NHỮNG HẠN CHẾ, TỒN TẠI VÀ NGUYÊN NHÂN 1 Những hạn chế, tồn tạ

Một phần của tài liệu Phổ biến, giáo dục pháp luật cho công chức cấp xã - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 65 - 68)

2.3.1. Những hạn chế, tồn tại

- Về nhận thức của các cấp, các ngành: Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở một số nơi chưa được quan tâm thực sự. Mặc dù Chỉ thị số 32- CT/TW đã xác định rõ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là bộ phận quan trọng của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là trách nhiệm của các ngành, các cấp nhưng đến nay việc chỉ đạo, lãnh đạo công tác này của cấp uỷ và chính quyền một số nơi chưa sát sao, chưa gắn kết chặt chẽ hoạt động chuyên môn với tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật ở nhiều Bộ, ngành mới chủ yếu tập trung vào việc tổ chức hội nghị giới thiệu văn bản trong nội bộ cơ quan mà chưa có sự hướng dẫn, chỉ đạo theo ngành dọc cho công chức cấp xã. Một số bộ, ngành ở Trung ương và các sở ban, ngành địa phương chưa hoàn toàn coi công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho công chức cấp xã cũng là nhiệm vụ chính trị, công tác chuyên môn của mình, thiếu sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan trong công tác này.

- Về tổ chức công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho công chức cấp xã: Xét về tổng thể, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian qua ở một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn mang tính thời sự, phong trào, chưa đi sâu phân tích, giải thích một cách cụ thể những nội dung chủ yếu công chức cấp xã cần tìm hiểu, chưa xuất phát từ nhu cầu bức xúc của đối tượng này và chưa mang tính giải đáp pháp luật từ những vụ việc thực tế. Mặt khác, việc phổ biến, giáo dục pháp luật hiện nay thường tập trung vào các bộ luật, luật, pháp lệnh, chưa chú trọng tuyên truyền các văn bản dưới luật. Đồng thời, phần văn bản quy phạm pháp luật do chính quyền địa phương ban hành, liên quan trực tiếp với từng địa phương cũng chưa được quan tâm phổ biến.

- Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật cho công chức cấp xã tuy có nhiều đổi mới song vẫn chưa theo kịp tình hình thực tiễn, nhất là cấp cơ sở.

Một số nơi còn nặng về hình thức, chưa chú trọng tới hiệu quả. Tuyên truyền miệng là hình thức chủ đạo song phương pháp vẫn chưa thực sự được đổi mới; phần trao đổi, giải đáp pháp luật, thông tin hai chiều chưa thực hiện được nhiều. Thời lượng và chất lượng phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho công chức cấp xã nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Tài liệu pháp luật tuy đã được biên soạn dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng số lượng phát hành còn hạn chế nên chưa đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu pháp luật của công chức cấp xã.

Một số hình thức, biện pháp truyền thống có ưu thế chưa được phát huy tối đa. Các biện pháp và hình thức tuyên truyền mới (điều tra thăm dò dư luận xã hội, ký cam kết không vi phạm pháp luật, Ngày pháp luật, tuyên truyền qua tổ cán bộ nòng cốt, định kỳ phổ biến, giáo dục pháp luật tại thôn, làng, bản, tổ dân phố...) chưa được tổng kết, đánh giá thường xuyên để hướng dẫn nhân rộng. Một số địa phương còn thiếu linh hoạt trong lựa chọn hình thức, biện pháp tuyên truyền phù hợp với trình độ của công chức cấp xã được tuyên truyền và đặc thù của địa bàn.

- Nguồn nhân lực hiện có của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho công chức cấp xã còn nhiều điểm bất cập, chưa ngang tầm nhiệm vụ và đáp ứng được đòi hỏi mới của xã hội và đất nước. Đa số những người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tuy được đào tạo chuyên môn về pháp luật hoặc một chuyên ngành khác nhưng chưa được đào tạo bài bản về nghiệp vụ, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật và tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Lực lượng làm công tác này tuy đông về số lượng nhưng lại phân tán; số người chuyên trách không nhiều, chủ yếu là những người làm kiêm nhiệm; tính chuyên nghiệp trong phổ biến, giáo dục pháp luật của công chức chuyên trách làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn yếu. Bên cạnh đó, thiếu một cơ chế đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch lâu dài

nguồn nhân lực cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với công chức cấp xã. Nguồn lực đầu tư cho công tác này chưa tương xứng với yêu cầu, sự đầu tư của Nhà nước chưa đáp ứng được thực tiễn của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chưa tạo ra cơ chế tốt để thu hút các nguồn lực xã hội tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho công chức cấp xã.

- Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp chưa thực sự tạo được bước đột phá, tạo cơ chế hữu hiệu để các cấp, các ngành có chương trình hoạt động cụ thể, biến nhận thức về tầm quan trọng của công tác này thành hoạt động thiết thực nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho công chức cấp xã. Hoạt động của Hội đồng chưa nhạy bén, chưa theo sát được yêu cầu, đòi hỏi của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong từng thời kỳ. Trong hoạt động còn thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa các Ban và giữa các thành viên Hội đồng. Hội đồng của một số Bộ, ngành, địa phương hoạt động còn mang tính hình thức, chưa thực sự phát huy được vai trò phối hợp để thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho công chức cấp xã. Trách nhiệm của từng ban, từng thành viên chưa được phát huy một cách đồng đều, một số thành viên còn thiếu tính tích cực, chủ động trong triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.

- Về hệ thống pháp luật: Trong thời gian qua, hệ thống pháp luật đã không ngừng phát triển và hoàn thiện, thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công chức cấp xã và chính quyền cơ sở, góp phần vào việc ổn định xã hội, tăng trưởng kinh tế và quan trọng hơn là tạo tiền đề cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật.

Tuy vậy, hệ thống pháp luật hiện hành vẫn còn nhiều hạn chế. Số lượng các văn bản pháp luật đồ sộ, tồn tại ở quá nhiều lĩnh vực khác nhau; một số văn bản còn mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu minh bạch, thiếu tính khả thi; tính ổn định của hệ thống quy phạm pháp luật còn yếu. Sự hạn chế này

của hệ thống pháp luật đã làm giảm hiệu lực của pháp luật trong cuộc sống, ảnh hưởng không nhỏ tới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho công chức cấp xã và thực thi pháp luật của đội ngũ công chức này.

- Về tổ chức thực hiện pháp luật: Việc tổ chức thực hiện pháp luật của công chức cấp xã nhiều nơi còn thiếu chặt chẽ. Ở một số không ít công chức cấp xã có nhận thức pháp luật chưa đi đôi với hành động. Một số người lợi dụng kẽ hở của luật pháp để tổ chức các hoạt động nhằm trục lợi cá nhân. Bên cạnh đó, việc xử lý một số vụ việc vi phạm pháp luật, đặc biệt là một số vụ việc liên quan đến công chức cấp xã không nghiêm minh, thiếu chính xác đã ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của nhân dân đối với những gì được tuyên truyền, phổ biến về bản chất, vai trò và các giá trị của pháp luật.

- Về nguồn lực đầu tư cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật: Cơ sở vật chất, phương tiện làm việc dành cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho công chức cấp xã chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, nhất là ở những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Do chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng và đủ mạnh nên địa phương nào quan tâm đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thì dự trù hoặc cấp kinh phí phù hợp cho công tác này và ngược lại, dẫn đến sự không đồng đều trong mặt bằng phổ biến, giáo dục pháp luật ở các bộ, ngành, địa phương.

Một phần của tài liệu Phổ biến, giáo dục pháp luật cho công chức cấp xã - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 65 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)