Giọng điệu trần thuật trong truyện của Đỗ Chu

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong truyện của Đỗ Chu những năm gần đây (Trang 110)

1 Giọng điệu trữ tình sâu lắng, chan chứa yêu thương

Là cây bút truyện ngắn chủ yếu thiên về trữ tình nên các truyện của Đỗ Chu hầu như đều có giọng điệu trữ tình sâu lắng, với những cung bậc thể hiện khác nhau.

Truyện Hoạ mi hót, người đọc cảm nhận được giọng điệu trữ tình,

chan chứa tình người, giọng điệu này được toát lên từ những hồi ức của Thiêm. Đó là hình ảnh quen thuộc của “bãi sình lấy, nơi quê nhà thuở ấy”, những kỉ niệm về tình yêu của Thêm và Lương: “Em nhớ lúc ăn xong bát cháo anh quàng tay ôm lấy eo lưng em, nhột tưởng sắp chết đến nơi…khắp lưng khắp vai em đến giờ vẫn như đang có những cái gai của những cây sậy cứng quèo cắm vào, nhiều lúc em bật khóc một mình khi chợt nhớ tới cái đêm ăn nằm với anh”. Giọng kể nhẹ nhàng trữ tình theo lời đối thoại như trải lòng mình ra của Thiêm và Lương. Những lời tâm sự giữa hai nhân vật Thiêm và Lương cho thấy chiều sâu tâm hồn nhân vật. Truyện chủ yếu xoay quanh tình huống gặp gỡ của Thiêm và Lương sau bao năm xa cách, giờ đây do hoàn cảnh cả hai người đang trong trạng thái cô đơn nên họ đã quyết định gắn bó với nhau. Cả thiên truyện dường như không có sự xung đột gay gắt nào. Chủ yếu là những hồi cố của các nhân vật về kỉ niệm Thiêm bị thương và được Lương cứu sống, họ yêu nhau. Giờ Thiêm đang ngân vang trong hạnh phúc vì

“lúc nào anh chẳng có con mi của riêng mình chỉ có điều, nó thường hiện ra bất chợt, cất tiếng hót bất chợt, khiến anh cứ phải thấp thỏm”. Lương sẽ là “con mi cái” của Thiêm. Lương sẽ là bến đậu cho phần đời còn lại của Thiêm. Họ đã đến với nhau, gắn bó với nhau. Giọng điệu trữ tình của truyện đã làm rung động tâm hồn, khắc sâu vào lòng người đọc hình ảnh hai mảnh đời sớm chịu thiệt thòi do chiến tranh mang lại nhưng ở họ vẫn ủ sẵn niềm tin vào cuộc sống, vẫn luôn ăm ắp tình thương yêu, vì thế họ xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Có thể nói, chất trữ tình trong giọng văn Đỗ Chu được bộc lộ một cách nồng nàn, ấm áp, nhẹ nhàng mà lắng sâu trong niềm tin yêu, trân trọng con người, trong tình yêu của con người với con người. Chính điều đó là cơ sở tạo nên một phong vị trữ tình, đằm thắm cho những trang văn của Đỗ Chu. Chất giọng ấy có khi lan toả thấm vào từng câu chữ, có khi vang lên trong những lời trữ tình ngoại đề thiết tha sâu lắng, có khi lại thâm trầm toát lên từ âm hưởng chung của những mảnh đời, những kiếp người bất hạnh luôn gặp bất trắc trên đường đời.

Cuộc đời của Trữ trongMê lộđược Đỗ Chu kể lại bằng một giọng điệu buồn thương da diết gợi cảm giác chua xót. Từ một tiểu đoàn trưởng mẫu mực, đầy chiến công vậy mà Trữ bị viên chính uỷ lợi dụng trả thù riêng nên Trữ đã hoá điên hoá dại, cả cuộc đời Trữ luôn rơi vào “mê lộ” cuộc đời, bế tắc, không lối thoát. Giọng điệu buồn thương được gợi lên trong cảnh Trữ bị bọn người lạ bắt trói đòi vàng: “Bấy giờ thằng Trữ thì áo quần lành lặn, chỉ có mặt mũi là bầm tím, nhiều vết đánh, máu chảy dòng dòng hai bên thái dương…”. Ngay cả khi mẹ chết, Trữ cũng chỉ biết chống gậy, nào đã hiểu thấu nguồn cơn trong khi mọi người “ai cũng cám cảnh chỉ lắc đầu than vãn, rơm rớm nước mắt tiếc thương cho một kiếp người”. Giọng điệu buồn thương da diết thể hiện rất rõ trong từng đoạn của truyện Mê lộ. Từ việc kể về cuộc

đời bố Trữ, một đời làm ăn lương thiện nhưng bị quy chụp địa chủ, tới lúc chết hai tay vẫn đưa ra phía trước như thanh minh với mọi người về sự trong sạch của mình. Giọng điệu trong truyện Mê lộ thể hiện tình cảm của nhà văn đối với nhân vật, đối với những mảnh đời bất hạnh như Trữ, sống mà như đã chết, luôn đi trong “mê lộ” cuộc đời, không khi nào tỉnh táo để nhận ra sự có mặt của mình trên cõi đời này.

Truyện Chuyến đi cuối năm là một câu chuyện được kể chủ yếu bằng

giọng điệu trữ tình, nhẹ nhàng, sâu lắng. Giọng điệu trữ tình được cất lên tự nhiên nhẹ nhàng qua hệ thống ngôn ngữ rải khắp thiên truyện. Khi thì lời tâm sự của Lăng với vợ, khi thì là cử chỉ âu yếm của vợ Lăng trước lúc tiễn chồng trên sân ga. Nhưng ấn tượng hơn cả là những câu chuyện mà nhân vật Kiên kể cho Lăng nghe thấm đẫm chất trữ tình nhất. Những kỉ niệm về một thời trận mạc, Kiên phải nấu cháo giun cho đồng đội ăn “cả bọn xúm vào sì soạt húp, loáng cái hết veo, có cậu thấy ngon quá, chả kịp hỏi xem thứ cháo hôm nay là thứ cháo gì, dùng ngón tay vét sạch cả đáy nồi”. Trong tâm tưởng nhân vật Kiên đang sống lại kỉ niệm về một thời trai trẻ đi bắt sít. Bắt sít là tín hiệu của sự kết đôi “ta không thể nào bắt nổi một con sít đâu nếu ta chỉ cậy mình có sức khoẻ. Muốn bắt nổi nó cần phải có một con bé chấm anh từ lâu rồi mà anh không biết, chính nó sẽ bám theo hút anh trong bờ bãi mênh mang kia và giúp anh xưa lùa một con sít nào đó”. Nhờ những câu chuyện Kiên kể mà đã giúp Lăng thêm yêu loài sít, thêm yêu tổ ấm của mình. “ Cũng chẳng khác nào loài chim. Chúng đi tứ xứ kiếm ăn nhưng rồi đến lúc vẫn biết gọi nhau tìm về chốn cũ. Mỗi loài đều có một quê hương của nó cho dù nơi ấy rất nghèo khó, cái tình của muôn loài sâu xa là vậy”. Chất trữ tình trong giọng văn Đỗ Chu biểu lộ nồng nàn, ấm áp, ngời sáng niềm tin yêu, trân trọng con người, thể hiện sâu sắc tình yêu thiên nhiên, tình yêu quê hương đất nước của

nhân vật Lăng, Kiên. Qua hình bóng các nhân vật là thái độ đồng cảm, nâng niu những nét đẹp mà nhà văn ưu ái dành cho nhân vật của mình.

Giọng điệu trữ tình còn thể hiện trong những lời trữ tình ngoại đề, những đoạn độc thoại nội tâm xuất hiện trong các tác phẩm. Đó là những xúc cảm của Nhưỡng về chị Thuần, về những kỉ niệm ngọt ngào bên chị, và về một tình yêu đang nhen lên trong Nhưỡng: “ Tôi yêu chị ngay từ buổi còn đang bé dại, từ những ngày xa xôi. Đối với tôi, những năm tháng trong vắt ấy mãi mãi là một cánh đồng không có chân trời, không có núi non vây giữ. Nó là cánh đồng của riêng tôi” ( Cánh đồng không có chân trời). Đó là những

cảm xúc dâng trào khi Nhưỡng bất chợt gặp lại chị Thuần sau nhiều năm xa cách vào những ngày tết đến xuân về: “ Tôi rùng mình tự hỏi, liệu đây có phải là người đàn bà đã từng in bong trong tâm hồn mình suốt thời thơ bé, có phải mọi đắng cay ngọt ngào trong cuộc đời mình đều có chị dự phần. Chị là một mảnh đời của tôi, là vầng trăng nguyên vẹn toả sáng trong tôi” (Cánh

đồng không có chân trời). Những lời độc thoại nội tâm của nhân vật đã tạo

nên chất trữ tình sâu lắng trong những trang văn giàu chất thơ của Đỗ Chu. Các nhân vật đã biểu lộ những tâm tư, tình cảm, xúc độ chân thành qua những lời độc thoại nội tâm, đồng thời khơi gợi được cảm xúc trong lòng độc giả.

Với giọng điệu trữ tình, sâu lắng, chan chứa yêu thương, Đỗ Chu đã tạo lên những mạch truyện nhẹ nhàng, những trang văn giàu chất thơ, in đậm dấu ấn cá nhân trong lòng độc giả. Đỗ Chu đã chinh phục bạn đọc bằng giọng điệu trữ tình này. Vì thế, mỗi lần đọc văn Đỗ Chu, người đọc luôn có tâm thế nhẹ nhàng, hứng thú, “như được uống rượu làng vân êm và đậm ngấm và khi say thì thật say” [14]. Giọng trữ tình trong văn Đỗ Chu thể hiện ở ngôn ngữ, cử chỉ điệu bộ của nhân vật và đặc biệt là ở chiều sâu tâm hồn nhân vật.

Giọng điệu ấy đã tạo lên thế giới nhân vật rất gần gũi, chân thực với cuộc sống thường nhật của con người.

3.4.2.1 Giọng mỉa mai, châm biếm pha chút hài

Bên cạnh giọng trữ tình, chan chứa yêu thương trong truyện Đỗ Chu còn xuất hiện giọng điệu mỉa mai, châm biếm, pha chút hài gắn với dụng ý phê phán thái độ sống của ai đó hay phê phán những biểu hiện tiêu cực của con người.

Truyện Quanh một bàn tiệc được kể với giọng mỉa mai, châm biếm khi Bằng chứng kiến biểu hiện tiêu cực, bất mãn, đố kị có phần suy thoái trong lối sống của anh lớp trưởng. “Cục trưởng hả, Giám đốc hả, để làm gì nhỉ, trên đầu chúng mày tóc còn xanh hay đã trắng, chẳng đứa nào tự thấy mình đâu. Tóc tao nom thế này nhưng là tóc giả đấy, tóc thật cất ở nhà kia…Vậy mà vẫn chẳng ra cái thằng con mẹ gì”. Anh ta tỏ ra bất mãn vì Tổng biên tập là một người trẻ tuổi hơn anh ta, còn anh ta chỉ là phó Tổng biên tập. Sự đố kị của lớp trưởng không phải bây giờ mới có, khi còn đi học, anh ta cũng tỏ ra đố kị, ganh ghét với Linh, khi Linh được chọn đi học ở nước ngoài còn anh bị loại khỏi danh sách. Những lời nói đầy bất mãn của lớp trưởng với Bằng cho thấy rõ điều đó: “Thằng ấy là cái thá gì mà được chọn nhỉ đúng là chả còn trời đất nào nữa”. Sự đố kị ấy khiến Bằng không còn nhận ra đâu là bức chân dung thực của lớp trưởng nữa. Ngày thường anh ta mẫu mực là thế, vậy mà giờ lại thay đổi, luôn sống trong sự tị hiềm ganh ghét với xung quanh, làm sao anh ta có thể tìm thấy đích sống cho mình. Sử dụng những lời văn với sự mỉa mai, châm biếm, nhà văn đã phê phán thói sống vị kỉ của anh lớp trưởng, sự bất mãn đã biến anh ta luôn sống tiêu cực, không bao giờ tìm thấy ý nghĩa cao đẹp của cuộc sống.

Truyện Tháng hai, giọng điệu mỉa mai, châm biếm, pha chút hài được

thể hiện rất rõ trong những tình huống của truyện. Đó là cảnh đám cưới cô Ngà trong tổ nghiền mẫu, cảnh Vĩnh xuất hiện lần đầu tiên ở đoàn điạ chất này. Tất cả đã tạo một dấu ấn rất mạnh mẽ với mọi người. Giọng điệu phảng phất sự hài hước khiến cho tình huống truyện thêm sinh động, đồng thời mọi người cũng nhận ra sự vô tư quá đỗi của Vĩnh. Nhưng giọng điệu mỉa mai châm biếm thể hiện rõ nhất là khi nhà văn kể chuyện những công nhân ích kỷ trong đoàn địa chất tỏ thái độ về mối quan hệ của ông Khai, Vĩnh với Xeo Mảy. Sau khi Xeo Mảy được giải cứu về với đoàn địa chất thì sự nâng đỡ bớt dần, sự ganh ghét, đố kị chớm nở. Một số công nhân ở đây ngờ về việc làm của ông Khai với Xeo Mảy. Một cô gái bao năm sống xa cộng đồng, giờ lại được gửi đi học ở trường văn hoá của Tổng cục, rồi đi học ở nước ngoài. Họ nghi ngờ về khả năng học tập của Xeo Mảy: “Có mà lại vào rừng nhặt măng, có mà toi cơm, học chữ nọ mất chữ kia, hôm nọ còn toan vồ cả gà trong chuồng của người ta ăn sống đấy”. Họ không tin ông Khai và Vĩnh lại tốt bụng với Xeo Mảy một cách vô tư như thế. Họ bàn tán, xì xèo: “Cứ quấn quýt với nhau, có ngày ễnh bụng ra, lúc ấy mới thực đẹp mặt. Ai, ông Khai hay là anh Vĩnh? Chả biết. Bố là bố hờ, anh là anh phất phơ, sự đời khó nói lắm”. Giọng điệu mỉa mai cho thấy sự nhỏ nhen, kém rộng lượng của một số công nhân trong đoàn địa chất. Họ đâu biết nghĩa cử cao đẹp mà ông Khai và Vĩnh đã dành cho Xeo Mảy. Một tình cảm chất chứa yêu thương, sự bao dung và chở che như những người cha, người anh với Xeo Mảy khi cô chập chững trở về với đồng loại.

Trong truyện Cánh đồng không có chân trời, giọng mỉa mai, châm

biếm được len lỏi trong giọng trữ tình của truyện. Khi bà hàng nước kể chuyện về đội thu thuế tắc trách. Anh chàng chạy vật tư cho một cơ quan

dưới Hải Phòng ngọng líu ngọng lô lại đọc thơ thẩn, rồi lừa cô con dâu hờ của bà có thai, rồi anh ta bị đi tù… Giọng mỉa mai châm biếm thể hiện ở thái độ sống buông thả, vị tiền của Hinh chồng Liên trong truyện Người của muôn năm trước. Những câu văn đầy chất mỉa mai, pha chút hài khi nhà văn kể

chuyện những người dân quân và công an địa phương rình bắt Trữ trong truyện Mê lộ. Họ nghi Trữ là Việt gian, là “chỉ điểm nằm vùng”. Từ chi bộ

họp, đưa ra nghị quyết tới công an huyện kết hợp dân quân mai phục bủa vây, thâu đêm suốt sáng. Cuối cùng “mấy chục tay sung xúm quanh một con người không quần không áo đang ngồi bên đống lửa lem nhem nhóm bằng lá khô vun được trong sân miếu, nằm trên đống lửa là một con cá chuối to vừa bằng chuôi liềm, tưởng như khắp cánh đồng đêm ấy chỉ thấy sực nồng mùi khói, mùi cá”. Thật nực cười cho sự “quá cảnh giác” của những con người dân quân du kích. Họ đề phòng với một người bị điên do bị viên Chính uỷ làm nhục ở chiến trường. Sử dụng những ngôn từ pha chút hài, tạo nên một cái cười nhẹ nhàng nhưng đầy thâm thuý, sâu xa với tình huống truyện.

Mặc dù giọng điệu mỉa mai châm biếm, pha chút hài không phải là giọng điệu chủ đạo trong truyện của Đỗ Chu. Nhưng nhờ sự điểm xuyết, đan xen những tình huống có giọng điệu mỉa mai pha chút hài, đã tạo nên sự phong phú trong nghệ thuật kể chuyện của Đỗ Chu. Thông qua sự điểm xuyết giọng điệu đó đã tạo nên thế giới nhân vật trong truyện Đỗ Chu phong phú, lột tả chân dung nhân vật một cách chân thực, tạo ấn tượng với độc giả.

Giọng điệu trần thuật trong truyện Đỗ Chu được tạo bởi các yếu tố có sự gắn kết chặt chẽ với nhau. Giọng điệu ấy thể hiện qua hình ảnh, ngôn ngữ, hành động của nhân vật. Trong thế giới nghệ thuật của mình, Đỗ Chu đã tạo ra những giọng điệu hết sức hấp dẫn, mang nét đặc trưng riêng của Đỗ Chu. Đó là giọng điệu trữ tình, sâu lắng chan chứa yêu thương, đó là giọng mỉa

mai châm biếm pha chút hài. Nhưng giọng điệu chủ đạo nhất mà xuất hiện xuyên suốt trong các truyện của Đỗ Chu là giọng điệu trữ tình, sâu lắng, giàu sức biểu cảm. Chính giọng điệu này đã tạo nên những trang văn giàu chất thơ, “phảng phất hơi hướng Pautôpxki” [14]. Vì thế, truyện Đỗ Chu luôn có sự hấp dẫn với độc giả nhiều thế hệ.

Diễn ngôn tự sự là một trong những bộ phận quan trọng cấu thành nghệ thuật tự sự. Trong truyện của Đỗ Chu diễn ngôn tự sự được thể hiện sâu đậm nhất ở góc độ lời người kể, lời nhân vật và giọng điệu trần thuật. Sự đa dạng trong việc sắp xếp lời người kể, khi thì nhân vật tự đứng ra kể chuyện về mình. Có khi là nhân vật vô hình, không trực tiếp xuất hiện mà đứng ở ngoài quan sát để kể lại câu chuyện. Có những truyện có sự lồng ghép giữa lời người kể và lời nhân vật, tạo nên tính khách quan, tính chân thực cho tác phẩm. Trong mỗi truyện ngắn, lời nhân vật đều xuất hiện dưới dạng độc thoại nội tâm hay đối thoại. Có lúc tạo nên mối xung đột kịch tính trong các cuộc thoại, nhưng đôi khi lại là lời tâm tình nhẹ nhàng của nhân vật, những cảm xúc sâu kín từ đáy lòng nhân vật tự nói với mình. Lời nhân vật, lời người kể kết hợp với giọng điệu trữ tình sâu lắng hay đan xen giọng mỉa mai châm biếm pha chút hài đã tạo nên những trang văn rất đa dạng, giàu chất thơ, tạo

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong truyện của Đỗ Chu những năm gần đây (Trang 110)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)