điểm nổi bật đó là tính hạn chế tự do của người bị kết án. Nếu như hình phạt tù tước bỏ tự do của người bị kết án thì cải tạo không giam giữ chỉ hạn chế tự do của họ. Người bị kết án có thể tự lao động cải tạo và sửa chữa lỗi lầm trong môi trường sinh hoạt và làm việc của mình mà không cần cách ly khỏi xã hội.
Nhìn một cách tổng quát, hình phạt tù mang tính cưỡng chế và trừng trị cao hơn so với cải tạo không giam giữ. Khi bị áp dụng hình phạt tù, người bị kết án bị đưa vào trại giam, trại cải tạo, bị cách ly khỏi xã hội, bị mất một số quyền nhất định đối với con người. Tính cưỡng chế và trừng trị này cho phép ngăn chặn một số các tội phạm mới do cá nhân những người bị kết án đó có thể tiếp tục gây ra hoặc răn đe một cách triệt để những nguời có tư tưởng phạm tội tương tự. Tất nhiên, hình phạt tù cũng mang tính giáo dục và cải tạo. Tuy nhiên, hiệu quả giáo dục và cải tạo hoàn toàn được thực hiện thông qua sự trừng phạt. Trong khi đó, tính trừng trị của hình phạt cải tạo không giam giữ hoàn toàn được tạo lập thông qua khả năng tự cải tạo, tự giáo dục của người phạm tội. Tính chất trừng trị được giảm nhẹ nhưng hiệu quả và mục đích của hình phạt vẫn đạt được
Có thể nói, việc quy định hình phạt cải tạo không giam giữ đã đem đến cho các cơ quan áp dụng pháp luật khả năng lựa chọn và áp dụng hình phạt chính xác, hợp lý. Có những tội phạm mà hành vi đáng bị phạt tù, nhưng vì tính chất nguy hiểm cho xã hội chưa đáng kể, nhân thân người phạm tội tốt, khả năng tự cải tạo cao, Tòa án hoàn toàn có quyền áp dụng cải tạo không giam giữ để đảm bảo chính sách nhân đạo hình sự và hiệu quả của hình phạt.
- Cũng là các hình phạt không phải phạt tù, cải tạo không giam giữ có những nét đặc trưng như các hình phạt quản chế, cảnh cáo: người bị kết án được cải tạo, giáo dục không cần cách ly xã hội, được sống và làm việc trong
môi trường xã hội bình thường. Thẩm quyền thi hành án cũng thuộc về các cơ quan nhà nước hoặc tổ chức xã hội nơi người đó làm việc và cư trú.
Quản chế là hình phạt bổ sung, chỉ được áp dụng kèm theo một hình phạt chính. Vì vậy, về bản chất pháp lý, nó khác hẳn với cải tạo không giam giữ. Nó được duy trì và phát triển nhằm làm đa dạng hóa các biện pháp xử lý hình sự, tạo hiệu quả cao trong công tác phòng ngừa tội phạm và đem lại công bằng xã hội mà cụ thể là chủ yếu phát huy mục đích phòng ngừa riêng. Hình phạt này áp dụng đối với những người phạm tội nguy hiểm như các tội xâm phạm an ninh quốc gia, những người tái phạm nguy hiểm … sau khi mãn hạn tù.
- Cảnh cáo là hình phạt chính nhẹ nhất trong hệ thống hình phạt, được áp dụng với những người phạm tội ít nghiêm trọng có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng chưa đến mức miễn hình phạt. Tính trừng trị của hình phạt này hầu như không thể hiện. Tuy nhiên tính giáo dục và cải tạo thể hiện rất rõ nét thông qua việc sau bản án do Tòa án buộc tội, người bị kết án có án tích trong thời hạn một năm kể từ ngày bản án có hiệu lực theo quy định hiện hành.