Về khía cạnh pháp lý, việc tăng cường áp dụng cải tạo không giam giữ đối với người bị kết án đem đến nhiều ý nghĩa quan trọng:
Mục đích sâu xa của hình phạt là đem lại sự công bằng và bình đẳng. Tăng cường quy định pháp luật và nhanh chóng áp dụng các quy định đó vào thực tế, hình phạt cải tạo không giam giữ là một trong những yếu tố mang lại sự đa dạng hóa các biện pháp xử lý hình sự trong hoạt động phòng và chống tội phạm. Việc lựa chọn các hình phạt khác nhau nói chung, lựa chọn các biện pháp xử lý hình sự nói riêng đã đảm bảo cho sự bình đẳng pháp luật được thực hiện một cách hiệu quả.
Hình phạt chỉ có thể áp dụng cho cá nhân trên cơ sở hành vi phạm tội cụ thể. Với một hệ thống hình phạt đa dạng, Tòa án có nhiều sự lựa chọn để
đưa ra một quyết định hình phạt hợp lý và xác đáng. Khoa học luật hình sự đã cho thấy khả năng góp phần thực hiện nguyên tắc xử lý có phân biệt và nguyên tắc cá thể hóa hình phạt của hình phạt cải tạo không giam giữ.
Bên cạnh đó, với chính sách khoan hồng của nhà nước, việc áp dụng cải tạo không giam giữ đối với người phạm tội đã phát huy được mục đích cải tạo giáo dục và phòng ngừa tội phạm trong khi vẫn tiết kiệm được chi phí xã hội cho việc phòng và chống tội phạm. Thông qua hình phạt này, nguyên tắc nhân đạo là một trong những nguyên tắc chủ đạo của pháp luật nói chung, pháp luật hình sự Việt Nam nói riêng một lần nữa được tôn trọng và tuân thủ. Đồng thời, việc áp dụng hình phạt này đã hạn chế các mặt tiêu cực và phát huy những mặt tích cực trong việc duy trì trừng trị và cải tạo đối với tội phạm. Trong khi đó, người phạm tội ngoài việc được đảm bảo về các lợi ích vật chất (tiếp tục được hưởng các chế độ) còn được đảm bảo về khả năng hòa nhập xã hội nhanh chóng.
Một trong những ý nghĩa mang tính xuyên suốt trong quá trình áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đó là khả năng tăng cường hiệu quả của hệ thống hình phạt. Cùng với các hình phạt khác, hình phạt này chính là một trong những phương tiện hết sức quan trọng để các cơ quan áp dụng pháp luật hoàn thiện lại khả năng trừng trị, cải tạo giáo dục, phòng và chống tội phạm đem đến công bằng xã hội.