Biến đổi các phong tục, nghi lễ trong cưới xin

Một phần của tài liệu Biến đổi gia đình người Dao quần trắng ở Xã Tân Hương, Huyện Yên Bình, Tỉnh Yên Bái (Trang 93 - 97)

6 Nội dung này tham khảo tại trang thông tin điện tử tỉnh Yên Bái (http://www.yenbai.gov.vn)

4.3.2.Biến đổi các phong tục, nghi lễ trong cưới xin

Từ Đổi mới đến nay, các phong tục, nghi lễ trong cưới hỏi của đồng bào Dao Quần Trắng ở Tân Hương đã có sự biến đổi, sự biến đổi đó thể hiện trên các khía cạnh sau:

* Biến đổi trong quan niệm

Đa số các bậc cha mẹ quan niệm việc cưới xin là để xây dựng hạnh phúc gia đình cho con cái nên đã ít can thiệp vào quyền quyết định hôn nhân của con.

94

Vì vậy, nam nữ thanh niên trước khi đi đến kết hôn được tự do lựa tìm hiểu, yêu đương và lựa chọn bạn đời của mình; người mối lái trong hôn nhân vẫn còn nhưng chỉ mang tính hình thức, vai trò thực tế đã bị mờ nhạt. Tuy nhiên, đại đa số con cái trước khi đến quyết định hôn nhân vẫn hỏi ý kiến của cha mẹ cùng những người thân trong gia đình. Về cơ bản, nam nữ đã đăng ký kết hôn theo đúng quy định của pháp luật (trừ một số trường hợp kết hôn dưới tuổi quy định của Luật Hôn nhân và gia đình). Quan niệm “gả bán” trong hôn nhân không còn nặng nề như xưa nữa, vì vậy, việc thách cưới của nhà gái đối với nhà trai đã bị hạn chế và ở nhiều gia đình chỉ còn là hình thức.

* Về việc thực hiện các nghi lễ

Trước đây, việc thực hiện đúng và đủ các nghi lễ trong cưới xin là một điều bắt buộc đối với tất cả các gia đình. Ngày nay, về cơ bản các nghi lễ vẫn được thực hiện nhưng đã có sự biến đổi cả về nội dung và hình thức.

- Lễ xem mặt: Nhà trai vẫn nhờ người mối lái đến bên nhà gái để hỏi ý kiến nhưng về thực chất đôi trai gái đã trải qua quá trình tìm hiểu, cha mẹ hai bên đã có những thông tin về nhau và thông tin về sự việc nhà trai sẽ đến. Vì vậy, lễ xem mặt chỉ còn là hình thức, thực chất là để hai gia đình gặp gỡ và bàn bạc các công việc tiếp theo.

- Lễ so tuổi và xem chân gà: Nghi lễ này vẫn được một số gia đình tiến hành và vẫn có trường hợp khi so tuổi thấy “không hợp” họ vẫn không tổ chức đám cưới. Tuy nhiên, đa số các hợp đi so tuổi và xem chân gà nhưng họ không tin vào “số mệnh” và cho rằng đây không phải là nguyên nhân dẫn đến không hạnh phúc và bền vững trong hôn nhân. Có nhiều cặp khi đi so tuổi thấy “không hợp” nhưng họ vẫn quyết đến với nhau và họ cũng có đủ các lý do để thuyết phục gia đình, thậm chí họ nhờ đến cả thầy cúng để an lòng cha mẹ. Sau đây là một số ý kiến xung quanh vấn đề này được chúng tôi trích ra từ các cuộc phỏng vấn sâu.

“Bọn em cứ đi so tuổi và xem chân gà cho đúng với truyền thống thôi chứ cũng không tin vào cái này lắm, chúng em thích nhau là chúng em lấy nhau.” (Đ.V.M, nam 26 tuổi)

“Em thì không đi so tuổi đâu, nếu thấy hợp thì không sao, nếu so tuổi mà không hợp thì lại phải suy nghĩ nhiều, đặc biệt là bố mẹ không được yên tâm” (L.T.T, nữ, 23 tuổi).

95

“Nhiều cặp cũng đến nhà tôi so tuổi và xem chân gà, nếu theo sách thì thấy có cặp không hợp thật, nhưng các cháu nó thích nhau thì mình cũng có lý do để nói cho gia đình người ta yên tâm” (B.V.T, nam, 54 tuổi – thầy cúng).

“Bây giờ bọn em có thời gian để tìm hiểu nhau, tuổi thế nào bọn em biết cả rồi, nhiều đứa nó nói trước với thầy cúng để khi gia đình đến thì thầy nói tốt cho gia đình yên tâm thôi” (Đ.V.S, nam, 24 tuổi).

- Lễ ăn hỏi, lễ báo cưới, lễ cưới và lễ lại mặt: Hiện nay, các gia đình vẫn thực hiện đầy đủ các nghi lễ này nhưng đã có sự giản tiện ở một số khâu cho phù hợp với đời sống mới. Ví dụ như trong lễ cưới, trước đây lễ cưới thực hiện kéo dài ba ngày với nhiều thủ tục. Hiện nay, một đám cưới thường được gói gọn trong khoảng một đến hai ngày; đoàn đi đón dâu cũng không nhất thiết phải đi 9 về 12 người như xưa nữa; nhiều các nghi thức phức tạp diễn ra trong khoảng từ lúc đi đón dâu đến lúc đưa dâu về nhà chồng đã được rút gọn; tổ chức giao lưu văn nghệ giữa hai họ thường do chi đoàn thanh niên đứng ra thực hiện.

* Những biến đổi khác

Ngoài các biến đổi về quan niệm và các nghi lễ còn có một số biến đổi khác như: Các lễ vật thách cưới hiện nay không còn nhiều như ngày xưa nữa, đối với những gia đình ở gần nhau, họ vẫn tổ chức dẫn cưới bằng lễ vật như thịt lợn, gà, rượu, trầu cau, thuốc lá, chè…nhưng đối với những gia đình ở xa nhau thì họ thường dẫn cưới bằng tiền mặt. Một số gia đình không thách cưới bằng hiện vật hay tiền đối với nhà trai nữa mà chỉ lấy một số lễ tượng trưng (chè, thuốc, rượu…) mỗi thứ một ít gọi là để làm lễ tổ tiên. Nếu như trước đây các lễ vật thách cưới của nhà gái đối với nhà trai được ghi cụ thể trong tờ “hôn thư” và tờ hôn thư sẽ được hai bên gia đình đem ra để đối chiếu khi đưa và nhận lễ thì ngày nay họ không sử dụng tờ hôn thư nữa.

“Trước đây, bên nhà trai phải mang nhiều rượu, thịt, bạc và các thứ khác đến nhà gái lắm. Bây giờ thì khác rồi, rượu thịt vẫn có nhưng mỗi thứ chỉ ít thôi, nhiều nhà họ mang tiền đến” (L.T.S, nữ, 75 tuổi).

“Năm ngoái vợ chồng anh cưới con gái, anh nói với ông thông gia là chỉ cần lấy các lễ để cúng tổ tiên thôi, hôm dẫn lễ gia đình bên ấy mang thêm 15 triệu, anh nhận nhưng không tiêu, cưới xong anh cho vợ chồng nó để làm vốn”. (T.T.V, nam, 40 tuổi).

96

Trang phục trong đám cưới cũng có sự thay đổi, trước đây, đoàn đón dâu phải mặc trang phục truyền thống (áo đen quần trắng), cô dâu mặc bộ quần áo được thêu một cách tỉ mỉ, đầu đội mũ bồ đài. Hiện nay, ở một số đám cưới, cô dâu chú rể vẫn mặc bộ quần áo truyền thống trong ngày đại lễ (khi đưa đón dâu và làm lễ tổ tiên), còn bộ quần áo cưới hiện đại họ chỉ sử dụng khi đi chụp ảnh trước ngày cưới. Tuy nhiên, ở một số đám cưới không còn thấy bộ quần áo truyền thống nữa, chú rể vận âu phục, cô dâu mặc đầm tây còn đoàn đưa đón dâu thì tùy vào khả năng kinh tế và gam thẩm mĩ của mình mà mạnh ai nấy diện.

“Thực ra, em thấy mặc bộ quần áo truyền thống cũng đẹp và lại phù hợp với phong tục nhưng để chuẩn bị bọ đồ đó tốn thời gian lắm, thêu tay phải mất mấy tháng. Bây giờ bọn em chỉ mặc bộ quần áo truyền thống khi đi chụp ảnh (trước đám cưới) và khi làm lễ trình tổ tiên thôi, còn khi tiếp khách và đưa đón dâu thì mặc quần áo thuê ở ngoài phố” (Nữ, 23 tuổi).

“Hôm tổ chức đám cưới chúng em vẫn mặc quần áo truyền thống, em chỉ mặc quần áo thuê (quần áo tây) hôm đi chụp ảnh thôi”. (Nam, 24 tuổi).

Hậu cần cũng là vấn đề lớn trong đám cưới. Trước đây, để cưới vợ cho con, gia đình nhà trai phải chuẩn bị lương thực thực phẩm hàng năm thậm chí nhiều năm. Trong 3 ngày 2 đêm diễn ra lễ cưới có tới 5 đến 6 bữa tiệc tiêu tốn hàng trăm lít rượu, hàng trăm kg thịt lợn, ngoài ra còn lương thực cùng các thứ khác là gánh nặng cho không ít gia đình. Tình trạng này ngày nay đã được giảm đi đáng kể. Trong đám cưới vẫn tổ chức liên hoan đối với họ hàng và bạn bè thân quen nhưng đã được làm gọn nhẹ, mời theo giờ và ăn theo bữa chứ không còn tổ chức ăn uống thâu đêm suốt sáng như ngày xưa nữa.

Có một điều đáng tiếc là hiện nay, ở các đám cưới không còn các điệu “hát đối xin dâu” – một nét đặc sắc trong đám cưới truyền thống và thay vào đó là các làn điệu “xập xình” được phát ra từ các loa công suất lớn đã làm mất đi nét văn hóa đặc trưng của tộc người.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những biến đổi trong cưới xin của đồng bào trong đó có các nguyên nhân chính sau: Trước hết, từ sau Đổi mới đến nay, đời sống của đồng bào đã được nâng cao hơn, trình độ dân trí cũng được cải thiện đáng kể; Thứ hai, do hiệu quả của cuộc vận động toàn dân xây dựng đời sống văn hóa mới; Bên cạnh đó là do sự mở rộng quan hệ giao lưu với các dân

97

tộc trong vùng. Những nguyên nhân đó đã tác động đến nhận thức của đồng bào nên nhiều hủ tục đã được hạn chế và thay thế bằng các yếu tố tiến bộ.

Sự biến đổi các phong tục, nghi lễ trong cưới xin theo chiều hướng gọn nhẹ đã tiết kiệm được thời gian, tiền bạc và công sức của các gia đình. Tuy nhiên, sự biến đổi này cũng làm mất đi một số giá trị văn hóa truyền thống như bộ trang phục cưới truyền thống đang dần mất đi, những bài hát đối của nam nữ thanh niên cũng đang bị mai một. Đây là vẫn đề đặt ra với những người làm công tác văn hóa để làm sao cho đám cưới vẫn được diễn ra một cách vui vẻ, tiến bộ, tiết kiệm nhưng đảm bảo các giá trị văn hóa đặc sắc không bị mất đi.

Một phần của tài liệu Biến đổi gia đình người Dao quần trắng ở Xã Tân Hương, Huyện Yên Bình, Tỉnh Yên Bái (Trang 93 - 97)