Trong khoa học luật hình sự khi nghiên cứu vấn đề hiệu lực của luật hình sự thường đề cập đến hai khía cạnh là hiệu lực theo không gian và hiệu lực theo thời gian. Khi xác định chế định của Bộ luật hình sự phải xem xét đến cả hai khía cạnh trên. Nội hàm của hiệu lực của đạo luật hình sự theo không gian đó là:
Hiệu lực của đạo luật hình sự theo không gian là “thời điểm áp dụng một hoặc nhiều qui phạm (chế định) cụ thể của luật hình sự đối với hành vi phạm tội tương ứng được thực hiện bởi một chủ thể nhất định trên một lãnh thổ nào đó” [16, tr. 218-219].
Theo qui định tại điều 5 Bộ luật hình sự, thì mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều bị truy cứu tách nhiệm hình sự, trừ trường hợp người phạm tội là người nước ngoài thuộc đối tượng được hưởng các đặc quyền ngoại giao hoặc quyền ưu đãi miễn trừ về lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia hoặc theo tập quán quốc tế, thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao. Như vậy đối với một số người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam có thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự Việt Nam. Trách nhiệm hình sự của họ sẽ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.
Đối với những hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì tại điều 6 Bộ luật hình sự đã qui định công dân Việt Nam hoặc người không quốc tịch thường trú ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo Bộ luật này.
Cũng theo qui định tại khoản 2 điều 6 Bộ luật hình sự thì người nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự Việt Nam trong những trường hợp được qui định trong các Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia.
Như vậy có thể thấy, hiệu lực của Bộ luật hình sự về không gian theo qui định của pháp luật hình sự Việt Nam được xây dựng dựa trên hai nguyên tắc cơ bản để đó là: nguyên tắc lãnh thổ và nguyên tắc quốc tịch.
Thứ nhất, về nguyên tắc lãnh thổ.
Theo pháp luật quốc tế hiện đại, lãnh thổ được xác định là “toàn bộ Trái Đất, bao gồm các bộ phận cấu thành là vùng đất, vùng nước, vùng trời, vùng lòng đất và kể cả khoảng không vũ trụ” [9, tr. 155]. Còn lãnh thổ quốc gia được hiểu là “các bộ phận lãnh thổ thuộc chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối hay riêng biệt của một quốc gia, tại đó quốc gia duy trì giới hạn quyền lực nhà nước đối với cộng đòng dân cư nhất định. Lãnh thổ quốc gia là toàn vẹn và bất khả xâm phạm dựa trên quy chế pháp lý về lãnh thổ quốc gia do quốc gia tự xác định, phù hợp với luật quốc tế” [9, tr. 156].
Về mặt pháp lý, theo qui định tại điều 1 Hiến Pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 (đã sửa đổi, bổ sung năm 2001), điều 1 tuyên bố ngày 12/5/1977 của Chính phủ ta về lãnh hải,vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Điều 1 tuyên bố ngày 5/6/1984 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về vùng trời Việt Nam và luật quốc tế thì lãnh thổ nước ta bao gồm đất liền, hải đảo,
các vùng biển và vùng trời thuộc chủ quyền hoàn toàn và đầy đủ của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nội dung cơ bản của nguyên tắc lãnh thổ thể hiện ở chỗ mọi tội phạm thự hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều thuộc phạm vi áp dụng của các đạo luật hình sự Việt Nam. Điều này được quy định xuất phát từ tính toàn quyền về chủ quyền của nước ta đối với lãnh thổ của mình. Đây chính là nguyên tắc chủ quyền quốc gia được ghi nhận ở điều 1 Hiến pháp năm 1992 của nước ta.
Trong pháp luật hình sự Việt Nam, hiệu lực của Bộ luật hình sự theo không gian được xác định dựa theo hành vi phạm tội của chủ thể nhất định được thực hiện ở trong lãnh thổ và hành vi phạm tội của chủ thể nhất định được thực hiện ở ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Thứ hai, về nguyên tắc quốc tịch.
Khái niệm quốc tịch được định nghĩa khá thông dụng trên thế giới: theo từ điển Bách khoa của Liên Xô cũ thì “Quốc tịch là sự qui thuộc về mặt pháp lý và chính trị của một cá nhân vào một Nhà nước thể hiện mối quan hệ qua lại giữa Nhà nước và cá nhân. Nhà nước qui định các quyền cho cá nhân là công dân của mình, bảo vệ và bảo hộ công dân đó ở nước ngoài. Về phần mình, công dân phải tuân theo pháp luật của Nhà nước và hoàn thành các nghĩa vụ đối với Nhà nước” [10, tr. 252].
Còn theo qui định tại điều 1 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 thì “Quốc tịch Việt Nam thể hiện mối quan hệ gắn bó của cá nhân với Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của công dân Việt Nam đối với Nhà nước và quyền, trách nhiệm của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với công dân Việt Nam”.
Qua nghiên cứu việc áp dụng nguyên tắc quốc tịch trong xây dựng các quy phạm pháp luật về hiệu lực của đạo luật hình sự trong pháp luật hình sự Việt Nam ta thấy Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999 đã có sự phân loại chủ thể thực hiện phạm tội ra thành các loại đó là: công dân Việt Nam; người được hưởng các quyền miễn trừ ngoại giao hoặc quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự; người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam; và người nước ngoài khác.
Theo qui định tại điều 49 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 (đã sửa đổi, bổ sung năm 2001) thì “Công dân nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam”.
Người được hưởng các quyền miễn trừ ngoại giao hoặc quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự theo qui định của Pháp lệnh về quyền ưu đãi miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam năm 1993 bao gồm: viên chức ngoại giao; nhân viên hành chính - kỹ thuật; nhân viên phục vụ; viên chức lãnh sự; nhân viên lãnh sự; nhân viên phục vụ; thành viên của tổ chức quốc tế và phái đoàn ngoại giao tại Việt Nam và hành viên gia đình của viên chức, nhân viên ngoại giao và lãnh sự.
Người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam là người không có quốc tịch Việt Nam và cũng không có quốc tịch nước ngoài thường trú ở Việt Nam.
Người nước ngoài là người có quốc tịch một nước khác không phải là quốc tịch Việt Nam.
Nguyên tắc quốc tịch thể hiện mối quan hệ pháp lý giữa Nhà nước và công dân, làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của công dân. Nội dung cơ bản của nguyên tắc quốc tịch thể hiện trong Bộ luật hình sự nước ta đó là: mọi công dân Việt Nam chịu trách nhiệm hình sự theo pháp luật hình sự Việt Nam dù họ thực hiện tội phạm bất kỳ ở đâu trên lãnh thổ Việt Nam. Trong những trường hợp công dân Việt Nam phạm tội ở ngoài lãnh thổ Việt Nam thì họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo Bộ luật hình sự Việt Nam. Đối với những trường hợp đó, ngoài những qui định chung của Bộ luật hình sự, còn có những qui định khác ở các hiệp định tương trợ tư pháp giữa nước ta và nước ngoài.
Đối với người không có quốc tịch Việt Nam thực hiện hành vi phạm tội trong lãnh thổ Việt Nam cũng phải chịu trách nhiệm hình sự theo pháp luật Việt Nam (trừ người được hưởng các quyền ngoại giao hoặc quyền ưu đãi miễn trừ về lãnh sự); phạm tội ở ngoài lãnh thổ Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật Việt Nam.