3.4.1. Khái niệm
Giọng điệu trần thuật là một trong những yếu tố quan trọng của nghệ thuật tự sự. Giọng điệu (Tone) là “ một phạm trù thẩm mĩ của tác phẩm văn học” [19]. Giọng điệu là yếu tố hàng đầu tạo nên phong cách riêng của nhà văn. Giọng điệu là “Một yếu tố đặc trưng của hình tượng tác giả trong tác phẩm” [40]. Giọng điệu không phải chỉ là những tín hiệu âm thanh có âm sắc
đặc thù để nhận ra người nói, mà là “một giọng điệu mang nội dung tình cảm, thái độ, ứng xử trước các hiện tượng đời sống” [40]. Theo Nguyễn Thái Hoà, “giọng điệu chính là một quan hệ giữa chủ thể và hiện thực khách quan thể hiện bằng hành vi ngôn ngữ trong đó bao hàm cả việc định hướng, đánh giá và thói quen cá nhân sử dụng ngôn từ trong những tình huống cụ thể” [23]. Trong truyện, giọng kể là “Hiệu quả của giọng văn đem sử dụng vào việc kể chuyện, định hướng bởi loại thể ( kể, tả, lập luận, đưa đẩy), bởi đối tượng và nội dung được kể, nó là biến thiên của giọng trong trường hợp bị khúc xạ vào hoàn cảnh cụ thể, tuy vậy mỗi truyện cũng có một cấu trúc giọng kể riêng và người kể phải giữ nhất quán” [23]. Trần Đăng Suyền quan niệm, “giọng điệu là thái độ tình cảm của nhà văn đối với sự vật, hiện tượng được miêu tả mà người đọc có thể cảm nhận được qua sắc thái biểu cảm của lời văn” [44]. Theo Khrapchenkô: “Đề tài, tư tưởng, hình tượng chỉ được thể hiện trong một môi trường giọng điệu nhất định, trong phạm vi của một thái độ cảm xúc nhất định đối với đối tượng sáng tác đối với những mặt khác nhau của nó. Hiệu suất cảm xúc của lối kể chuyện, của hành động kịch, của lời lẽ trữ tình trước hết thể hiện ở giọng điệu chủ yếu vốn là đặc trưng của tác phẩm văn học với tư cách là một thể thống nhất hoàn chỉnh” [25].
Như vậy, nét đặc trưng nổi bật nhất của giọng điệu là màu sắc cảm xúc trong mối quan hệ chặt chẽ với những yếu tố như hình thức hay nội dung của tác phẩm. Giọng điệu chịu sự quy định của cá tính sáng tạo của nhà văn. Mỗi nhà văn đều có một giọng điệu riêng. Nếu như giọng điệu chủ yếu của Nam Cao là buồn thương, da diết, giọng điệu chủ yếu của Nguyễn Công Hoan là giọng điệu suồng sã, giễu cợt, châm biếm sâu cay, giọng điệu chủ yếu của Thạch Lam là nhẹ nhàng, buồn man mác…Thì Đỗ Chu lại tạo cho mình một giọng điệu hết sức đặc trưng, mang dấu ấn riêng của Đỗ Chu, giọng trữ tình,
sâu lắng, giàu sức biểu cảm. Đây là nét đặc trưng tạo nên phong cách riêng của Đỗ Chu. Ngoài ra, trong truyện Đỗ Chu còn có những giọng điệu triết lí, giọng mỉa mai châm biếm, pha chút hài hước. Trong luận văn này chúng tôi đi sâu khai thác về giọng điệu trần thuật trong truyện Đỗ Chu ở hai đặc điểm là giọng điệu trữ tình, sâu lắng, chan chứa yêu thương và giọng mỉa mai châm biếm pha chút hài.