Nhịp điệu kể là cách thể hiện của nhà văn về quá trình vận động của nhân vật, sự kiện trong tác phẩm. Nhịp điệu kể chuyện “liên quan tới cách nhìn và xu hướng của tác giả” [31]. Theo Trần Đăng Suyền quan niệm, “nhịp điệu trần thuật thể hiện cảm nhận của nhà văn về sự vận động của sự sống, của cuộc đời được miêu tả trong tác phẩm. Trong tác phẩm tự sự, nhịp điệu trần thuật chủ yếu được xác định bởi sự tiến nhanh hay chậm của các tình tiết, sự kiện, biến cố” [44] . Có ý kiến cho rằng: “Trong văn xuôi, nhịp điệu của tổ chức lời văn được hình thành trên cơ sở tự phân tách văn bản thành chương, hồi, đoạn. Câu văn dài, ngắn, khúc khuỷu được lặp lại cũng tạo nên nhịp điệu cảm nhận đời sống” [19]. Ở góc độ nhịp điệu trần thuật, mỗi nhà văn thường có phương thức trần thuật riêng tạo nên cá tính sáng tạo mang đậm dấu ấn cá
nhân của nhà văn đó. Nhắc tới Ngô Tất Tố với tiểu thuyết Tắt đèn, người đọc
nhận ra nhịp điệu trần thuật nhanh, căng thẳng, gấp gáp, quay cuồng, dữ dội của vùng nông thôn Việt Nam giữa mùa sưu thuế những năm trước cách mạng. Những truyện của Nguyễn Công Hoan hay những tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng hầu như đều có nhịp điệu trần thuật nhanh, căng thẳng, gấp gáp. Các sự kiện biến cố dồn dập xảy ra với cuộc đời nhân vật, những sự kiện mở ra sự kiện, tình huống nối tiếp tình huống, sự xung đột đẩy lên kịch tính cao trào.
Khảo sát truyện Đỗ Chu chúng tôi thấy văn xuôi Đỗ Chu có nhịp điệu, hầu như nhịp điệu được thể hiện ở các phần, các đoạn và cả trong toàn bộ tác phẩm. “Văn xuôi Đỗ Chu là một thứ văn xuôi có nhịp điệu, nhịp đó thể hiện “cái nhạc tính tâm hồn” của nhà văn” [14]. Hầu hết các truyện của Đỗ Chu đều có nhịp điệu “nhẩn nha, khoan thai, chậm rãi”. Yếu tố cơ bản tạo nên nhịp điệu “nhẩn nha” ấy là do truyện Đỗ Chu rất ít sự kiện, biến cố quan trọng, các xung đột thường không được đẩy tới cao trào. Nhân vật trong truyện Đỗ Chu thường là “nhân vật ít hoạt động, mà nặng yêu thương, tâm tư, hồi tưởng” [20]. Trong truyện thường có những đoạn văn nhà văn dừng lại để miêu tả cảnh thiên nhiên, có khi lại là những lời bình luận, suy tưởng của nhân vật, thậm chí của chính nhà văn. Điều này đã tạo cho nhịp điệu trong các truyện của Đỗ Chu chậm rãi, khiến người đọc đôi khi phải “đọc chậm rãi, phải dừng lại ở giữa trang để thưởng thức” [20]. Trong truyện Đỗ Chu xuất hiện hai dạng thức là nhịp điệu kể có sự dãn dần các sự kiện và nhịp điệu kể tăng dần các sự kiện.
2.2.2.1 Nhịp điệu kể dãn dần các sự kiện
Trong quá trình dẫn dắt câu chuyện, người kể chuyện cố ý làm giảm nhịp điệu của mạch truyện, tránh để mạch truyện phát triển dồn dập. Điều này
đã tạo ra những khoảng lặng trong truyện, khiến cho mạch truyện như ngưng lại. Nhịp điệu dãn dần các sự kiện sẽ giúp cho nhà văn có thể dừng lại để miêu tả hoặc bình luận, giúp cho nhân vật có thể hồi tưởng, suy tư, miên man, rãi bày tâm sự của mình. Nhờ đó mà người đọc dễ dàng thâm nhập sâu hơn vào đời sống nội tâm nhân vật.
Như trên đã trình bày, truyện của Đỗ Chu rất ít sự kiện, khi kể các sự kiện lại được dãn dần, do đó gần như truyện Đỗ Chu không có xung đột cao trào. Trong truyện Người của muôn năm trước, chỉ có duy nhất một biến cố
lớn là việc Liên chuyển về sống ở quê để tìm lại chính mình, tìm lại quê hương thực sự của mình. Sự kiện được nhắc tới trong phần mở đầu của truyện là Liên nhớ lại thời trẻ từng đi bắt ếch với lũ bạn, và những rung động đầu đời khi có người bạn khác giới theo mình. Đó là giây phút “có thằng bé lấy bàn chân mình dẫm lên vết chân con bé. Ấy là đang cùng mong ước sẽ đến một ngày. Ấy là đi soi ếch mà cũng là lặn lội tìm nhau, lòng xôn xao những thèm muốn nồng cháy và hồn nhiên”. Sự kiện tiếp theo là Liên đi thực tập ở vùng núi, làm việc với Hinh, lúc đó là thầy hướng dẫn luận án của Liên, sau này Hinh là chồng cô. Sau những lời giới thiệu về chuyến đi của Liên là những dòng suy tưởng miên man của nhân vật, làm cho mạch văn co giãn, nhịp văn chậm lại: “Những đàn chim ngói heo may của cô. Những đêm mưa rào đầu hạ của cô. Một vùng thương nhớ âm thầm và dai dẳng, có thế thôi”. Sau khi tốt nghiệp Liên được về công tác “ở một viện của một Bộ nọ”. Sau đó vài tháng, Hinh cũng xin về cơ quan của Liên. Theo lời mẹ khuyên, Liên đã lấy Hinh. Họ sống ở quê tới năm năm rồi dời về Hà Nội. Sau khi viện trưởng mất, Hinh làm viện phó. Cuộc sống của vợ chồng Liên từ đó cũng thưa dần tiếng cười. Nhà văn đã miêu tả rất sâu diễn biến tâm lí nhân vật Liên trong thời gian này. Cuộc sống tẻ nhạt, trống trải khiến tâm trạng cô nặng
trĩu. Liên khát thèm có một đứa con cho vơi đi nỗi buồn tẻ mà không thể. “Tóc trên đầu đã xuất hiện những sợi bạc, răng nghe đã muốn lung lay mỗi khi nhai, gặp hôm giở giời, mình mẩy chân tay đã thấy nhức nhối. Cũng là sắp về với các cụ, sắp rủ nhau lên tiên”. Một cuộc sống bế tắc. Chồng Liên lao vào các cuộc kiếm tiền như thiêu thân, anh ta mua đất, mở mang dự án, bất chấp cả việc phải phá nhà phá đường. “Mới đây anh đã làm quả liều xin phép thành phố biến một khu đất hoang hoá đầy mồ mả ở ngoại ô thành nơi liên doanh liên kết”. Vì vụ lợi cá nhân, Hinh đã bỏ ngoài tai những lời bàn tán của dư luận “anh đang can dự cái tội động vào mồ mả danh nhân”. Nếu như phải “dựng xác tổ tiên dậy được để làm giàu thì cũng phải dựng”. Đồng tiền đã làm Hinh hoa mắt, bỏ qua luân thường đạo lí. Nhà văn đi sâu khai thác vào những ám ảnh, dằn vặt của Liên, cô thường mơ thấy những con người của “muôn năm trước” hiện về. Họ như oán trách, như “cười mỉa” vào sự mê muội, làm càn của chồng Liên. Nhịp điệu dãn dần níu kéo thời gian, sự kiện trong những ngày sống nặng nề của Liên, cho thấy sự bế tắc trong cuộc sống của Liên. Vợ chồng ngày một nhiều khoảng cách, nhiều bất đồng trong quan niệm sống đã khiến Liên phải từ bỏ căn nhà rộng rãi ở thành phố để về quê. Trở về quê như một sự “chạy trốn” khỏi lối sống thực dụng của chồng. Trở về quê là tìm thấy một sự giải thoát tối ưu nhất. Liên đã gặp ở đây những người của “muôn năm trước”, gặp lại ông Vồ, một người mà mỗi khi có ai ở xa về đều hỏi nhau “thế có gặp ông Vồ không? Không gặp ông Vồ sao đã được gọi là đã về làng. Ông thành giai thoại, thành người đi vào lịch sử của một vùng đất, vùng người”. Ông là “một giá trị bền vững”, là người của hôm nay và cũng là “người của nghìn xưa, là bóng dáng, là hiện hữu của tổ tiên từ muôn năm trước”. Cuộc nói chuyện với ông Vồ đã giúp Liên vỡ ra được nhiều điều. Điều quan trọng là Liên đã tìm lại được quê hương, tìm lại được
những giá trị đích thực của cuộc sống. Liên đã tìm lại được “giấc ngủ êm ả trong ngôi nhà xưa của mình, cô sẽ nằm mơ và sẽ thức dậy như bao lớp người đã thức đã mơ trên miền đất này từ muôn năm trước”. Liên đã trở lại là chính mình, cô tìm được những giấc mơ êm đềm của một thời son trẻ, những đêm mưa rào đi bắt ếch, trong cơn mơ ấy Liên đã thấy lại bóng hình người con trai năm nào. Giờ anh ấy đã trở thành “người muôn năm trước” đang nằm cạnh cha cô. Nhịp kể dãn dần theo dòng suy tưởng của Liên, của ông Vồ trong phần cuối truyện. Điều này tạo cho mạch văn như chùng xuống, thời gian trôi theo dòng cảm xúc của nhân vật, sự vận động của các sự kiện, tình tiết chậm rãi. Từ hiện tại, nhân vật ngoái lại quá khứ và hồi tưởng, suy tư trước những biến động của cuộc sống đã làm cho nhịp điệu trần thuật có phần chậm rãi “nhẩn nha”.
Không giống với Người của muôn năm trước, nhà văn thiên về khai
thác chiều sâu tâm lí nhân vật Liên, các sự kiện, tình tiết dãn dần theo dòng cảm xúc của Liên thì trong truyện Một loài chim trên sóng, bên cạnh dòng
cảm xúc suy tưởng của nhân vật Bình là những lời trữ tình ngoại đề, độc thoại nội tâm, những lời tự nói với lòng mình của nhân vật. Những yếu tố này có tác động rất lớn tới mạch kể, làm cho nhịp điệu trần thuật chậm rãi, nhẹ nhàng. Nhà văn dành hơn một trang đầu để miêu tả bức tranh quê hương Kinh Bắc có con sông Cầu uốn lượn, với những dãy ao chuôm gắn với truyền thuyết ông Gióng về trời. Còn lại các sự kiện đều được sắp đặt đan xen hiện tại, quá khứ theo dòng hồi cố của Bình về những kỉ niệm không thể nào quên. Từ sự kiện Bình đi bán ruộng cùng bà dưới Sơn, đến những sự kiện Bình bị ngã xuống chuôm và bị cô Nỗng kéo chân, sự tích cô Nỗng, chuyện Bình gặp cụ Chánh, anh Ty, chị Tâm, chuyện du kích đánh đồn. Từng ấy sự kiện cứ đan cài nhau theo mạch hồi tưởng của Bình. Nhà văn đã sử dụng khá thành
công những lời trữ tình ngoại đề, những lời bình luận, lấy nhân vật làm điểm tựa, nhà văn đưa ra cảm quan của mình trước các biến động của cuộc sống. Sau sự việc bà đưa Bình đến tạ tội trước miếu cô Nỗng là lời dạy cháu của bà, đó là những lời nhà văn nhắc nhở chúng ta: “sống trên đời đã có người là phải có thần thánh…có sống thêm ngày nào ở đời cũng mới chỉ là sống tạm, nào có vui sướng gì cho cam, còn phải qua nhiều kiếp nữa chứ”. Có khi là dòng cảm xúc của Bình khi nhớ lại chuyện quê mình, nhớ về giọng nói, nguồn gốc tổ tiên: “Tôi từ khi biết bưng bát cơm trên tay trong cái đầu không óc của mình chỉ thấy những ngậm ngùi, muốn ứa nước mắt. Thương từng bước chân người làng sao mà lật đật, những bước chân mạnh mẽ quá mức cần thiết, đi thế thì đã nhàn nhã làm sao được. Rồi những tiếng mẹ gọi con, vợ gọi chống í a í ới chiều hôm nghe sao chất phác quá chừng…Thôi thì trâu ta ăn cỏ đồng ta, cái phận làng mình nó như vậy thì thương luôn cái phận ấy. Mấy bước đi trên mảnh đất làng với tôi đủ là một nỗi niềm, một yêu dấu”. Những lời bình luận, biểu cảm đã cho thấy chiều sâu tâm hồn nhân vật “tôi” trong cách nhìn đời, nhìn người. Đặc biệt lưu ý hơn là lời tự nói với lòng mình ở cuối truyện, đó có thể coi là lời trữ tình ngoại đề mà nhà văn đang nói hộ nhân vật, nó thể hiện tính triết lí về cuộc sống: “Chẳng qua đời mỗi chúng ta cũng giống như con chim gì đang nhảy nhót chấp chới trên những con sóng. Chỉ những ai từng lênh đênh ngoài khơi mới gặp loài chim ấy. Chẳng hiểu chúng đậu vào đâu mà sống nổi mà nhờ vào đâu chúng vẫn cất tiếng hót giữa trùng trùng sóng gió. Kiếp người tưởng vậy mà có khác là bao”. Những suy nghĩ mang đầy tính triết lí về cuộc sống, về kiếp người. Mỗi người đều như những loài chim đang trải qua bao gập ghềnh sóng gió, nhưng chúng ta vẫn tồn tại, vẫn “cưỡi lên những ngọn sóng”, mà không hiểu do đâu? Nhờ nghị lực hay những nguồn động viên khác. Tất cả đều có khả năng bám trụ
cuộc sống theo cách riêng của mình. Trong truyệnNgày đang trôi, lời trữ tình
ngoại đề mang tính triết lí cũng được nhà văn bộc lộ: “Tháng bảy mưa nhiều, sen tàn cúc nở, thu qua chim nhạn, chim ngói, giang, sếu bay về trú đông. Rồi mùa xuân ấm áp chùa chiền đền miếu ngạt ngào hương nến, rau cỏ hoa lúa tươi ngần, chuông mõ ngân nga thức gọi. Muôn loài cựa quậy. Ngày vẫn đang trôi. Đời vẫn đang đi đang đến giữa một cõi mênh mang không bến không bờ. Kiếp người phỏng có bao năm nhưng thẳm sâu biết bao”. Lời trữ tình ngoại đề làm cho thời gian trôi chậm lại, dãn các sự kiện, tạo cho nhịp văn như chậm rãi hơn. Đó là những điều kiện để nhà văn kí thác tâm sự và nỗi niềm của mình về cuộc đời và kiếp người. Theo nhà văn, đã là chim là phải “dám bay và biết bay”. Đúng vậy. Cuộc đời con người có là bao nên nghị lực sống là vấn đề được đặt ra để chúng ta cùng chiêm nghiệm.
Lựa chọn cách xây dựng nhịp điệu trần thuật chậm rãi, dãn dần các sự kiện đã tạo ra nét đặc trưng rất riêng của phong cách truyện Đỗ Chu. Trong truyện Đỗ Chu rất ít sự kiện, các tình tiết xung đột gay cấn, căng thẳng cũng không nhiều do vậy gần như những sự kiện không được miêu tả liên tục, dồn dập, không được đẩy lên tới cao trào. Điều đó tạo cho mạch văn luôn có sự dàn trải, ngưng nghỉ, nhiều khoảng lặng. Sử dụng những lời trữ tình ngoại đề, yếu tố miêu tả và những yếu tố độc thoại, độc thoại nội tâm đã tạo nên nhịp kể có phần chậm rãi nhưng không nặng nề mà người đọc dễ dàng thâm nhập sâu hơn vào đời sống nội tâm của nhân vật. Đôi khi người đọc phải “dừng lại ở giữa trang để thưởng thức” [20]. Nhịp điệu kể nhẩn nha, chậm rãi là nét đặc trưng trong một số truyện của Đỗ Chu, nó phù hợp với màu sắc trữ tình mà tác phẩm phản ánh. Nó cho thấy tài năng sáng tạo nghệ thuật của Đỗ Chu mà không “trộn lẫn với bất cứ ai” [6].
Trong thế giới truyện Đỗ Chu, phần lớn là được kể với nhịp điệu “chậm rãi”, “nhẩn nha”. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số truyện được kể với nhịp điệu nhanh dần, có phần gấp gáp, dồn dập, khẩn trương. Các sự kiện dồn nén tạo không khí chật căng cho câu chuyện, tăng thêm tính căng thẳng và chỉ đựoc “giải thoát” vào những thời điểm quan trọng của tác phẩm. Trong truyệnMê lộ, các sự kiện được sắp đặt theo chiều hướng tăng dần. Nhiều tình
huống bất ngờ được tạo ra trong truyện. Sự sắp xếp các sự kiện “ông Trữ điên” xuất hiện đã phá vỡ không gian vui vẻ, yên ắng của lũ trẻ con đang chơi ở ngõ. Chẳng hiểu tự khi nào mà ông Trữ trở thành nỗi ám ảnh, sợ hãi của lũ trẻ con. Chúng xanh mặt “đứa nào mặt cũng méo xệch, nước mắt lưng tròng”, bỏ chạy như ong vỡ tổ. Sự kiện ông Trữ bị điên được sắp đặt trong tình huống truyện đầy kịch tính, bất ngờ. Đỗ Chu sử dụng nghệ thuật đảo ngược tình huống truyện để tạo ra sự phát triển tới đỉnh điểm của mối xung đột trong tác phẩm. Trữ bị điên và những lí do nào xô đẩy anh vào tình trạng u mê, khờ dại này chưa mấy người rõ. Họ nghi Trữ “bị điên vì tình” do hồn ma cô gái dân tộc về bắt đi. Tình huống gây sự chú ý của người đọc nhất là một cuộc vây bắt gián điệp của công an và dân quân du kích. Do “máy bay ném bom dữ quá” nên họ nghi ông Trữ là “gián điệp”. Không khí của cuộc truy bắt diễn ra khẩn trương, căng thẳng. Họ lên kế hoạch tỉ mỉ, “Họ bủa vây bốn mặt, bò vào sát miếu mà nằm, mà nghe ngóng động tĩnh, phân tích hiện tượng tại chỗ”. Họ bấm đèn ra kí hiệu gọi nhau bắt quả tang Trữ đang đốt lửa làm ám hiệu gọi máy bay địch tới. Kết quả của sự kiện ấy là “mấy chục tay