Căn cứ để tưới nước

Một phần của tài liệu giáo trình trồng hành (Trang 25 - 27)

3. Tưới nước cho hành

3.1.Căn cứ để tưới nước

3.1.1. Nhu cầu nước của cây

* Khái niệm về nhu cầu nước của cây:

Nhu cầu nước là mức nước cần thiết để bù lại lượng nước cây trồng mất đi do sự bốc, thoát hơi trong điều kiện cây trồng sinh trưởng bình thường.

* Nhận biết triệu chứng thiếu, thừa nước đối với cây hành

- Thiếu nước: cây sinh trưởng, phát triển kém, lá bị héo, nếu thiếu nước lâu ngày cây có thể bị chết.

- Thừa nước: lá vàng, sau đó thối rụng

3.1.2. Xác định thời điểm tưới

Mỗi thời kỳ sinh trưởng của cây đều yêu cầu một giới hạn ẩm độ nhất định, khi điều kiện tự nhiên không đảm bảo ẩm độ đó ta cần phải tưới bổ sung. Do vậy nếu xác định đúng thời điểm tưới cho cây trồng có một ý nghĩa rất lớn cho sinh trưởng, phát triển của cây và nâng cao hiệu quả của việc tưới nước cho cây hành.

Hiện nay có nhiều phương pháp xác định thời điểm tưới như là:

* Phương pháp xác định tưới theo ẩm độ đất:

- Phương pháp xác định tưới theo ẩm độ đất là phương pháp rất phổ biến và được áp dụng rộng rãi trong thực tế.

- Căn cứ vào ẩm độ đất: theo dõi định kỳ khi đất khô hạn (độ ẩm dưới 60% độ ẩm tối đa đồng ruộng) thì cần phải tưới cho hành.

* Phương pháp xác định tưới theo thời gian sinh trưởng của cây

Đây là phương pháp được sử dụng rộng rãi

+ Dựa vào thời vụ trồng hành được xác định và điều kiện thời tiết của vùng. Ví dụ: Vụ đông cây hành thường thiếu nước, cây dễ bị hạn ở thời kỳ đầu, nhưng thời kỳ này cây hành cũng không cần nhiều nước, nên chỉ cần cung cấp nước đủ ẩm (độ ẩm đất khoảng 65 – 70%) cho cây là được.

Cây hành vụ đông dễ bị thiếu nước, do đó cần có chế độ tưới nước hợp lý để nâng cao năng suất.

Qua đó xác định thời gian cần tưới và số lần cần tưới qua các giai đoạn sinh trưởng của cây.

Trước khi thu hoạch 3 – 4 tuần ngừng tưới nước để tăng cường quá trình tích lũy chất khô vào cơ quan sử dụng.

3.1.3. Xác định phương pháp tưới

* Phương pháp tưới: là cách đưa nước vào ruộng để biến nước đó thành nước

cung cấp cho cây trồng.

* Các phương pháp tưới cho hành

Hiện nay có nhiều phương pháp tưới như phương pháp tưới rãnh, tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt, tưới trên mặt bằng vòi, gáo, ô doa nhưng dùng phương pháp tưới rãnh là phổ biến.

-Phương pháp tưới rãnh:

Tưới rãnh là phương pháp tưới sử dụng mạng lưới rãnh dày đặc trên đồng ruộng để đưa nước chảy vào rãnh thấm vào đất nhờ tác dụng của lực mao dẫn trong đất và chỉ một phần ít thấm xuống đáy rãnh theo trọng lực.

Ưu điểm:

Chi phí tương đối thấp

Sau khi tưới lớp đất mặt vẫn giữ nguyên, không tạo lớp đất chặt ở phía trên, mặt đất vẫn tơi xốp, kết cấu đất ít bị phá vỡ, không gây xói mòn bề mặt.

Dinh dưỡng không bị rửa trôi, do đó chế độ nước, không khí và dinh dưỡng trong đất được điều tiết thích hợp, thỏa mãn điều kiện sống của cây.

Tưới rãnh ít tốn nước.

Khi tưới lá cây không bị vết thương, hạn chế được một số sâu bệnh. Nhược điểm:

Thời gian tưới chậm.

Biện pháp kỹ thuật áp dụng với tưới rãnh không ngập nước:

+ Sử dụng nơi có độ dốc thấp, đất có thành phần cơ giới nhẹ, sau khi kết thúc tưới nước phải ngấm hết vào đất.

+ Nơi có độ dốc lớn, đất có thành phần cơ giới nhẹ và trung bình khi nước chảy vào 3/4 rãnh thì dừng cấp nước.

+ Tưới rãnh đảm bảo nước từ 1/3 luống 1/2 so với độ cao luống nghĩa là chỉ vừa đủ ngấm cho 2 bên rãnh, đảm bảo đất vẫn có độ xốp và đủ ẩm, giữ được độ thoáng, xốp của đất màu.

+ Đối với hành đông, nếu thấy đất trong luống quá khô dưới 60% độ ẩm tối đa đồng ruộng thì tưới cho hành nhưng không tưới quá 80% độ ẩm tối đa đồng ruộng, chỉ đủ vừa ẩm cho đất.

Một phần của tài liệu giáo trình trồng hành (Trang 25 - 27)