Lời độc thoại nội tâm

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong truyện của Đỗ Chu những năm gần đây (Trang 104 - 108)

Bên cạnh lời đối thoại, lời độc thoại nội tâm cũng là một trong những nét nổi bật của các tác phẩm tự sự. Độc thoại nội tâm là “lời phát ngôn của nhân vật nói với chính mình, thể hiện trực tiếp quá trình tâm lí nội tâm, mô phỏng hoạt động, cảm xúc, suy nghĩ của con người trong dòng chảy trực tiếp của nó.” [19]. Độc thoại nội tâm là lời nhân vật tự nói ra với chính mình, không hướng vào ai cả, đó còn được coi là “lời câm”(chỉ xuất hiện trong ý

nghĩ, không phát ra lời). Độc thoại nội tâm có khi cũng là lời nhân vật tự nói ra một mình mặc dù không có người tiếp nhận thông tin như nhân vật Xan-ti-a-gô trong truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng của A. Puskin, ông lão tự nói một mình ở trên biển. Lời đối thoại khác hẳn với độc thoại nội tâm. Đối thoại là các nhân vật tham gia hội thoại, trong đó có các lượt lời của nhân vật được tuân thủ theo trình tự nhất định, còn độc thoại nội tâm là những phát ngôn của nhân vật với chính mình, có thể là những lời trong ý nghĩ, nó thể hiện trực tiếp quá trình tâm lí nội tâm, mô phỏng hoạt động, cảm xúc, suy nghĩ của con người trong mọi diễn biến của câu chuyện.

Độc thoại nội tâm là hình thức biểu hiện rõ nhất chiều sâu tâm hồn nhân vật.

Truyện của Đỗ Chu thường ít đối thoại, ít xung đột kịch tính, vì thế độc thoại nội tâm thường là phương tiện để nhà văn khắc hoạ tâm lí nhân vật. Truyện Mê lộ, những lời độc thoại nội tâm của nhân vật chủ yếu là

những suy nghĩ của nhân vật bà mẹ của Trữ. Những câu hỏi được nhân vật tự đặt ra để tự vấn, tự kiểm nghiệm lại những gì đã xảy ra hoặc sẽ đến với bà và con trai bà. Bà không hiểu vì sao thường ngày con bà điên dại, vậy mà cứ sắp tới ngày diễn ra những trận đánh năm nào là con bà lại nhớ như in, “thế ra nó vẫn nhớ ngày tháng, thời gian của người đời. Thế ra nó vẫn còn có một chỗ chưa điên. Không có lịch, không hỏi han ai vậy làm sao nó biết?”. Những câu hỏi ấy bà như đang tự kiểm nghiệm lại xem có đúng Trữ có điên dại hoàn toàn không. Con trai bà vẫn còn một phần tỉnh, tỉnh để nhắc mẹ nhớ về những trận đánh, nhớ về mối tình của Trữ với cô Cài ngày nào. Theo lời con trai kể mập mờ trong lúc tỉnh lúc mê dại, bà mẹ lần lên Lạng Sơn, tới bản Chắt tìm Cài. Trong lòng người mẹ già đang nhen lên một tia hi vọng mỏng manh: “bà lo lắng tự hỏi, liệu chuyến đi này có mang lại cho bà một chút vui

mừng như bà mong đợi suốt dọc đường không. Đâu nào, đâu là mái nhà xưa con trai bà đã đến ở. Đâu nào, đâu là gia đình cô Cài, còn có ai nhớ tới anh con trai bà không, có ai biết đến nó nữa không, liệu cô Cài có còn sống ở đây hay cũng phiêu bạt nơi nào rồi…”. Những lời độc thoại nội tâm cho thấy chiều sâu tâm hồn nhân vật bà mẹ. Đây là những lo lắng, những trăn trở của bà khi đi tìm người yêu năm nào của con trai bà. Bà phân vân vì sợ không biết con bà nói đúng hay sai, không biết liệu có ai biết con bà không. Những lo lắng đó tạo nên nét hấp dẫn, bất ngờ cho truyện.

Những thắc mắc, lo lắng của bà mẹ đã được hoá giải khi bà gặp cô Cài. Chiều sâu đời sống nội tâm của nhân vật bà mẹ còn được thể hiện khi bà được Cài mời về nhà, “cô Cài quỳ xuống chân bà mẹ”. Sau tình huống ấy là những sự thật được hé mở, bà đã biết Trữ từng có con với Cài. Trong tâm tưởng của người mẹ già khốn khổ lại hiện lên những lời giải đáp về sự thật mà bà chưa biết bấy lâu: “Hoá ra thằng Trữ có con trai mà nó không biết, hoá ra dòng họ nhà mình ơn giời phật cũng chưa phải là hết, hoá ra là bĩ cực thái lai ở đời chỉ cách nhau gang tấc, chớp mắt là cảnh bể dâu, chớp mắt là hoá tang điền. Bây giờ thì bà có thể hiểu tận nguồn cơn vì sao con trai bà hoá dở, nỗi bất hạnh của con bà bắt đầu nhen nhúm từ chốn này, không phải tại ma gà, không phải tại rừng thiêng nước độc mà chung quy là ở như người, người bên cạnh nó, trong anh em của nó”. Lời độc thoại nội tâm của bà mẹ Trữ đã cho thấy tâm lí của bà mẹ có sự biến chuyển, từ lo lắng sang vui sướng, hạnh phúc. Bà cũng đã an lòng vì từ nay con bà đã có người chăm sóc, dòng họ nhà bà chưa đến ngày tiệt tôn. Suy nghĩ sâu xa ấy đã giúp cho nhân vật hiện lên chân thực hơn, sinh động hơn.

Độc thoại nội tâm trong truyện Quanh một bàn tiệc là những thắc mắc,

mà Bằng không thể nói ra với ai, anh phân vân tự vấn mình như đang lục tìm trong quá khứ về một lớp trưởng mẫu mực của anh ngày nào. “Ô hay, tôi đâm hoảng tự hỏi, có phải ngồi trước tôi là anh lớp trưởng ngày xưa không nhỉ. Ngày xưa, cái ngày xưa ấy, anh chững chạc là thế, nói năng, đi đứng lúc nào cũng như một ông cán bộ tỉnh mà cán bộ tỉnh cũng chả chắc đã bằng, cứ hở ra là bàn tới lẽ sống của con người mới. Rất nhiều lúc anh làm tôi hoang mang tự hỏi, vậy chứ vừa mới nứt mắt ra còn đang trẻ con một lũ thì mình cũ ở chỗ nào, biết cách nào để mà đuổi theo cho kịp các anh đây”. Những thay đổi của lớp trưởng khiến Bằng ngạc nhiên. Giờ lớp trưởng của Bằng đang tỏ ra rất bất mãn với đời, với chính mình. Anh ta không tự bằng lòng với những gì mình đang có, anh ta tỏ ra đố kị với những người thành đạt hơn mình. Lời độc thoại nội tâm của Bằng lí giải chiều sâu tâm lí nhân vật, và cho thấy sự chuyển biến trong tâm trạng của Bằng. Từ sự ngạc nhiên, bất ngờ chuyển sang thất vọng. Thất vọng về sự đổi thay của lớp trưởng. Một người trước đây từng lên giọng bàn tới lẽ sống của con người mới, luôn nêu gương về sự đổi mới, thì giờ anh ta lại đang sống tụt lùi đi, đang để cho những sự đố kị che mất nghị lực sống, lẽ sống tươi đẹp của con người.

Truyện ngắn Mưa tạnh, những lời độc thoại nội tâm giúp người đọc

nhận ra những suy nghĩ thầm kín của nhân vật “anh” về vẻ đẹp của cô Nhân, một cô gái làm nghề thú y, giờ đang sống cùng mẹ anh. Gặp cô từ khi đi lính về anh đã ngạc nhiên trước cách đón tiếp của cô, trước vẻ đẹp dịu dàng của cô. “có lúc anh bỗng giật mình tự hỏi sao hôm nay cô ấy trông khác vậy, nom khắc khổ quá, như thể anh vừa gặp một người nào chứ không phải cô gái hôm ấy. Rồi cũng lại rất đột ngột, một lần gặp nhau, cũng chẳng xa xôi gì, gương mặt cô lại sáng lên một nụ cười ánh rạng, một cái nhìn dịu dàng và giọng nói trong trẻo, ngân nga như hát…Trời ơi, sao cô không giữ mãi cho mình vẻ hồn

nhiên này, sao cô thất thường thế, cô có biết là cô rất đẹp không?”. Có khi là những lời tự hỏi lòng mình của anh khi anh không biết mình đã yêu cô hay chưa. Đó là rung động bột phát hay là tình yêu thực sự: “Anh tự hỏi tình cảm của mình đối với Nhân trong những ngày gần đây là thế nào nhỉ, đó là tình yêu? Hình như mình đã yêu, nhưng nếu phải trả lời tại làm sao thì xin chịu, dần dà thấy yêu, yêu ngay cả sự nóng nảy bẳn gắt của cô ấy”. Qua những lời độc thoại nội tâm của nhân vật “anh” người đọc thấy được những suy nghĩ thầm kín của nhân vật “anh”, đồng thời người đọc cũng nhận ra những chuyển biến trong tình cảm của nhân vật “anh”. Nhờ độc thoại nội tâm, nhân vật có thể bộc lộ rõ cảm xúc của mình về người con gái mình yêu thương. Một tình yêu thầm lặng, không ồn ào, rất ý nhị nhưng sâu sắc.

Sử dụng lời độc thoại nội tâm có tác dụng khắc sâu tâm lí nhân vật, tạo sức hấp dẫn cho truyện. Thủ pháp độc thoại nội tâm đã tăng thêm tính chân thực cho tác phẩm. Nhân vật có điều kiện trực tiếp bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ thầm kín, những nhìn nhận của mình về cuộc đời, về chuyện đời. Độc thoại nội tâm giúp người đọc đi sâu khám phá đời sống tâm hồn nhân vật, khơi gợi trong người đọc những rung cảm sâu xa về những điều “bí ẩn” của tâm hồn nhân vật. Nhờ sử dụng những lời độc thoại nội tâm nên thế giới truyện Đỗ Chu rất giàu tính biểu cảm, hấp dẫn người đọc nhiều thế hệ.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong truyện của Đỗ Chu những năm gần đây (Trang 104 - 108)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)