đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 1985
Bộ luật hình sự năm 1985 ra đời trong điều kiện đất nước có những đặc trưng là cần bảo vệ nền kinh tế bao cấp chủ yếu dựa trên hai hình thức sở hữu: sở hữu Nhà nước và sở hữu tập thể theo cơ chế bao cấp. Vì thế, kể từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới do Đại hội VI đề ra, Bộ luật hình sự đã dần biểu hiện những bất cập, thiếu sót, một số qui định không còn phù hợp với các mục đích, yêu cầu của việc đấu tranh phòng và chống tội phạm trong
giai đoạn mới đặt ra. Chính vì vậy, chỉ trong 7 năm (từ năm 1985 đến năm 1992), Bộ luật hình sự đã có 3 lần sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, cả ba lần sửa đổi đều tập trung vào việc đảm bảo chặt chẽ hơn các qui định về định tội và hình phạt. Ví dụ như lần sửa đổi, bổ sung lần thứ nhất (năm 1989), bổ sung các qui định về mức phạt tiền, quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội, qui định về án treo…Nhưng nhìn chung, cả ba Luật sửa đổi, bổ sung vẫn còn sự hạn chế là bị bó hẹp trong khuôn khổ của Bộ luật hình sự năm 1985.
Còn đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 1985 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa IX, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 10 tháng 5 năm 1997, đã sửa đổi, bổ sung, đề cập được những vấn đề mang tính thời sự, cấp thiết, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới và nguyện vọng của nhân dân. Tuy nhiên, lần sửa đổi, bổ sung này chỉ tập chung sửa đổi, bổ sung một số điều trong phần riêng Bộ luật hình sự - Phần các tội phạm, còn các qui định về Phần chung của Bộ luật hình sự không có sự thay đổi mà vẫn giữ nguyên như các qui định cũ.
Như vậy, có thể thấy các qui định liên quan đến chế định hiệu lực của Bộ luật hình sự trong bốn lần sửa đổi, bổ sung (năm 1989, năm 1991, năm 1992, năm 1997), đều không có sự sửa đổi hay bổ sung, mà vẫn giữ nguyên qui định tại các điều như Bộ luật hình sự năm 1985 được kỳ họp thứ IX, Quốc hội khóa VII thông qua ngày 27 tháng 6 năm 1985, có hiệu lực ngày 01 tháng 01 năm 1986.