phần yêu cầu của việc tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật. Tuy nhiên, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở chính quyền địa phương vẫn chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục, chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Nhiều cấp ủy Đảng và chính quyền cơ sở chưa quan tâm đúng mức đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho công chức cấp xã, chưa có chỉ đạo cụ thể, mà phó mặc cho đội ngũ công chức này tự tổ chức thực hiện. Tình trạng thiếu sự quan tâm nêu trên diễn ra ở hầu hết các xã của các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, thậm chí cấp ủy Đảng và chính quyền một số xã không có văn bản chỉ đạo nào về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho công chức cấp xã trong vòng 5 năm trở lại đây [5].
Bên cạnh vai trò của cấp ủy Đảng và chính quyền cơ sở trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho công chức cấp xã, các cơ quan, đoàn thể, cơ quan thông tin đại chúng trong hệ thống chính trị của chính quyền cơ sở cũng thực hiện một số hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng của tổ chức mình và công chức cấp xã. Tuy nhiên, hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật cho công chức cấp xã vẫn còn những hạn chế vì việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật của các cơ quan này chủ yếu nhằm vào đối tượng do mình quản lý, tính chuyên nghiệp chưa cao, nội dung phổ biến chưa đáp ứng nhu cầu của công chức cấp xã.
2.2.2. Cơ quan và công chức chuyên trách phổ biến, giáo dục pháp luật cho công chức cấp xã luật cho công chức cấp xã
Theo quy định của pháp luật, cơ quan chuyên trách về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được thành lập ở cấp Trung ương là Bộ Tư pháp, ở cấp tỉnh là Sở Tư pháp, ở cấp huyện là Phòng Tư pháp và ở cấp xã chính là đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch. Các cơ quan tư pháp từ Trung ương đến
cơ sở có chức năng quản lý nhà nước thống nhất về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, ở cấp tỉnh và cấp huyện thì Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp là cơ quan chuyên môn có nhiệm vụ tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp xây dựng kế hoạch và tổ chức phối hợp thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật; ở cấp xã thì công chức Tư pháp - Hộ tịch có nhiệm vụ tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp xã xây dựng kế hoạch và tổ chức phối hợp thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật.
Đánh giá trong 10 năm qua, việc xây dựng và kiện toàn tổ chức làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã có một bước tiến đáng kể, đã hình thành, củng cố và phát triển được một hệ thống các cơ quan, tổ chức trực tiếp thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng hoạt động chuyên nghiệp hơn. Điểm nổi bật trong kiện toàn tổ chức và củng cố nguồn nhân lực làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương là việc đã thành lập Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc Sở Tư pháp. Tính đến năm 2008, tất cả các Sở Tư pháp trên phạm vi toàn quốc đều đã thành lập Phòng phổ biến, giáo dục pháp luật. Nhiều Sở, ban, ngành cấp tỉnh thành lập phòng pháp chế hoặc bố trí cán bộ pháp chế thực hiện nhiệm vụ về xây dựng pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật. Hầu hết, các đơn vị cấp huyện trong cả nước đã thành lập Phòng Tư pháp, trong đó có thực hiện chức năng, nhiệm vụ về phổ biến, giáo dục pháp luật [3].
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của hệ thống cơ quan chuyên môn và công chức chuyên trách làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, thời gian qua các cơ quan, công chức thực hiện nhiệm vụ này đã quan tâm tới việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho công chức cấp xã. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà đội ngũ công chức cấp xã vẫn chưa được phổ biến, giáo dục pháp luật một cách thường xuyên, liên tục và chưa trúng những vấn đề họ cần, đặc biệt ở các xã thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn thì tình trạng này vẫn còn diễn ra khá nhiều.