YÊU CẦU KHÁCH QUAN CỦA VIỆC NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO CÔNG CHỨC CẤP XÃ TRONG

Một phần của tài liệu Phổ biến, giáo dục pháp luật cho công chức cấp xã - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 71 - 76)

TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO CÔNG CHỨC CẤP XÃ TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã khẳng định nguyên tắc Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh đó, quản lý xã hội bằng pháp luật là yêu cầu tất yếu khách quan trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Nâng cao dân trí pháp lý, hiểu biết pháp luật và thái độ xử sự theo pháp luật của các đối tượng trong xã hội là yêu cầu quan trọng của Nhà nước. Yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đòi hỏi công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phải được tăng cường thường xuyên, liên tục và ở tầm cao hơn, cần thiết phải được tiến hành toàn diện, rộng khắp đối với mọi đối tượng trong xã hội nhằm xây dựng môi trường trong đó mọi người đều hiểu biết và tôn trọng, thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay, pháp luật giữ một vị trí tối thượng và đặc biệt quan trọng. Muốn hệ thống pháp luật hoàn thiện và có hiệu lực trên thực tế, muốn tạo lập mối quan hệ hài hoà giữa nhà nước và công dân, các quyền tự do, dân chủ được bảo đảm, bộ máy nhà nước được tổ chức và vận hành một cách có hiệu quả, thì điều kiện tiên quyết là phải có sự hiện diện của pháp luật ở mọi nơi, văn hoá pháp lý của cán bộ, công chức và nhân dân phải cao. Điều đó có nghĩa là phải tiến hành phổ biến, giáo dục pháp luật. Tuy nhiên, để công tác phổ biến, giáo dục

pháp luật ngày càng có hiệu quả, đáp ứng được các điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì phổ biến, giáo dục pháp luật phải không ngừng được hoàn thiện, không ngừng được đổi mới. Vấn đề đặt ra là Nhà nước ta thi hành các văn bản pháp luật đó như thế nào? Việc áp dụng pháp luật thống nhất, nghiêm minh và công bằng là điều kiện rất quan trọng để mọi người có niềm tin vào pháp luật, từ đó mới củng cố thái độ và ý thức chấp hành pháp luật. Pháp luật phải trải qua nhiều hình thức khác nhau mới đến được với người dân và trở thành sự hiểu biết về pháp luật, trở thành tri thức pháp luật, trong đó, việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho công chức cấp xã để chính đội ngũ công chức này tiến hành tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân trên địa bàn là đặc biệt quan trọng.

Trước một khối lượng văn bản đồ sộ như hiện nay thì không thể chuyển tải toàn bộ các quy định đến với mỗi công dân mà phải có cách thức và phương pháp phù hợp. Mục tiêu phải xác định lâu dài là xây dựng ý thức, lối sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, tạo nền tảng cho nền văn hoá pháp lý phát triển ở Việt Nam chứ không đơn thuần chỉ chuyển tải thật nhiều pháp luật đến với người dân.

Với mục tiêu đó, yêu cầu chung đặt ra đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho mọi đối tượng là:

- Thực hiện thường xuyên, liên tục, rộng khắp và kịp thời, đầy đủ những nội dung pháp luật liên quan; chú trọng phổ biến các quy định pháp luật cụ thể để nâng cao tính hướng dẫn thực hiện.

- Sử dụng, khai thác hiệu quả các hình thức, phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật đang phát huy tác dụng với sự đổi mới trong phương thức thực hiện, đảm bảo tính phù hợp, khả thi, kết hợp phổ biến, giáo dục pháp luật đại trà trên diện rộng với tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải, giải quyết tranh chấp, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật trong

từng vụ việc cụ thể; từng bước ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội trong từng thời kỳ, từng địa bàn và từng đối tượng cụ thể.

- Lồng ghép hợp lý và hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật trong thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; gắn chặt hơn nữa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng; gắn với hoạt động xây dựng và hoàn thiện pháp luật, công tác thi hành pháp luật, xử lý vi phạm pháp luật và thực hiện dân chủ ở xã. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã khẳng định: "Phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững kỷ luật, kỷ cương, tăng cường pháp chế, quản lý xã hội bằng pháp luật, tuyên truyền, giáo dục toàn dân, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật" [19].

- Việc phổ biến, giáo dục pháp luật phải đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế, thể hiện sự tôn trọng và quyết tâm thực hiện các cam kết quốc tế mà Nhà nước ta đã đưa ra khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong việc công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách của Nhà nước để các cơ quan chính quyền cấp xã, tổ chức, cá nhân đều có quyền và được tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận thông tin về chính sách, pháp luật.

Đối với đội ngũ công chức cấp xã, yêu cầu phổ biến, giáo dục pháp luật càng đặt ra cấp thiết hơn vì bản thân họ là đối tượng giáo dục pháp luật của nhà nước, nhưng họ cũng chính là người sẽ tham gia tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho các nhân dân và các đối tượng khác trên địa bàn cấp xã. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã đặt ra nhiệm vụ: "Đổi mới và hoàn thiện quy trình xây dựng luật, ban hành và thực thi pháp luật, trong đó chú trọng việc tuyên truyền giáo dục pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật một cách nghiêm minh" [19. tr. 329-330]. Trong đội ngũ công chức cấp xã,

nhu cầu về pháp luật khác nhau xuất phát từ vị trí, vai trò, tính chất công việc, trình độ nhận thức của mỗi nhóm công chức. Đánh giá về đội ngũ cán bộ viên chức nhà nước trong những năm qua, Đảng ta đã chỉ rõ: "Đội ngũ cán bộ, viên chức nhà nước ít được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức pháp luật và nghiệp vụ, thiếu kiến thức về tổ chức và quản lý nhà nước" [22, tr. 25]. Với thực trạng đó, cần đặt ra những yêu cầu nhất định về sự hiểu biết cũng như ý thức pháp luật đối với mỗi nhóm công chức cấp xã.

- Đối với công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã

Đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho công chức cấp xã, họ là cán bộ chuyên trách công tác này và là người lập kế hoạch, tổ chức thực hiện kế hoạch, giúp lãnh đạo chính quyền cơ sở tổ chức phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho công chức cấp xã và các đối tượng trên địa bàn xã. Bản thân họ là đối tượng phổ biến, giáo dục pháp luật của nhà nước, nhưng họ cũng chính là người sẽ tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng khác, thậm chí họ có thể là chủ thể trong phổ biến, giáo dục pháp luật đối với đội ngũ công chức cấp xã khác. Vì vậy, công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã cần phải được thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kiến thức pháp luật.

Do đặc thù công việc của công chức này trong hoạt động tư pháp nên nhìn chung họ đã có một trình độ pháp lý nhất định. Chính vì vậy, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với đối tượng này đòi hỏi cao hơn so với các đối tượng công chức cấp xã khác. Ngoài yêu cầu xây dựng và hình thành văn hóa pháp lý cho đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã còn phải cung cấp lượng kiến thức pháp luật sao cho trình độ pháp lý của họ được nâng lên, có trình độ chuyên sâu hơn về nhiều lĩnh vực so với công chức cấp xã khác và yêu cầu cần phải coi trình độ pháp luật là một trong những tiêu chí bắt buộc trong tiêu chuẩn công chức.

- Đối với các nhóm công chức cấp xã khác

Đội ngũ công chức cấp xã khác đóng vai trò quan trọng trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, họ vừa là những người giúp cho Ủy ban nhân dân cùng cấp có được những chủ trương, quyết sách đúng trong quản lý nhà nước ở địa phương, cũng vừa là đối tượng tham gia nhiều quan hệ pháp luật, chủ yếu là quan hệ phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Do đặc thù công việc nên đặc điểm chung của nhóm đối tượng này là họ cần có kiến thức pháp luật chung cơ bản phù hợp với chức trách đang đảm nhận để một mặt đảm bảo hiểu đúng và thực hiện tốt quy định của pháp luật, một mặt khác phải đảm bảo phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc lĩnh vực công việc của mình cho các đối tượng người dân có liên quan. Do vậy, việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng này đòi hỏi ở mức độ tương đối cao so với người dân, ngoài yêu cầu phải xây dựng và hình thành văn hóa pháp lý cho họ, còn phải cung cấp lượng kiến thức pháp luật nhất định sao cho trình độ pháp lý của họ được nâng lên. Với đối tượng này, cần phải coi trình độ pháp luật là một trong những tiêu chí bắt buộc trong điều kiện về hiểu biết.

Chính vì vậy, nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật bao gồm: Kiến thức cơ bản về nhà nước - pháp luật, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước; hệ thống pháp luật hiện hành, áp dụng và thực hiện pháp luật... các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; các trình tự, thủ tục pháp luật quy định để bảo vệ quyền và lợi ích của công dân; một số luật thực định liên quan đến hoạt động của cán bộ, công chức như các bộ luật, các đạo luật quan trọng, liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Bộ luật Lao động, Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Hôn nhân và gia đình, cập nhật những thông tin pháp luật mới ban hành chưa được biên soạn trong giáo trình...

Một phần của tài liệu Phổ biến, giáo dục pháp luật cho công chức cấp xã - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 71 - 76)