CHƯƠNG 3 Diễn ngôn tự sự

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong truyện của Đỗ Chu những năm gần đây (Trang 88 - 91)

Diễn ngôn tự sự

3.1 Khái niệm

Diễn ngôn tự sự là một vấn đề rất rộng của phân môn tự sự học. Nghiên cứu diễn ngôn tự sự sẽ mở ra nhiều hướng khác nhau khi tiếp cận tác phẩm văn học.

Về thuật ngữ diễn ngôn (discours) có nhiều quan niệm khác nhau. Dưới góc độ ngôn ngữ, Diệp Quang Ban đã đưa ra các ý kiến bàn về diễn ngôn.

Theo Barthes (1970): “Diễn ngôn là một đoạn lời nói hữu tận bất kỳ tạo thành một thể thống nhất, xét từ quan điểm nội dung, được truyền đạt cùng với những mục đích giao tiếp thứ cấp, và có một tổ chức nội tại phù hợp với những mục đích này…” [4].

Theo Bellert (1971): “ Diễn ngôn là chuỗi liên tục những phát ngôn trong đó việc lí giải nghĩa của mỗi phát ngôn lệ thuộc vào sự lí giải những phát ngôn trong chuỗi” [4].

Theo Diệp Quang Ban, trước đây thuật ngữ “văn bản được dùng để chỉ sự kiện nói bằng chữ viết (lời chữ), còn diễn ngôn chỉ sự kiện nói miệng (lời âm)”. Giai đoạn hiện nay, “diễn ngôn được dùng như văn bản, tức là dùng để chỉ chung cả sự kiện nói miệng lẫn sự kiện nói bằng chữ viết” [4].

Như vậy, không thể coi văn bản là diễn ngôn mà nó có sự phân biệt về đặc điểm nhận dạng. Theo Nguyễn Thái Hoà, khi phân tích đặc điểm của diễn ngôn đã quan niệm: “phát ngôn như là đơn vị cơ bản và hiển nhiên của lời nói, gắn vào một hoàn cảnh nói năng, một chủ thể và hành động phát ngôn, được ngắt đoạn bởi chỉ ngừng, ngữ điệu và một chủ đề nói năng. Nhưng phát ngôn thường không tồn tại một cách đơn lẻ mà gắn với một số phát ngôn khác về đề tài, cách thức, ý tưởng…trong giao tiếp. Vì vậy làm thành một tập hợp mà ta gọi là diễn ngôn” [23].

Nguyễn Thái Hoà cũng chỉ ra sự khác biệt giữa văn bản và diễn ngôn ở các đặc điểm về: Tính chỉnh thể, tính liên kết, tính hệ thống và tính quy ước. Từ đó Nguyễn Thái Hoà đi đến kết luận: “Diễn ngôn là đơn vị lời nói có thể lớn hơn một phát ngôn và nhỏ hơn văn bản, có thể kết cấu thành một văn bản thống nhất về chủ đề và cách thức liên kết nhằm một mục đích nhất định trong một tình huống ngôn ngữ cụ thể. Trước và sau một diễn ngôn có thể là một diễn ngôn khác để làm nên văn bản nhưng một văn bản không thể ghép thêm một văn bản khác để tạo ra văn bản thống nhất” [23].

Dưới góc độ ngôn ngữ, diễn ngôn được hiểu là chuỗi phát ngôn liên tục và cấu thành một tập hợp có sự thống nhất về chủ đề, tư tưỏng để tạo nên một văn bản.

Trong tác phẩm văn học, diễn ngôn được hiểu là những ngôn ngữ đã được sử dụng qua một cá nhân cụ thể, diễn ngôn của người kể, của nhân vật và nó có tính đối thoại trong các diễn ngôn tự sự.

Khi bàn về vấn đề diễn ngôn tự sự, Nguyễn Thái Hoà đã chỉ ra, “Diễn ngôn tự sự có thể triển khai thành các văn bản tự sự phi nghệ thuật hay có tính nghệ thuật” [23]. Nguyễn Thái Hoà cũng chia ra diễn ngôn hội thoại thành: “ diễn ngôn đối thoại, diễn ngôn miêu tả, diễn ngôn miêu tả và diễn ngôn lập luận” [23]. Từ đó ta nhận ra sự hình thành của diễn ngôn tự sự, bắt đầu từ lời nói hình thành nên các diễn ngôn hội thoại và các diễn ngôn trong văn bản. Diễn ngôn văn xuôi hình thành nên diễn ngôn tự sự và diễn ngôn tự sự cấu thành các thể truyện. “Truyện là một văn bản chiếu vật diễn tiến trong thời gian tự nó mà người kể đã chọn cho nó” [23].

Như vậy, diễn ngôn tự sự là thuộc thể truyện và là những văn bản chiếu vật diễn tiến theo thời gian. Nó không phải là “những diễn ngôn tự sự tản mạn trong lời hội thoại hằng ngày, phân biệt với những diễn ngôn trung gian độc lập chưa thành một văn bản, tức chưa định hình rõ nét, tuy có sự liên kết nhưng không thành hệ thống, ví như những giai thoại, những mẩu chuyện vui “ lượm lặt gần xa” trên báo chí và trong cuộc sống hàng ngày” [23]. Diễn ngôn tự sự ở đây là văn bản “được hiện thực hoá trong hành vi kể nó có tính khuôn mẫu của thể loại: thần thoại, cổ tích, dân gian, truyện kể, tiểu thuyết…nói cách khác đó là hệ thống các diễn ngôn tự sự tập hợp trong một kiến trúc tổng thể theo một số quy tắc nhất định” [23]. Nguyễn Thái Hoà cũng phân ra làm hai loại diễn ngôn là: diễn ngôn hội thoại, có tính chất phi văn bản ( tức là nó chưa hình thành nên văn bản mà chỉ dừng lại ở những đối thoại, miêu tả, tự sự, lâp luận đơn thuần) và diễn ngôn văn bản mà biểu hiện

chủ yếu ở ngôn ngữ thơ và ngôn ngữ văn xuôi. Trong ngôn ngữ văn xuôi sử dụng các yếu tố chủ yếu là tự sự và từ đó hình thành nên các thể truyện.

Khi bàn về diễn ngôn tự sự, Đặng Anh Đào đã chỉ ra những đặc điểm tiêu biểu của diễn ngôn tự sự. Cụ thể là diễn ngôn tự sự có sự “ bảo tồn âm hưởng nghe” [42]. Nghĩa là trong các tác phẩm văn xuôi vẫn có một cấu trúc nhịp nhàng, một giai điệu ẩn náu như bè trầm của văn bản. Trong các tác phẩm văn xuôi Việt Nam hiện đại vẫn mang dáng dấp của văn học cổ xưa “văn biền ngẫu-một thứ văn xuôi có nhịp điệu, dựa vào tính chất sóng đôi hoặc đối câu vẽ chữ” [42]. Ngoài ra, diễn ngôn tự sự là “sự trường tồn của lối viết đơn âm” [42]. Nghĩa là trong tác phẩm có “sự hiện diện lộ liễu của tác giả”, nhà văn cần gửi gắm cảm xúc, tâm sự của mình qua hình ảnh nhân vật. Không nên nói ra những điều mình suy nghĩ, trăn trở một cách trực tiếp trong tác phẩm, có vậy mới khơi gợi nơi người đọc những hứng thú khám phá tác phẩm.

Diễn ngôn tự sự là một vấn đề rất rộng, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu sâu rộng. Góc độ luận văn này, chúng tôi chỉ tập trung làm rõ diễn ngôn tự sự trong truyện của Đỗ Chu những năm gần đây trên các phương diện: Lời người kể; lời nhân vật và giọng điệu trần thuật.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong truyện của Đỗ Chu những năm gần đây (Trang 88 - 91)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)