Cần tiếp tục làm tốt việc phân loại và tích cực xử lý nợ

Một phần của tài liệu luận văn tài chính ngân hàng Mở rộng cho vay tại ngân hàng thương mại cổ phần Liên Việt (Trang 66 - 67)

Hiện tại do dư nợ cho vay chưa lớn nên tỉ lệ nợ xấu vẫn còn ở mức thấp. Tuy rằng không thể phủ nhận những nỗ lực của ngân hàng trong lĩnh vực phân loại và xử lý nợ nhưng một khi hoạt động cho vay được mở rộng, rủi ro sẽ ngày càng tăng. Do đó đối với công tác phân loại nợ và xử lý nợ luôn phải chú trọng làm tốt. Đối với những loại nợ do nhiều nguyên nhân khác nhau cần có những biện pháp xử lý khác nhau:

Nợ quá hạn do nguyên nhân vi phạm quy chế tín dụng

Dù là vi phạm từ phía ngân hàng hay phía khách hàng, nếu đã được xác định rõ trách nhiệm và khách hàng còn có thể thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì giải pháp là dùng mọi biện pháp để tận thu, gồm cưỡng chế, quy trách nhiệm và nếu cần thiết phải khởi tố trước pháp luật. Số nợ còn đọng lại lập hồ sơ có phân loại nguyên nhân để gửi lên Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính để kiểm tra và có giải pháp xử lý tiếp về việc tìm nguồn bù đắp.

Nợ quá hạn do nguyên nhân rủi ro ngoài khả năng kiểm soát

Tổng hợp phân loại nợ quá hạn theo nguyên nhân khách quan bao gồm ba nhóm chính:

- Nhóm nguyên nhân bất khả kháng

Nhóm này gồm các nguyên nhân do thiên tai: khách nợ bị tuyên bố phá sản, giải thể hoặc khách hàng đã chết, mất tích... không còn khả năng trả nợ. Đối với những khoản nợ thuộc các nguyên nhân này, sau khi Ban thanh tra công nợ và các

bên có liên quan đã tiến hành các thủ tục tận thu theo luật định, số còn lại về nguyên tắc có hai nguồn bù đắp chính để thanh lý nợ đọng cho ngân hàng đó là ngân sách Nhà nước và quỹ dự phòng rủi ro của chính ngân hàng bị rủi ro.

- Nhóm nguyên nhân khách quan nhưng chưa phải là bất khả kháng được xét để cơ cấu lại nợ hoặc thay đổi hợp đồng tín dụng gồm:

- Nhóm nợ quá hạn được xét cho khoanh nợ từ 3 đến 5 năm: khách nợ là doanh nghiệp Nhà nước chưa trả được nợ vay ngân hàng do chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi sự thay đổi cơ chế, chính sách và môi trường kinh doanh; do sắp xếp lại doanh nghiệp; do ngân hàng cho vay theo chỉ định của cấp trên...

- Nhóm nợ quá hạn được xét cho giãn nợ từ 3 đến 5 năm: khách nợ là doanh nghiệp Nhà nước chưa có khả năng trả nợ cho ngân hàng do kinh doanh thua lỗ, mất thời cơ tiêu thụ hàng hoá hoặc thời kỳ phát huy hiệu quả dự án sản xuất chưa tới, do nhu cầu nền kinh tế và hướng phát triển trong tương lai mà doanh nghiệp đó cần tiếp tục được tồn tại. Đây là khoản nợ được Hội đồng thẩm định cùng chủ nợ xét cho cơ cấu lại nợ: biến nợ thời hạn ngắn thành thời hạn nợ dài hơn, biến nợ quá hạn thành nợ trong hạn và khách nợ vẫn phải trả lãi tiền vay trong suốt thời gian chưa đáo hạn của hợp đồng tín dụng.

- Nhóm nguyên nhân do chưa phát mại được tài sản cầm cố, thế chấp

Đây là các khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản cầm cố, thế chấp đã quá hạn, ngân hàng đã phong toả tài sản cầm cố, thế chấp nhưng chưa phát mại được do rất nhiều nguyên nhân như do tính chất phức tạp về quyền sở hữu của tài sản thế chấp, tính chất kém chuyển đổi giá trị của tài sản hoặc tài sản đang bị niêm phong chờ xử lý của toà án v.v... Về nguyên tắc, nguồn để bù đắp các khoản nợ này hiện đang nằm trong chính giá trị tài sản thế chấp mà ngân hàng đang quản lý. Để giải quyết những món nợ thuộc loại này cần có cơ chế và giải pháp dứt khoát trong thời gian nhanh nhất có thể của Nhà nước để giúp các ngân hàng thương mại thu hồi nhanh giá trị tài sản cầm cố.

Một phần của tài liệu luận văn tài chính ngân hàng Mở rộng cho vay tại ngân hàng thương mại cổ phần Liên Việt (Trang 66 - 67)