Khi xây dựng nên tác phẩm văn học, nhà văn luôn lưu ý tới việc sử dụng lời đối thoại của nhân vật. “Lời đối thoại (đối đáp) là lời trong cuộc giao tiếp song phương mà lời này xuất hiện như là một phản ứng đáp lại lời nói trước. Lời đối thoại bộc lộ thuận lợi nhất khi hai bên đối thoại có sự tiếp xúc phi quan phương và không công khai, không bị câu thúc, trong không khí bình đẳng về mặt đạo đức của người đối thoại. Lời đối thoại thường kèm theo các động tác cử chỉ biểu cảm và tạo nên bởi phát ngôn của nhiều người” [19]. Tuy nhiên, lời đối thoại nó không đơn thanh mà đa thanh, ngay cả khi lời độc thoại của nhân vật nhưng lại trở thành đối thoại với khán giả như trong các vở kịch…Ta có lời đối thoại giữa nhân vật với nhân vật và nhân vật với người đọc. Lời đối thoại có tác dụng bộc lộ tâm trạng, tính cách nhân vật.
Trong truyện Ngày đang trôi, lời đối thoại có khi tách riêng hẳn ra
Dấu hiệu nhận biết đặc điểm này là những dấu gạch đầu dòng trước lời đối thoại của nhân vật.Lời đối thoại giữa ông Thiều và Nga:
“Nhìn thấy ông nó khép nép chào:
- Bố cháu tuần này hôm nào cũng lên đền bà Chúa viết sớ từ sớm, mẹ cháu thì đi làm. Mời bác vào nhà cháu pha nước chè ngon bác uống.
- Bác không khát. Bác cháu ta cứ đứng ngoài này vừa ngắm hoa bưởi vừa nói chuyện có thích hơn không. Nhà nào cưới xin mà pháo nổ giòn thế?...”.
Qua cuộc đối thoại giữa Thiều và Nga, người đọc biết thêm về tích truyện cụ Đề lấy vợ ba và thấy được dụng ý đi tìm Hồng, bố của Nga trên đền bà Chúa của ông Thiều. Cuộc gặp gỡ giữa ông Thiều và Hồng đều xuất hiện những lời đối thoại dưới dạng thức tách riêng khỏi lời người kể. Từ những lời đối thoại ở thời điểm hiện tại giữa hai người tới những lời đối thoại trong thời điểm quá khứ, tất cả hầu như đều có sự tách bạch với lời người kể.
Ở lần gặp gỡ giữa nhân vật Thiều và Hồng trên đền bà Chúa, những lời đối thoại giúp ta nhận ra tâm trạng và cảm xúc của các nhân vật. Đó là những lời tâm sự giữa Thiều và Hồng xoay quanh việc phá bỏ đền bà Chúa trong những ngày Hồng còn làm việc ở Huyện uỷ. Thái độ của Thiều biểu lộ rất rõ qua lời thoại, sự bất bình trước việc Huyện có chủ trương phá bỏ ngôi đền. Lời giãi bày của Thiều với Hồng cũng như là nguyện ước của nhân dân: “ - Chú định đóng vai kẻ đứng ngoài cuộc? Nhưng ai người ta cho chú đứng ngoài, chú toan trút trách nhiệm lên đầu ai ở cái đảng bộ này nhỉ. Người đứng đầu một tổ chức mà lại thiếu bản lĩnh, thiếu tinh tường thì quả là một tai hoạ, đám đông đi theo khéo dễ vạ lây. Đội ngũ cán bộ nhân viên trong một cái huyện chỉ nhỏ bằng bàn tay mà ngồi nhẩm tính đến vài trăm nhưng xem ra người có năng lực thì ít, rất ít, mà kẻ ăn theo thì quá nhiều”. Vậy là Thiều đã phân tích cho Hồng thấy rõ vai trò của Hồng trong Huyện uỷ. Sứ mệnh của
Hồng trong việc giữ gìn đền bà Chúa rất quan trọng. Thật trùng hợp, vì chính sau này khi Hồng về hưu lại lên ngôi đền năm nào chủ trương của huyện cho phá bỏ đi, để ngồi viết sớ. Những lời đối thoại của Thiều và cán bộ địa phương chủ yếu xoay quanh vấn đề phá đền chùa và sự ngăn cản của một ông già mà họ coi là “phần tử khả nghi”. Qua lời thoại tính cách các nhân vật được biểu lộ rõ. Sự vô tâm của anh cán bộ địa phương trước việc anh ta đã giật đổ bao nhiêu pho tượng phật, cho trôi sông cả ngàn pho tượng mà không tỏ ra bận tâm nhiều. Anh ta cho đó là những chiến công. Trong khi Thiều tỏ ra đau đớn xót xa.
“ - Báo cáo anh chùa thì sẽ phá sau, tôi cho anh em chuẩn bị giật tượng phật đã. Một tay tôi mấy năm nay đã ra lệnh cho trôi sông cả ngàn pho tượng vùng này. Gớm, dân tình mê lú thật, của nả lấy ở đâu ra mà dựng lắm đình chùa thế không biết.
- Tôi yêu cầu anh quay lại chùa dừng ngay việc ấy lại, sớm mai có thể địch tràn lên, tất cả phải về vị trí chiến đấu, dân chúng cho sơ tán sang bên kia sông gấp. Còn ông già khả nghi kia để đấy tôi chịu trách nhiệm xem xét giải quyết”.
Ông già khả nghi đó là thầy giáo của Thiều. Lời thoại cho thấy rõ hơn hành động cương quyết của Thiều và những sự bảo thủ, có phần cứng nhắc của anh cán bộ địa phương nọ. Sử dụng lời đối thoại có tác dụng tạo nên những hành động và tâm trạng của nhân vật. Thái độ của nhân vật trước các tình huống trong truyện cũng biểu lộ qua lời đối thoại. Nếu thiếu lời đối thoại, sự việc sẽ diễn ra đều đều, các nhân vật sẽ thiếu đi mối quan hệ gắn bó, vì thế mà tình huống truyện sẽ không sôi nổi, gay cấn, kém hấp dẫn hơn.
Truyện Mảnh vườn xưa hoang vắng, những đối thoại của các nhân vật
từng thời điểm hội thoại. Ở đây, lời đối thoại được sử dụng rất phong phú. Có khi lời đối thoại gần như độc thoại, bởi lẽ nó không có lời đáp. Lời của ông chú họ của Đống than phiền về anh:
“ - Hay hớm nỗi gì, rốt cuộc hoá ra là một anh vô công rồi nghề. Bạn bè cùng lứa, có người đã thành tướng, có người vào Trung ương, lên xe xuống ngựa, cửa rộng nhà cao không Hà Nôị thì Sài Gòn, đằng này bất quá cũng chỉ là một viên thiếu tá, thời nay đến trẻ con hỉ mũi chưa sạch cũng đủ sức đóng lon thiếu tá.
Đống được cái đức không biết tự ái, nghe thấy thế chỉ cười khùng khục”. Qua lời đối thoại trên, thái độ của ông chú họ của Đống được bộc lộ rất rõ. Đó là sự bất bình, ngao ngán về cháu của mình. Ông tỏ ra thất vọng vì Đống không làm thoả ước nguyện của ông và dòng họ phải là ông nọ bà kia. Nói với Đống nhưng cũng như là nói với mình, để vơi bớt nỗi bực dọc trong lòng ông, để ông được nguôi ngoai phần nào. Cuộc nói chuyện giữa Đống với ông chú họ đã cho thấy thái độ chán nản, thất vọng của ông chú về đứa cháu của mình. Ông chú của Đống đang không hiểu trong quân ngũ Đống làm những gì mà đến nông nỗi này. Thất thểu về làng với chiếc kèn đám ma trong tay. Đã vậy Đống lại chưa biết thổi nên ông chú họ của anh như bị “ăn một quả lừa”, như bị chọc tức. Những câu hỏi của ông chú họ như một sự trút giận lên Đống. Nhưng Đống không phản ứng gay gắt, vì anh ít tự ái. Vậy là càng tăng thêm sự bực dọc trong lòng ông chú họ.
Cuộc hội thoại giữa ông chú họ với Đống sau đó cho thấy rõ sự buồn chán của ông chú. Ông muốn cháu mình bỏ nghề thổi kèn mà đi theo nghề cha anh để lại: Cắt thuốc chữa bệnh. Quan điểm sống, tính cách của Đống và ông chú họ của Đống biểu hiện rất rõ. Ông chú họ muốn Đống phải thay đổi cách sống, hãy làm một cái nghề mang lại tiếng thơm cho dòng họ như cha
anh đã từng làm. Ông không đồng tình với việc Đống cứ quanh quẩn với cây kèn mà anh đang tập thổi.
“- Anh quăng mẹ cái kèn của anh đi, tiếng để đời đấy. Họ Đặng nhà ta xưa cũng có nhiều cụ làm thuốc anh thử xoay ra nghề ấy xem sao. Ngoài năm mươi ngồi bốc thuốc coi được lắm. Lương anh huyện thường đưa chậm một tháng về xã gặm thêm tháng nữa, thế là thành lĩnh lương theo quý. Thời giá thì bấp bênh như con đĩ đồng đánh, trẻ con ngoài chợ đang gọi một nghìn thành một đồng rồi, liệu anh còn sống thêm được mấy ngáp. Bốc thuốc nào có cần gì nhiều vốn, ví như gặp bệnh đau mắt, anh cứ bảo người ta giã thài lài rau dệu đắp đại vào, không khỏi thì cũng chưa chết”.
Cuộc đôí thoại giữa Hào và Lãi, chồng Xuân, cũng thể hiện rất rõ thái độ, quan điểm sống của Lãi. Đó là con người thực tế, thức thời, biết đi sâu nghiên cứu sản xuất “Vác” ( Vườn – Ao - Chuồng). Khi nói chuyện về hội Chen, Lãi cho đây là một lễ hội “bậy bạ”, đó là một “tập quán thời nguyên thuỷ”. Nhưng trước đây cũng nhờ hội Chen mà Lãi lấy được Xuân từ tay Đống. Giờ đây Lãi không muốn nhắc lại lễ hội ấy cũng là điều dễ hiểu. Những lời đối thoại giữa Hào và Lãi trong lần gặp sau đó cho thấy tính thực tế, chân thành của Lãi với Đống. Lãi cho Hào hay về kế hoạch sắp xếp cho Đống và cô cháu ruột của Lãi gặp nhau và giờ họ sắp làm đám cưới. Sự lo lắng cho tương lai của Đống đã biến thành hành động cụ thể. Lãi và Xuân đã thành công khi sắp đặt mọi việc. Gìờ Đống đang đón đợi hạnh phúc sẽ đến với mình. Còn Hào nhận thấy nét thực tế, khác thường của Lãi và Xuân. Hào tỏ ra vui vẻ và khâm phục Lãi.
Ngoài những lời đối thoại của nhân vật có sự tách biệt với lời dẫn truyện còn có lời đối thoại nằm trong lời người dẫn truyện. Những lời đối thoại như vậy thường không có dấu hiệu xuống dòng và gạch đầu dòng như
thông thường. Trong truyện Đất bãi, là lời thoại của Nga và Nhuần trong
khoảnh khắc sau khi Hồng hi sinh: “Nhuần bỏ cơm, rầu rĩ bước lại gần chỗ cô bé, giọng anh thì thầm: “Anh Hồng lúc nhắm mắt đã gọi chị Ngân không biết bao nhiêu lần. Một ngày nào đó đến lượt anh, anh sẽ gọi em, Nga ạ”. Cô bé há hốc mồm vì sợ hãi, rồi định thần lại, cô run rẩy gắt: “Anh nghĩ nhảm nó vừa vừa chứ, có muốn em cho cái đòn gánh này vào đầu không?”. Sự lồng ghép lời người dẫn truyện với lời nhân vật tạo nên chiều sâu nội tâm của nhân vật. Đối thoại nhưng cũng là sự giãi bày, biểu lộ tình cảm của mình. Thường những lời đối thoại kiểu này ít có sự kịch tính, xung đột. Tâm trạng nhân vật thường biểu lộ kín đáo hơn. Người dẫn truyện cũng biểu lộ thái độ khi kể qua lời nhân vật.
Đối thoại trong truyện của Đỗ Chu hết sức phong phú, không sử dụng quá nhiều lời đối thoại, có lời đối thoại theo dạng thức thông thường người hỏi người đáp, có lời đối thoại mà người tham gia cuộc thoại không cần trả lời, có lời đối thoại của nhân vật nằm trong lời người dẫn truyện. Ngôn ngữ đối thoại hết sức dung dị, mộc mạc. Nội dung các cuộc đối thoại đều xoay quanh những vấn đề của cuộc sống đời thường, không quá hào nhoáng hay xa vời thực tế. Lời đối thoại biểu hiện rõ nét tâm trạng, thái độ, tính cách nhân vật qua những cảnh huống giao tiếp cụ thể.