Chức năng kinh tế

Một phần của tài liệu Biến đổi gia đình người Dao quần trắng ở Xã Tân Hương, Huyện Yên Bình, Tỉnh Yên Bái (Trang 57 - 61)

6 Nội dung này tham khảo tại trang thông tin điện tử tỉnh Yên Bái (http://www.yenbai.gov.vn)

3.2.2.Chức năng kinh tế

Là một chức năng cơ bản của gia đình, chức năng này tạo ra cơ sở vật chất để gia đình tồn tại và phát triển. Chức năng này tạo ra sự gắn bó giữa các thành viên trong gia đình trong quá trình tạo dựng, tích lũy tài sản và chia sẻ lợi ích. Chức năng kinh tế của gia đình người Dao Quần Trắng ở xã Tân Hương, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái được chúng tôi tìm hiểu và đánh giá trên các khía cạnh:

Phương thức kiếm sống, phân công lao động trong gia đình và cơ cấu chi tiêu của gia đình.

3.2.2.1. Chức năng kinh tế của gia đình trước Đổi mới

Gia đình người Dao Quần Trắng trước Đổi mới là một đơn vị kinh tế thống nhất. Các thành viên trong gia đình cùng sản xuất, cùng hưởng thành quả dưới sự chỉ đạo của người chủ gia đình. Tất cả mọi hoạt động kinh tế từ phương thức kiếm sống, phân công lao động đến chi tiêu đều nhằm đảm bảo cho gia đình tồn tại và phát triển.

* Thứ nhất, phương thức kiếm sống của gia đình

Kinh tế gia đình của người Dao Quần Trắng ở xã Tân Hương, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái trước Đổi mới chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Từ những năm 1970 trở về trước (khi nhà máy thủy điện Thác Bà chưa xây dựng), cộng đồng người Dao Quần Trắng ở khu vực này thường khai thác ruộng để trồng lúa nước trên các bãi phù sa nhỏ bên bờ Sông Chảy, bên các con ngòi và các thung lũng nhỏ hẹp. Ở những dải phù sa này, đất có độ phì cao nên năng suất lúa rất cao.

“Trước đây, khi chưa có hồ Thác Bà, chúng tôi thường làm ruộng ở các thung lũng và các bãi bồi ven sông và ven ngòi, gia đình nào cũng có ruộng để trồng lúa. Đất ở đây tốt lắm nên vụ nào cũng nhiều thóc”. (B.V.H, nam, 84 tuổi).

Trong nông nghiệp, ngoài lúa nước, đồng bào còn khai thác những sườn đồi để làm nương trồng thêm các loại chè, ngô, khoai, sắn, lạc, đậu…Chăn nuôi cũng đem lại nguồn thực phẩm thêm cho gia đình trong các ngày lễ tết.

Bên cạnh nông nghiệp, khai thác các sản vật từ tự nhiên cũng đóng góp không nhỏ cho kinh tế gia đình. Đặc trưng của khu vực này là hệ thống các ngòi khe chằng chịt đổ ra sông Chảy có nguồn thủy sản rất dồi dào như cá, tôm, cua, ốc. Nơi đây cũng là khu vực có rừng già với độ che phủ cao nên có nhiều chim, thú và các loại măng, mộc nhĩ, nấm…Từ khi có hồ Thác Bà, một bộ phận dân cư đã chuyển sang khai thác thủy sản ở khu vực ven hồ.

Thủ công nghiệp chủ yếu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và làm các vật dụng cho sinh hoạt gia đình. Qua khảo sát, chúng tôi thấy có một số nghề như

58

đan lát, làm mộc, làm cao chàm nhuộm vải, rèn và sửa chữa nông cụ. * Thứ hai, phân công lao động trong gia đình

Sản xuất, trước tiên là trách nhiệm của hai thành viên sáng lập ra gia đình là chồng và vợ (bố, mẹ) và sau đó là của các thành viên khác (con cái). Trong sản xuất, tuy không thật sự rõ ràng nhưng đã có sự phân công lao động ở mức độ nhất định giữa các thành viên.

Thông thường, nam giới đảm nhiệm các công việc nặng nhọc như chặt cây, cày bừa, cải tạo nguồn nước, khai phá ruộng nương mới và săn bắn, đánh cá. Phụ nữ đảm nhận các công việc như gieo trồng, làm cỏ, bón phân, thu hái, làm vườn…Họ còn đảm nhận thêm công việc là người nội trợ trong gia đình như giặt giũ, nấu nướng, chăm sóc con cái…

Trẻ em cũng tham gia vào lao động tùy vào khả năng như nhặt cỏ, phơi thóc, giúp cha mẹ trông em…Việc trẻ em tham gia vào lao động sớm ngoài tác dụng chia sẻ một số công việc cho người lớn còn có tác dụng học việc. Trong quá trình này, trẻ em được ông bà, cha mẹ và các những người lớn trong gia đình dạy cho các kỹ năng trong lao động và đức tính cần cù chịu khó. Vì vậy, chỉ khoảng 13- 14 tuổi, các em hầu như đã thành thạo mọi công việc.

Trong lao động sản xuất, người chủ gia đình (đàn ông), là người tổ chức, điều hành sản xuất và phân công lao động cho mọi thành viên.

* Thứ ba, phương thức chi tiêu

Để duy trì cuộc sống, gia đình sử dụng rất nhiều loại sản phẩm từ đồ ăn thức uống, quần áo, nhà ở, phương tiện đi lại…Vì vậy, tiêu dùng là một trong những nội dung quan trọng trong chức năng kinh tế của gia đình, chất lượng tiêu dùng phụ thuộc vào chất lượng sản xuất của gia đình. Trong xã hội truyền thống của người Dao Quần Trắng ở địa bàn nghiên cứu, chi tiêu chủ yếu của gia đình là lo ăn, mặc, xây dựng nhà cửa và tổ chức các công việc trọng đại trong gia đình như cưới xin, ma chay, cấp sắc.

“Chúng tôi làm chủ yếu để phục vụ cho việc ăn uống, may mặc, làm nhà ở và chi tiêu vào các nghi lễ, tốn nhất là đám chay và đám cưới. Các cháu trước đây có đi học đâu mà phải chi”. (B.V.T, nam, 67 tuổi).

3.2.2.1. Biến đổi chức năng kinh tế của gia đình

Từ sau Đổi mới đến nay, chức năng kinh tế của gia đình người Dao Quần Trắng trên địa bàn đã có sự thay đổi nhất định. Sự thay đổi đó được thể hiện trên các bình diện sau:

* Thứ nhất, trên lĩnh vực kiếm sống và tạo thu nhập của gia đình

59

kinh tế gia đình. Tuy nhiên, hiện nay đồng bào đã đẩy mạnh việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất như máy móc (máy cày, máy tuốt), giống mới, thuốc trừ sâu, kỹ thật gieo trồng và chăn nuôi…làm cho năng suất cây trồng và sản lượng chăn nuôi tăng đáng kể. Đặc biệt là trong chăn nuôi, ngoài các giống trâu, bò, lợn, gà do Nhà nước và các tổ chức hỗ trợ, nhiều gia đình đã chuyển sang chăn nuôi các động vật hoang dã theo hướng “đặc sản” như nuôi nhím, dúi, lợn ta (lợn mán), cầy hương…

“Thôn này ngoài một số gia đình được nhận giống mới từ dự án (trâu, bò lợn), có một số gia đình chuyển sang nuôi các giống đặc sản như dúi, nhím, lợn ta. Kể ra làm cái này nhàn mà bán giá thành lại cao” (T.V.T, nam, 27 tuổi, trưởng thôn).

“Nhà em bây giờ nuôi dúi, em thấy nuôi giống này rất dễ, không có bệnh gì cả, hàng ngày chỉ vứt cho mấy cái ngô và mấy đoạn tre là xong. Loại này bán cũng dễ mà giá lại cao, những đôi dúi giống khoảng gần một triệu/đôi, còn dúi con thì khoảng 200 nghìn/đôi. Nuôi thêm cái này để có tiền chứ anh thấy đấy, nhà em có mấy ruộng nương đâu”. (B.V.T, nam, 30 tuổi).

Cùng với nông nghiệp, khai thác thủy sản ở hồ Thác Bà cũng đem lại nguồn sống không nhỏ cho nhiều gia đình. Quan sát trên địa bàn, chúng tôi thấy hầu hết các gia đình đều có người đi hồ khai thác thủy sản. Ngoài một số gia đình chuyển hẳn sang đánh bắt cá ở hồ còn là đi theo thời vụ. Tuy nhiên, trong hai năm trở lại đây, khi mặt nước hồ được đưa về Công ty thủy điện Thác Bà quản lý thì họ đã cấm nhân dân đánh bắt cá.

“Tôi đánh bắt cá ở hồ Thác Bà mấy chục năm rồi, bây giờ già rồi không đi nữa. Trước đây cá nhiều lắm, nhưng giá rất rẻ, bây giờ nhiều người đánh quá, họ còn đánh cả bằng mìn nên cá ít đi. Hai thằng con trai và một thằng con rể nhà tôi nó cũng làm nghề này. Nói thật là đi đánh trộm thôi, hôm nào Công ty đi qua bắt được là họ thu lưới đấy”. (B.V.K,nam 56 tuổi).

Một trong những nguồn tạo thu nhập khá lớn cho kinh tế gia đình hiện nay là đi làm thuê. Trên địa bàn xã và các khu vực xung quanh đã có nhiều doanh nghiệp đầu vào các ngành như khai thác chế biến chè, khai thác chế biến gỗ và khai thác đá. Có một đặc điểm là những lao động làm thuê không có một nghề cố định, họ chủ yếu lao động chân tay theo yêu cầu của chủ như khai thác gỗ, khai thác đá, hái chè, bốc vác. Mỗi ngày, các lao động làm thuê, tùy theo mức độ và tính chất của công việc sẽ được chủ lao động trả từ 100 đến 200 ngàn đồng một người.

60

gì làm việc đấy nhưng thường xuyên nhất là khai thác gỗ. Mỗi ngày cũng được hơn trăm nghìn. Ngoài tiền đó ra không có gì thêm, lúa ngô cũng chỉ đủ ăn và chăn nuôi thôi” (T.T.N, nữ, 26 tuổi). (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

“Chồng em đi làm thuê suốt, em thì thỉnh thoảng có việc gì nhẹ và ở gần thì đi vài ngày vì còn phải lo cho con và các công việc khác. Anh thấy đấy, ở đây không đi làm thuê thì làm gì có tiền để tiêu hàng ngày” (L.T.H, nữ, 29 tuổi).

Như vậy, có thể thấy trong lĩnh vực kiếm sống và tạo thu nhập của gia đình, cơ cấu ngành nghề không có nhiều thay đổi. Ngoài nguồn thu nhập từ làm thuê và chăn nuôi, kinh tế của gia đình vẫn chủ yếu dựa vào nông nghiệp.

* Thứ hai: Trên lĩnh vực phân công lao động gia đình

Cùng với những biến chuyển trong cơ cấu nghề nghiệp và sự gia tăng của đội ngũ nam giới đi làm thuê thì sự phân công lao động trong gia đình cũng có sự biến chuyển nhất định. Nếu như trước đây, nam giới thường gánh vác các công việc nặng nhọc của gia đình thì hiện nay, do họ đi làm thuê nên những công việc đó chuyển sang vai người phụ nữ và các thành viên khác. Người phụ nữ ở nhà phải đảm nhận nhiều công việc hơn, kể cả các công việc nặng nhọc.

“Thôn này bây giờ con trai khỏe mạnh đi làm thuê nhiều lắm, chồng em cũng đi làm nên mọi công việc ruộng nương đều do phụ nữ bọn em đảm nhận. Cũng vất vả nhưng chẳng biết làm thế nào, nếu anh ấy không đi làm thuê thì làm gì có tiền để tiêu” (Đ.T.D, nữ, 28 tuổi).

Quan sát thực tế, chúng tôi thấy rằng, đã có sự chia sẻ trong các công việc của gia đình giữa người chồng với người vợ. Ngày nay, nam giới cũng tham gia nhiều vào các công việc như chăm sóc con cái, người già, người ốm và cả các công việc nội trợ đặc biệt khi người phụ nữ vắng nhà.

“Chồng em thỉnh thoảng cũng giúp em các việc gia đình như cho con ăn, chăn lợn, giặt giũ quần áo…Nhưng anh ấy chỉ làm khi em mệt hay đi vắng thôi” (T.T.N, nữ, 26 tuổi).

Hiện nay, hầu hết trẻ em trong lứa tuổi tiểu học đều được đến trường nên đã ít tham gia vào lao động sản xuất hơn trước đây. Các em chỉ phụ giúp gia đình trong những ngày nghỉ với một số công việc như chăn trâu, phơi thóc, trông em, quét dọn nhà cửa…

“Bây giờ công việc có gì đâu mà các cháu phải làm, ruộng nương ít nên người lớn còn chẳng có việc mà làm. Chỉ vào mùa là các cháu phải phụ thêm các công việc nhẹ thôi”. (Đ.V.L, nam, 42 tuổi).

“Đứa lớn nhà em những buổi không đi học thì giúp mẹ chăn trâu hay trông em còn ruộng thì em cũng không bắt cháu làm” (B.T.N, nữ, 28 tuổi).

61 * Thứ ba: Trên lĩnh vực chi tiêu

Nếu như trước đây, chi tiêu trong gia đình chủ yếu là lo ăn, mặc, xây dựng nhà cửa và tổ chức các công việc trọng đại trong gia đình như cưới xin, ma chay, cấp sắc, thì từ sau Đổi mới đến nay đã có sự khác biệt. Ngoài các khoản chi tiêu trên, hầu hết các gia đình còn phải chi tiêu cho các khoản khác như mua sắm các vật dụng (đài, ti vi, xe máy, điện thoại), trả tiền điện… và đặc biệt là chi phí cho con đi học. Các ý kiến trao đổi của đồng bào sẽ giúp chúng ta thấy rõ hơn điều này.

“Sao bây giờ nó lắm cái phải tiêu đến tiền như thế, hết tiền điện, xăng xe lại mua cái này đến cái khác, nhiều nhất là mấy đứa đi học, hết nhiều tiền cho chúng nó lắm”. (L.T.N, nữ, 48 tuổi).

“Nhà em có xe máy và ti vi rồi, lương thực thì không phải mua, hàng tháng bọn em phải đóng tiền điện, mua xăng xe, thức ăn và quà cho con thì thỉnh thoảng thôi. Hiện nay phải tiêu nhiều nhất là cho con đi học”. (B.V.P, nam, 34 tuổi).

“Vợ chồng em ở cùng với bố mẹ, bình thường chúng em cũng làm các công việc ruộng nương cùng gia đình. Thời gian rỗi, cả hai vợ chồng đi làm thuê kiếm thêm tiền, bố mẹ không lấy mà cho chúng em để riêng. Bây giờ bố mẹ em vẫn chi tiêu cho cả nhà, bố mẹ bảo dành tiền để sau này cho con đi học”. (B.T.X, nữ, 22 tuổi).

Như vậy, từ khi Đổi mới đến nay, chức năng kinh tế của gia đình người Dao Quần Trắng đã có sự biến đổi trên cả ba khía cạnh là phương thức kiếm sống, phương thức chi tiêu và phân công lao động trong gia đình. Tuy nhiên, gia đình người Dao Quần Trắng vẫn là một đơn vị kinh tế độc lập, chủ yếu tự cung tự cấp. Các thành viên trong gia đình vẫn cùng làm, cùng hưởng thành quả và cùng chia sẻ các khó khăn trong cuộc sống.

Một phần của tài liệu Biến đổi gia đình người Dao quần trắng ở Xã Tân Hương, Huyện Yên Bình, Tỉnh Yên Bái (Trang 57 - 61)