Nghiệp vụ ngân hàng ngày càng phát triển đòi hỏi chất lượng đội ngũ cán bộ nhân viên ngày càng cao nhằm đáp ứng yêu cầu sử dụng những phương tiện hiện đại, phù hợp với sự phát triển của ngân hàng trong nền kinh tế thị trường. Việc lựa chọn nhân sự phải đảm bảo cả về đạo đức và chuyên môn nghiệp vụ.
Trình độ chuyên môn nghiệp vụ cán bộ ở các chi nhánh cần được bồi dưỡng thường xuyên, liên tục. Hội sở cần tăng cường hơn nữa việc đề ra kế hoạch đào tạo cụ thể trong mỗi năm và các chi nhánh bắt buộc phải thực thi.
Khi áp dụng những phương thức cho vay mới cần mời giảng viên về giảng dạy quy trình nghiệp vụ, cách thức tiến hành, nêu lên những kinh nghiệm của các đơn vị hay là của các ngân hàng nước ngoài.
Nâng cao hơn nữa kỹ năng giao tiếp của cán bộ. Đây là một kỹ năng rất cần thiết với một cán bộ tín dụng vì họ là người tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Cán bộ tín dụng phải khéo léo trong việc đàm phán, thương lượng với khách hàng về các điều kiện vay vốn làm sao đảm bảo được lợi ích của ngân hàng nhưng vẫn thu hút được khách hàng.
Để tạo động lực cho cán bộ ngân hàng say mê trong công tác thì ngân hàng cần chú trọng hơn nữa chế độ thưởng phạt công minh.
- Đào tạo cán bộ làm nghiệp vụ cho vay. Có 2 loại cán bộ làm nghiệp vụ cho vay:
- Cán bộ nghiệp vụ cho vay các doanh nghiệp nhỏ, vừa, doanh nghiệp tư nhân và cho vay vốn ngắn hạn nói chung: đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho vay thông thường.
- Riêng đối với cán bộ nghiệp vụ cho vay vốn dài hạn: đào tạo thêm nghiệp vụ thẩm định.
Có hiểu biết về quy trình, biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ thẩm định khách hàng và đánh giá một dự án, một món vay.
Biết thu thập, xử lý các thông tin cần thiết phục vụ cho việc đánh giá.
Nắm vững chủ trương chính sách phát triển kinh tế xã hội của đất nước, của ngành, của địa phương có liên quan đến dự án và doanh nghiệp.
Có hiểu biết nhất định về pháp luật.
Nắm bắt được tình hình kinh tế, xã hội của thế giới, của nước có liên quan đến dự án và sản phẩm.
Nắm được cơ bản tình hình thị trường sản phẩm của doanh nghiệp, của dự án.
Cán bộ thẩm định còn cần một đức tính là trung thực, có bản lĩnh và có phong cách làm việc khẩn trương, khoa học.
KẾT LUẬN
Như vậy sau hai năm hoạt động, ngân hàng thương mại cổ phần Liên Việt đã phần nào khẳng định tên tuổi của mình trên thị trường bằng tốc độ tăng trưởng khá nhanh và những hoạt động xã hội tích cực. Ra đời trong thời gian nền kinh tế đang bị ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, ngân hàng Liên Việt không những tồn tại mà còn tăng trưởng với tốc độ như vậy là một dấu hiệu đáng mừng và cho thấy tiềm năng phát triển của ngân hàng trong thời gian tới.
Hoạt động cho vay ở ngân hàng thương mại cổ phần Liên Việt tuy đã đạt những kết quả nhất định như tốc độ tăng trưởng dư nợ nhanh, hình thức cho vay ngày càng phong phú, quy trình cho vay từng bước được cải thiện theo hướng thuận tiện cho khách hàng. Lợi nhuận mang lại từ hoạt động cho vay luôn chiếm phần lớn trong cơ cấu lợi nhuận của ngân hàng. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đạt được cũng không tránh khỏi hạn chế như tỉ trọng dư nợ từ hoạt động cho vay trong năm 2009 thấp hơn năm 2008, các hình thức huy động vốn còn chưa phong phú,... Điều này cho thấy việc mở rộng cho vay của ngân hàng Liên Việt chưa được chú trọng đúng mức. Thêm vào đó hoạt động cho vay cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi những nhân tố chủ quan cũng như khách quan từ phía thị trường.
Từ thực trạng đó, một số giải pháp đã được đề cập đến trong đề tài nhằm đóng góp ý kiến trong việc mở rộng cho vay tại ngân hàng thương mại cổ phần Liên Việt. Các giải pháp chính được nêu ra gồm tăng cường công tác huy động vốn với những hình thức huy động đa dạng, hoàn thiện nghiệp vụ cho vay, mở rộng đối tượng khách hàng, đa dạng hoá hình thức cho vay, chú trọng mở rộng cho vay tiêu dùng, quản lý rủi ro có hiệu quả… Để thực hiện những giải pháp đó ngân hàng cần có kế hoạch và chính sách cụ thể, từ đó mở rộng cho vay nhằm tăng lợi nhuận cũng như vị thế của ngân hàng trên thị trường.