Lãi suất tiền gửi chính là động lực chính thu hút khách hàng vào gửi tiền ở ngân hàng. Lãi suất cho vay là chi phí khách hàng phải trả cho việc được sử dụng vốn của ngân hàng. Chính tiền lãi thu được từ các khoản cho vay là thu nhập chính
của ngân hàng. Để khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trong những năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên thay đổi lãi suất và các ngân hàng thương mại có xu hướng giảm lãi suất cho vay để thu hút thêm khách hàng. Doanh nghiệp có xu hướng tìm đến những ngân hàng có lãi suất thấp để tiết kiệm chi phí vốn. Vì vậy để thu hút khách hàng về phía mình, ngân hàng cần có một chính sách lãi suất hợp lí, vận dụng linh hoạt chính sách lãi suất nhằm mục tiêu cạnh tranh được với các ngân hàng khác nhưng vẫn đảm bảo hoạt động kinh doanh của ngân hàng có lãi.
Hiện nay, ngân hàng thương mại cổ phần Liên Việt đang thực thi mức lãi suất dựa trên lãi suất cơ bản do thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định. Tuỳ theo điều kiện kinh doanh cụ thể, sự biến động của thị trường mà ngân hàng Liên Việt đưa ra các mức lãi suất phù hợp. Nhìn chung lãi suất cho vay của ngân hàng Liên Việt so với các ngân hàng khác là không cao, có thể nói là thấp và luôn hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn.
Tuy nhiên, để huy động tiền gửi, ngân hàng đã bỏ ra chi phí trong khi không thể tăng lãi suất cho vay. Để tránh ứ đọng vốn, tăng nguồn thu để trả lãi tiền gửi cho khách hàng đến gửi tiền thì ngân hàng cần phải mở rộng hoạt động cho vay. Điều này đặt ra không ít khó khăn cho các ngân hàng thương mại nói chung cũng như ngân hàng Liên Việt nói riêng. Vì vậy để ngân hàng hoạt động có lợi nhuận thì một trong những giải pháp là ngân hàng phải đa dạng hoá các mức lãi suất cho vay phù hợp dựa trên cơ sở đảm bảo chi phí để bù dắp một phần rủi ro có thể xảy ra. Bên cạnh đó các mức lãi suất phải phù hợp với từng ngành nghề kinh doanh, tình hình sản xuất của các doanh nghiệp.
Muốn đưa ra được một lãi suất hợp lý, ngân hàng cần có hệ thống thông tin tín dụng hoạt động hiệu quả, theo sát diễn biến tình hình kinh tế xã hội trong nước, ngoài nước để thích ứng và điều chỉnh, thực hiện tốt công tác dự báo, liên kết với thành viên trong Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam xây dựng khung lãi suất thống nhất, ổn định lãi suất.
Áp dụng chính sách lãi suất thả nổi cũng là một giải pháp. Ngân hàng sẽ thay đổi lãi suất mỗi kì hạn hai tháng, ba tháng, sáu tháng, mười hai tháng bằng lãi suất tiết kiệm mười hai tháng cộng với biên độ hợp lý để đảm bảo hạn chế tối đa rủi ro
và khách hàng có thể chấp nhận được. Lãi suất thả nổi sẽ hỗ trợ khách hàng giảm bớt rủi ro trong trường hợp lãi suất thị trường biến động quá mạnh.