Giai đoạn từ sau cách mạng tháng 8 năm 1945 đến pháp điển hóa lần thứ nhất (1945-1985)

Một phần của tài liệu Một số vấn đề cơ bản về chế định hiệu lực của Bộ Luật Hình sự trong pháp luật hình sự Việt Nam (Trang 47 - 50)

hóa lần thứ nhất (1945-1985)

Pháp luật hình sự Việt Nam từ sau cách mạng tháng 8 năm 1945 đến trước năm 1975 cũng không đề cập nhiều đến chế định hiệu lực của Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, cũng có một số qui định liên quan đến phạm vi đối tượng áp dụng các Sắc lệnh hình sự; việc áp dụng ở những năm đầu giai đoạn này song song các văn bản luật hình sự cũ kèm theo các điều kiện để áp dụng và các văn bản luật hình sự mới nhằm duy trì ổn định trật tự xã hội, trong lúc chưa xây dựng các văn bản mới .

Đặc biệt, luật hình sự thời kỳ này có một số văn bản đã đề cao nguyên tắc chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc nhằm đảm bảo cho mục đích, yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong giai đoạn này. Ví dụ như: Thông tư số 19-VH ngày 30 tháng 6 năm 1955 đã chỉ rõ: “Các luật lệ cũ không thể làm cơ sở pháp lý cho các Tòa án nhân dân để định tội, trong bất cứ trường hợp nào…Nếu chỉ có luật hình, chưa có Sắc lệnh mới thì cũng không viện dẫn luật hình sự cũ. Tòa án sẽ căn cứ vào đường lối truy tố xét xử, vào các yêu cầu chung và cụ thể đối với từng vụ việc, vào án lệ”…Về vấn đề này, Chỉ thị ngày 10 tháng 7 năm 1959 của Tòa án nhân dân tối cao cũng có hướng dẫn

“Trong tình hình xã hội Việt Nam hiện nay…hoàn toàn không thể sử dụng điều luật của đế quốc và phong kiến được nữa, dù là với tinh thần mới; để xét xử các vụ án hình sự và dân sự, cần áp dụng luật pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ban hành từ trước đến giờ (luật, sắc lệnh, nghị định, thông tư,…) đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ, án lệ của Tòa án nhân dân tối cao. Trường hợp không giải quyết được thì sẽ báo cáo lên Tòa án nhân dân tối cao để hỏi ý kiến giúp đỡ” [8].

Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã đem lại sự hòa bình cho Miền Nam, thống nhất nước nhà. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi sự thống nhất về mặt Nhà nước, trên thực tế, tạm thời tồn tại hai Nhà nước ở hai miền Bắc, Nam, mỗi Nhà nước có pháp luật riêng. Ở miền Bắc, các văn bản pháp luật hình sự đã ban hành trước đó vẫn tiếp tục được áp dụng. Ở miền Nam, Nhà nước đã kịp thời ban hành một số văn bản pháp luật hình sự phục vụ việc thực hiện nhiệm vụ cấp bách là trấn áp bọn phản cách mạng và các tội phạm khác, bảo vệ vững chắc an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Ngày 15 tháng 3 năm 1976, Nhà nước Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ban hành một số văn bản pháp luật hình sự như: Luật tổ chức Tòa án nhân

dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Sắc luật qui định việc bắt giam, khám người, khám nhà ở, khám đồ vật của người phạm tội, Thông tư số 03- BTP/TT(4/1976), Sắc luật số 03-SL/76 qui định các tội phạm và hình phạt với 7 loại tội phạm, Quyết định số 29/QĐ/76 về việc trừng trị các tên tư sản mại bản phạm tội lũng đoạn, đầu cơ, tích trữ, phá rối thị trường.

Ngày 25 tháng 4 năm 1976, nhân dân ta tiến hành tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung cho cả nước. Ngày 02 tháng 7 năm 1976, Quốc hội chính thức đổi tên nước ta thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, pháp luật được sử dụng chung cho cả nước. Nhà nước mới lại tiếp tục ban hành một số văn bản nhằm hoàn thiện hơn nữa pháp luật hình sự của nước ta.

Đến ngày 25 tháng 3 năm 1977 Hội Đồng Chính Phủ đã thông qua Nghị quyết số 76-NQ/CP Nghị quyết về việc hướng dẫn thi hành và xây dựng pháp luật thống nhất cho cả nước thi hành nghị quyết ngày 02 tháng 7 năm 1976 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; để bảo đảm cho mọi lĩnh vực hoạt động trong phạm vi cả nước đều có pháp luật, tăng cường ý thức tôn trọng pháp chế xã hội chủ nghĩa, đảm bảo việc thi hành được thống nhất và sát với tình hình thực tế; xuất phát từ yêu cầu của sản xuất và đời sống; theo đề nghị của Ủy ban pháp chế của Hội đồng Chính phủ trong tờ trình số 73-VP/UB ngày 1 tháng 2 năm 1977. Nghị quyết này đã pháp điển hóa 23 văn bản pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự được áp dụng thống nhất trong cả nước. Hình thức của các văn bản pháp luật này chủ yếu đó là: Sắc luật; Sắc lệnh; Pháp lệnh; Nghị quyết; Nghị định; Thông tư; Điều lệ.

Các qui định liên quan đến chế định hiệu lực của Bộ luật hình sự trong thời kỳ này, phần nào đó đã kế thừa các qui định trước về chế định này. Tuy nhiên, chưa có nhiều và đầy đủ qui định liên quan đến chế định hiệu lực của

Bộ luật hình sự. Mặc dù vậy, có thể nêu một số đặc điểm nổi bật về hiệu lực hồi tố của pháp luật hình sự Việt Nam trong thời kỳ này đó là: pháp luật hình sự Việt Nam thời kỳ này thừa nhận hiệu lực hồi tố. Ví dụ như: tại Điều 13 Pháp lệnh trừng trị tội hối lộ cũng như Điều 13 Pháp lệnh trừng trị tội đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép đều qui định “Đối với những tội hối lộ, tội đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép đã được phát hiện trước ngày công bố Pháp lênh này mà chưa bị xét xử, thì xét xử theo Pháp lệnh này”. Như vậy, đối với các tội phạm thuộc hai nhóm tội phạm trên, pháp luật hình sự cho phép áp dụng hiệu lực hồi tố theo hướng bất lợi cho người phạm tội. Hiện nay, hiệu lực hồi tố theo hướng bất lợi cho người phạm tội đã bị cấm áp dụng trong luật hình sự. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, việc cho phép áp dụng qui định này trong luật hình sự là một yêu cầu cấp bách mang tính khách quan nhằm đấu tranh phòng, chống có hiệu quả đối với các tội phạm thuộc nhóm này.

Một phần của tài liệu Một số vấn đề cơ bản về chế định hiệu lực của Bộ Luật Hình sự trong pháp luật hình sự Việt Nam (Trang 47 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)