Mỗi tác phẩm tự sự đều xuất hiện lời người kể. Nhắc tới lời kể chuyện là phải nhắc tới người kể, đây là chủ thể đóng vai trò tạo ra các hành vi kể chuyện. Có những truyện có một người kể có những truyện có nhiều người kể, “các nhân vật có thể kể về các nhân vật khác theo lối trực tiếp” [23]. Nguyễn Thái Hoà cũng chỉ ra có hai hình thức xuất hiện của người kể là “người kể về mình (người kể ở ngôi thứ nhất, xưng “tôi”); người kể về người khác (người kể ở ngôi thứ ba, ẩn mình đi)” [23]. Trong mỗi tác phẩm tự sự
người kể chuyện được xây dựng để phát ngôn cho ý đồ sáng tạo nghệ thuật của mỗi nhà văn. Cũng không thể đồng nhất người kể chuyện và tác giả là một. Mỗi văn bản trần thuật có thể xuất hiện một hoặc nhiều người trần thuật nhưng chỉ có một chủ thể trần thuật. “Chủ thể trần thuật phân hoá cho các người trần thuật khác nhau, phân tán giọng điệu ở các tầng bậc khác nhau, mà người trần thuật không phải là kẻ đại diện quan trọng nhất của chủ thể trần thuật và chủ thể trần thuật vẫn không đồng nhất với tác giả” [40]. Người kể chuyện có hai loại là người kể chuyện không đáng tin cậy (khi “lời của người trần thuật nhiều khi không nhất trí với khuynh hướng yêu ghét của tác phẩm” [40]) và người kể chuyện tin cậy (khi “lời của người trần thuật nhất trí với nhân vật, với tác giả hàm ẩn trong tác phẩm” [40]). Lời người kể (lời người trần thuật) là “toàn bộ lời văn của người trần thuật hoặc người kể chuyện có chức năng trình bày toàn bộ thế giới hình tượng” [30].
Lời người kể là lời của người đứng ra kể lại toàn bộ câu chuyện đó. Có thể là lời của nhân vật xưng “tôi” khi xuất hiện ở ngôi thứ nhất, khi đó người kể sẽ trực tiếp tham gia vào câu chuyện. Người kể cũng có số phận, hành trình cuộc đời trong tác phẩm.
Trong truyệnLão Mai, nhân vật “tôi” tự đứng ra kể chuyện về mình, về
lão Mai. Vợ bị bệnh nặng nằm liệt giường, “tôi” phải tự xoay sở lo liệu cho vợ, lại phải tới nhà lão Mai để cắt thuốc cho vợ. Qua hành trình tới nhà lão Mai, nhân vật “tôi” đã trực tiếp biểu lộ cảm xúc của mình trong những lần ở nhà lão Mai. “Sáng sáng tôi thường dậy sớm pha nước rửa mặt cho nhà tôi, cho cô ấy đi ngoài bằng một cái bô nhựa đặt lên chiếu, rồi bón cháo, bón thuốc. Xong xuôi là nai nịt gọn gàng nhảy phóc lên chiếc xe đạp tìm xuống gặp ông. Một là để báo cáo tình hình con bệnh, hai là cầm bút ghi đơn theo lệnh của ông”. Thông qua lời kể của nhân vật “tôi”, người đọc nhận ra chân
dung của lão Mai, một người đã ngoài chín mươi vẫn cắt thuốc cứu người, giàu lòng y đức, và đặc biệt lão rất uyên thâm chuyện đời. Mặc dù có những nét khác thường, nhưng lão đã khiến nhân vật “tôi” từ chỗ e ngại, lo sợ tới cảm phục, yêu kính và tiếc nuối. Tiếc nuối vì có thể mai đây lão sẽ không tiếp tục còn “trổ hoa” như gốc mai già kia. Một ngày nào đó sẽ không có người kế nghiệp của lão. Sử dụng lời kể là lời của nhân vật “tôi” trực tiếp kể chuyện của mình, vì thế câu chuyện có phần hấp dẫn và đáng tin cậy hơn. Người kể trực tiếp bày tỏ các quan điểm của mình về sự kiện được kể. Đồng thời qua đó có thể trực tiếp dẫn dắt người đọc vào các tình tiết câu chuyện theo chủ quan của mình. Kể theo dạng thức này có tác dụng miêu tả sinh động các sự kiện trực tiếp theo hành trình nhân vật kể chuyện, và người đọc sẽ dễ dàng thâm nhập sâu hơn vào đời sống nội tâm nhân vật kể chuyện.
Giống như Lão Mai, trong truyện Đất bãi, lời người kể là lời nhân vật
xưng “tôi”, đứng ra kể lại câu chuyện. Tuy nhiên, đây là kể chuyện chủ yếu về người khác, mặc dù “tôi” có tham gia trực tiếp vào câu chuyện, nhưng những biến cố chính lại là Ngân, Nga, bà Thắng và Nhuần. Câu chuyện về cuộc đời bà Thắng khi gắn bó với ông Thắng có hai cô con gái là Ngân và Nga. Họ sống ở bãi giữa. Cô chị yêu anh Hồng, khẩu đội trưởng của “tôi” và Nhuần. Hồng hi sinh, Ngân cũng đi lấy chồng. Vậy là Nga và Nhuần đã có những ước hẹn sau này. Nga đi du học, Nhuần vào chiến trường. Khi hoà bình, Nhuần làm bảo vệ tại Viện Hoá, và Nga lại về đó công tác. Tình yêu của họ đã đi tới đích khi họ quyết định cưới nhau. Ở đây người kể chuyện trực tiếp tham gia vào câu chuyện nhưng lại kể nhiều về người khác. Thông qua đó người đọc có thể thấy được thái độ của các nhân vật và của người kể chuyện qua từng cảnh huống.
Trong truyện Một loài chim trên sóng, lời nhân vật “tôi” mang tính tự
thuật đã thể hiện rất rõ qua các chặng của truyện. Đó là những xúc cảm của “tôi” về những kí ức tươi đẹp về làng quê, về những ngày sống bên bà, cùng bà đi bán ruộng dưới Sơn. Là những kỉ niệm buồn về làng với những kiếp người sống bấp bênh, nổi lênh, bế tắc như cô Nỗng, như bao người khác khiến mỗi khi nhớ lại, nhân vật “tôi” không giấu nổi cảm xúc của mình: “Tôi từ khi biết bưng bát cơm trên tay trong cái đầu không óc của mình chỉ thấy những ngậm ngùi muốn ứa nước mắt. Thương từng bước chân người làng sao mà lật đật, những bước chân mạnh mẽ quá sức cần thiết, đi thế thì đã nhàn nhã làm sao được. Rồi những tiếng mẹ gọi con, vợ gọi chồng í a í ới chiều hôm nghe sao chất phác quá chừng…thôi thì trâu ta ăn cỏ đồng ta, cái phận làng mình nó như vậy, thì thương luôn cái phận ấy. Mấy bước đi trên mảnh đất làng với tôi đủ là một nỗi niềm, một yêu dấu”. Lời tự thuật của “tôi” đã tạo đã tạo ra chiều sâu của thế giới nội tâm nhân vật. Những gì nhân vật “tôi” nhìn thấy, miêu tả, kể lại đều rất đáng tin cậy. Vì đó là cái tôi nội cảm, người đọc đáng tin hơn vào lời kể của nhân vật “tôi”. Không chỉ là cảm xúc về làng quê, nhân vật “tôi” còn biểu lộ cảm xúc về ông Chánh, về bà, về anh Ty, chị Tâm, Diễm. Họ là những người đã để lại bao ấn tượng khó phai nhoà trong tâm tưởng tôi. Từ những xúc cảm khác nhau về các nhân vật được tôi kể lại, nhân vật “tôi” đã thể hiện thái độ đầy tính chiêm nghiệm, triết lý về đời người, kiếp người: “Ôi dào, hay hớm cái nỗi gì hả chị Tâm, hả Diễm. Chẳng qua đời mỗi chúng ta cũng giống như con chim gì đang nhảy nhót chấp chới trên những con sóng. Chỉ những ai từng lênh đênh ngoài khơi mới gặp loài chim ấy. Chẳng hiểu chúng đậu vào đâu mà sống nổi và nhờ đâu mà chúng vẫn cất tiếng hót giữa trùng trùng sóng gió. Kiếp người tưởng vậy mà nào có khác là bao”. Dạng thức lời tự thuật của nhân vật đã tạo nên tình huống
truyện như thật. Người đọc như đang chứng kiến sự kiện diễn ra với sự tham gia trực tiếp của người kể chuyện. Người kể vì thế mà có sự thay đổi liên tiếp về trạng thái, cảm xúc, tạo niềm tin cho độc giả. Đồng thời tăng thêm tính trung thực cho câu chuyện được kể.
Lời người kể còn là lời của nhân vật vô hình (lời kể trữ tình ngoại đề.). Người kể ẩn mình đi nhưng thể hiện kín đáo cái tôi thứ hai của tác giả. Lúc đó người kể xuất hiện với ngôi thứ ba, không lộ diện, đứng ngoài câu chuyện để soi xét sự việc và sử dụng toàn bộ lời dẫn dắt, bình phẩm về sự việc và nhân vật ở mọi góc cạnh của tác phẩm. Đây là dạng thức lời kể gián tiếp (hay còn gọi là lời nửa trực tiếp). Nghĩa là trong quá trình kể luôn có sự kết hợp, đan xen giữa ngôn ngữ người kể chuyện, ngôn ngữ tác giả (đôi lúc tác giả tựa vào nhân vật để kể) và ngôn ngữ nhân vật. Mặc dù người kể không xuất hiện lộ diện, nhưng vẫn luôn gửi gắm quan điểm, tư tưởng của mình qua các nhân vật trong khi kể. Người kể chuyện len lỏi kín đáo vào góc sâu tâm hồn nhân vật để chiêm nghiệm, xúc cảm và đưa ra những cảm quan đánh giá, bình phẩm của mình, tạo nên sự song trùng về xúc cảm, giọng điệu giữa người kể và nhân vật.
Dạng thức này, Nam Cao sử dụng rất nhiều. Trong truyện ngắn Chí Phèo đoạn văn sau thể hiện rất rõ: “ Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi… Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: “Chắc nó trừ mình ra!”. Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Ờ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế thì có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không?” . Ở đây có lời của người kể, lời của nhân vật đan xen nhau. Thậm chí đan lồng, trùng lặp, khó phân biệt đó là lời của nhân vật hay lời
người kể. Đây là hình thức lồng ghép về cảm xúc, thái độ của người kể với nhân vật trong truyện.
Trong các truyện của Đỗ Chu, dạng thức sử dụng lời kể nửa trực tiếp được nhà văn khai thác tối đa.
Truyện Chuyến đi cuối năm, lời người kể là lời của nhân vật vô hình,
đứng ra kể chuyện về nhân vật Lăng, một nghiên cứu sinh đang chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ. Lăng đang đi tìm tư liệu thực tế cho bản luận án. “Anh là giảng viên khoa sinh thái học trường đại học Quốc Gia. Bạn bè thân quen thì thích gọi anh là thằng Lăng “chim học”. Là vì anh khá am tường về các loài chim, đã có sách viết về chim và đặc biệt là rất yêu chim. Giờ anh lại đang muốn phân họ các loài chim ở đồng bằng Bắc bộ”. Mặc dù giáp tết, nhưng anh vẫn phải xa gia đình. Lòng đam mê nghề nghiệp đã khiến anh quyết tâm ra đi đến vùng biển xa xôi này. Nhà văn đan cài cả lời kể của nhân vật trong quá trình dẫn dắt câu chuyện. Đó là lời bác Kiên kể về kỉ niệm những ngày ở chiến trường với đồng đội: “ Vào mùa xuân năm con khỉ, năm Mậu Thân đó, chú Lăng có biết anh em chúng tôi ăn một cái tết như thế nào không? Rạt cả lên rừng, ngày húp một vậc cháo…”. Ở truyện Chuyến đi cuối năm này, nhà
văn sử dụng chủ yếu là dạng thức lời kể của người kể chuyện ẩn mình. Xen trong đó là lời kể của nhân vật. sử dụng lời kể của người kể chuyện ẩn mình xen những lời trữ tình ngoại đề tạo nên một mạch truyện lôgic, nhất quán. Người kể có thể bao quát toàn bộ câu chuyện, xuất hiện ở mọi không gian của truyện, dễ dàng thâm nhập vào đời sống nội tâm nhân vật để từ đó biểu lộ xúc cảm hay bình phẩm. Ngoài ra, nhà văn cũng khám phá ra những bí ẩn sâu kín trong suy nghĩ của nhân vật giúp người đọc như sống cùng thế giới nội tâm nhân vật. Đó là nét độc đáo của dạng thức lời người kể “biết tuốt”.
Có những truyện, nhà văn không sử dụng đơn thuần lời nhân vật hay lời người kể mà có sự lồng ghép tinh tế giữa hai dạng lời kể này, đó là cơ sở để người kể kín đáo bày tỏ thái độ của mình với nhân vật hay các sự kiện trong truyện. Trong truyện Hoạ mi hót, xuất hiện khá nhiều dạng thức lồng
ghép lời người kể và lời nhân vật. “ Sắp già với nhau rồi phải vậy không chi Lương. Thời trẻ trung tìm bạn đã khó, nay luống tuổi, để tìm ra bạn tưởng là chuyện mò kim đáy bể mới phải. Nhưng với hai ông bà này thì không hẳn thế. Là vì chưa biết nên mới phấp phỏng dò đoán đấy thôi. Họ có chung một khoảng trời, có chung một vùng lau sậy kín đáo nhiều âu yếm và họ biết giữ gìn nó lâu bền”.
Truyện Mận trắng, lời nhân vật và lời người kể cũng được lồng ghép,
kết hợp chặt chẽ, tạo ra hai tiếng nói trên cùng phương diện phát ngôn, tiếng nói của nhân vật và của người kể. “Có ai hiện ra trên bờ dốc nơi những cây mận trổ hoa. Vẫn là cô gái ban nãy, cô đứng đó mà nhìn xuống. Nếu bây giờ Lân bất ngờ hiện ra, nếu đó lại là Lân. Liệu cô có còn một lần tới đây nữa không? Có thể cô sẽ tới, và nếu thế, anh sẽ chạy đến với cô, anh sẽ nắm lấy cổ tay héo hon của cô, hai đứa sẽ nhìn vào nhau mà chẳng cần phải nhiều lời, chẳng cần phải nói gì nữa cả. Tôi đây mà, Thuyên đây mà, Lân ạ”. Sự lồng ghép lời người kể và lời nhân vật giúp người đọc dễ dàng khám phá chiều sâu tâm hồn nhân vật, những góc khuất của cuộc sống được phơi bày. Những lời nói bên trong của Thuyên lại lồng trong lời người dẫn truyện, tạo sự gắn kết về cảm xúc, tâm tư của nhân vật và người dẫn truyện.
Sử dụng dạng thức lời kể trực tiếp và lời kể gián tiếp (nửa trực tiếp) đã tạo nên sự phong phú trong nghệ thuật tự sự của truyện Đỗ Chu. Mỗi dạng thức đều có nét ưu trội riêng. Sử dụng lời kể trực tiếp sẽ tạo độ tin cậy cho người đọc hơn lời kể gián tiếp. Tuy nhiên phương diện xuất hiện để quan sát,
miêu tả sẽ hạn chế hơn so với dạng thức lời kể gián tiếp. Với việc sử dụng đa dạng lời kể, Đỗ Chu đã tạo nên những trang văn đậm chất trữ tình, mang đậm dấu ấn của nhà văn. Đây là tiền đề để người đọc khai thác sâu hơn các đặc điểm của nhân vật, thâm nhập sâu hơn vào thế giới nội tâm nhân vật. Từ đó có những đánh giá, cảm nhận riêng về nhân vật và những sự kiện trong truyện. Phối hợp nhuần nhuyễn các dạng lời kể đã tạo nên những trang văn nhẹ nhàng, trữ tình luôn hấp dẫn độc giả nhiều thế hệ.