2.2.1. Các quy phạm pháp luật về hiệu lực của đạo luật hình sự trong Bộ luật hình sự năm 1985 trong Bộ luật hình sự năm 1985
Trước đây, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, Nhà nước ta chưa có điều kiện để xây dựng một Bộ luật hình sự, một văn bản pháp luật hình sự duy nhất do Quốc hội ban hành, trong đó qui định tổng hợp, thống nhất những vấn đề về tội phạm, về hình phạt, về áp dụng hình phạt và những vấn đề khác. Tất cả các văn bản pháp luật hình sự trước đây đều là những văn bản đơn hành, mỗi văn bản chỉ qui định một vấn đề riêng biệt. Do thực trạng như vậy, nên văn bản pháp luật hình sự thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất, có nhiều lỗ hổng và bắt buộc phải cho phép áp dụng nguyên tắc tương
tự, dẫn đến lấy chính sách, chỉ thị của Đảng, lấy kinh nghiệm xét xử của Tòa án (án lệ) để thay thế cho những lỗ hổng của pháp luật.
Chính vì vậy, việc ban hàn Bộ luật hình sự năm 1985 trong giai đoạn cả nước xây dựng Chủ nghĩa xã hội là một yêu cầu rất cần thiết, có ý nghĩa góp phần thực hiện cùng một lúc hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; nhất là của chặng đường đầu của thời kỳ quá độ, của việc tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng, xây dựng chế độ mới, nền kinh tế mới, nền văn hóa mới, con người xã hội chủ nghĩa, đáp ứng việc thực hiện nghiêm chỉnh Hiến pháp mới (Hiến pháp năm 1980), tăng cường pháp chế, giữ gìn an toàn chính trị và tật tự an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện một bước hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật hình sự nói riêng.
Bộ luật hình sự quy định thống nhất, có hệ thống, trong cùng một văn bản mọi vấn đề về tội phạm, hình phạt và các chế định khác. Xuất phát từ các qui luật phát triển khách quan của xã hội ta, phản ánh tâm lý, nguyện vọng và truyền thống tốt đẹp của dân tộc, kế thừa những kinh nghiệm phong phú về phòng ngừa và chống tội phạm của mấy chục năm qua, tiếp thu có chọn lọc kinh nhiệm của các nước xã hội chủ nghĩa khác, Bộ luật hình sự nước ta có tính chiến đấu cách mạng cao, tính sáng tạo và khoa học.
Nhà nước ta ban hành Bộ luật hình sự là một sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng, góp phần tích cực vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật nước ta và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Bộ luật hình sự là một trong những công cụ của Nhà nước để bảo vệ sự nghiệp cách mạng, sự lãnh đạo của Đảng, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và bảo đảm hiệu lực quản lý của Nhà nước. Trong hệ thống pháp luật của Nhà nước, Bộ luật hình sự giữ một vị trí quan trọng. Bộ luật hình sự năm 1999 được soạn thảo, xây dựng dưới sự lãnh
đạo của Bộ Chính trị Trung ương Đảng và sự chỉ đạo trực tiếp của Hội đồng Bộ trưởng. Bộ luật hình sự năm 1985 đã được kỳ họp thứ IX Quốc hội khóa VII thông qua ngày 27 tháng 6 năm 1985, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 1986.
Với việc ban hành Bộ luật hình sự năm 1985 thì lần đầu tiên rất nhiều chế định luật hình sự và các quy định pháp luật hình sự khác được pháp điển hóa, được ghi nhận một cách chính thức trong một Bộ luật hình sự - văn bản pháp luật hình sự có giá trị pháp lý do cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất là Quốc hội ban hành. Trong các chế định đó có chế định hiệu lực của Bộ luật hình sự.
Tuy nhiên, trong thời kỳ này nội hàm của chế định hiệu lực của Bộ luật hình sự được quy định trong Bộ luật hình sự năm 1985 được thể hiện qua nội hàm các qui định về khái niệm “Phạm vi áp dụng của Bộ luật hình sự” – qui định tại Chương II – Bộ luật hình sự. Nội dung của nó được qui định cụ thể tại ba điều: từ Điều 5 đến Điều 7 của Bộ luật hình sự.
Việc qui định hiệu lực của Bộ luật hình sự nhằm đảm bảo vận dụng các qui định khác trong thực tiễn áp dụng. Hiệu lực của Bộ luật hình sự được xem xét dưới hai khía cạnh là hiệu lực của Bộ luật hình sự theo không gian và hiệu lực của Bộ luật hình sự theo thời gian. Điều 5 Bộ luật hình sự năm 1985 qui định: Bộ luật hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Qui định này thể hiện chủ quyền của Nhà nước ta theo lãnh thổ. Khái niệm lãnh thổ được xác định chung trong Điều 1 của Hiến pháp. Điều 5 Bộ luật hình sự cũng qui định, Bộ luật hình sự có hiệu lực đối với mọi người phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bất kể là công dân Việt Nam, người nước ngoài hay người không có quốc tịch. Điều này cũng thể
hiện nguyên tắc chủ quyền của Nhà nước ta. Tuy nhiên, Điều 5 có qui định đặc biệt lệ đối với những người nước ngoài thuộc đối tượng được hưởng các đặc quyền ngoại giao hoặc quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự theo pháp luật của nước ta; nếu những người này có người phạm tội trên lãnh thổ nước ta, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.
Đối với những hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì Điều 6 – Bộ luật hình sự năm 1985 phân biệt hai trường hợp: người phạm tội là công dân Việt Nam và người phạm tội không phải là công dân Việt Nam.
Công dân ở nước ngoài bất kể vì lý do gì đều có nghĩa vụ tuân theo pháp luật Việt Nam. Vì vậy, Điều 6 qui định là Bộ luật hình sự có hiệu lực đối với công dân Việt Nam phạm tội ở nước ngoài. Điều này cũng xuất phát từ nguyên tắc chủ quyền của Nhà nước ta. Qui định này cũng áp dụng đối với người không có quốc tịch thường trú ở nước ta. Trong thực tế, sẽ cân nhắc khi đặt vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự của công dân Việt Nam hoặc người không có quốc tịch phạm tội ở nước ngoài. Ví dụ như người phạm tội đã bị truy tố và chịu hình phạt theo pháp luật của nước ngoài rồi thì Tòa án Việt Nam có thể không xử nữa. Bộ luật hình sự theo thông thường không có hiệu lực đối với người không phải là công dân Việt Nam mà phạm tội ở nước ngoài. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở Việt Nam theo Bộ luật hình sự của nước ta nếu họ phạm vào các tội được qui định trong các hiệp ước quốc tế mà Nhà nước ta ký kết hoặc công nhận. Ví dụ như Công ước quốc tế về đấu tranh chống việc bắt cóc máy bay. Nếu có người phạm tội là người nước ngoài mà ta bắt giữ được thì ta sẽ xét xử theo Bộ Luật hình sự Việt Nam.
Điều 7 Bộ luật hình sự năm 1985 qui định về hiệu lực của Bộ luật hình sự theo thời gian. Theo nguyên tắc thông thường, một Bộ luật hoặc một đạo luật có hiệu lực kể từ ngày tiếp sau ngày được công bố hoặc từ ngày được ấn định trong điều khoản thi hành của nó. Khoản 1 và khoản 2 của Điều 7 được viết theo tinh thần thực hiện của nguyên tắc không hồi tố: “1- Điều luật áp dụng đối với một hành vi phạm tội là điều luật đang có hiệu lực thi hành khi hành vi ấy được thực hiện; 2- Điều luật quy định một tội phạm mới hoặc một hình phạt nặng hơn không áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó được ban hành, trừ trường hợp luật quy định khác”.
Nói luật hình sự không có hiệu lực hồi tố là nói đến những quy định đặt ra tội phạm mới hoặc đặt ra hình phạt nặng hơn. Trái lại, những quy định xóa bỏ một tội phạm hoặc giảm nhẹ hình phạt thì có hiệu lực hồi tố. Quy định này đưa ra là vì khi tính chất nguy hiểm cho xã hội của một hành vi được coi là mất đi thì việc trừng trị theo luật cũ không còn cần thiết nữa mà cần áp dụng luật mới trong trường hợp này. Nội dung của khoản 3 điều 7 Bộ luật hình sự năm 1985 thể hiện nguyên tắc này: “Điều luật xoá bỏ một tội phạm hoặc quy định một hình phạt nhẹ hơn được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã được thực hiện trước khi điều luật đó được ban hành”.