3.3.1. Khái niệm
Nhân vật văn học là những “con người cụ thể được miêu tả trong tác phẩm văn học” [19]. Nhân vật là hồn cốt của tác phẩm văn học. Nhân vật là nơi nhà văn kí thác tâm sự và nỗi niềm của mình, từ đó truyền tới độc giả một thông điệp về con người và cuộc sống. Thông qua nhân vật, người đọc cảm nhận và phát hiện ra những vấn đề mà nhà văn đặt ra trong mỗi tác phẩm văn học. “Lời trực tiếp là lời của nhân vật trong tác phẩm văn học” [40]. Theo Nguyễn Thái Hoà quan niệm “lời thoại của nhân vật là hình thức kể chuyện cá thể hoá triệt để tính cách và tình huống đối thoại” [23]. Lời nhân vật có thể là lời đối thoại hoặc lời của nhân vật kể chuyện khi truyện được kể theo ngôi thứ nhất, người kể xưng “tôi”. Lời nhân vật có thể đứng ra dẫn dắt kể lại toàn bộ câu chuyện hoặc nhân vật kể lại một chuyện gì đó trong cuộc thoại, đó có thể là mẩu chuyện ngắn, cũng có thể là những câu chuyện về cuộc đời nhân vật.
Độc thoại là “lời của nhân vật, lời trực tiếp, có thể nói với mình, hay với người khác, nhưng nó độc lập với các lời đối đáp” [40]. Lời nhân vật còn xuất hiện dạng thức độc thoại nội tâm. Đây là “một biện pháp bộc lộ những cảm xúc, ý nghĩ thầm kín của nhân vật”[40]. Độc thoại nội tâm “có thể là lời
trực tiếp vừa có thể là lời gián tiếp dùng để trần thuật” [40]. Sở dĩ độc thoại nội tâm được coi là lời trực tiếp và lời gián tiếp vì nó bao gồm “ lời nói không phát ra lời của nhân vật; lời nửa trực tiếp, nơi mà tác giả nhân danh mình, nhưng lại nắm bắt từ ngữ, ngữ điệu của nhân vật”[40].
Lời nhân vật được biểu hiện qua các cuộc đối thoại hay độc thoại nội tâm. Lời nhân vật không những được dùng để miêu tả tính cách mà là đối tượng của sự miêu tả nghệ thuật. Để cho người đọc đánh giá về nhân vật qua nội dung của lời kể, cung cách nói năng, khẩu khí của nhân vật. Trong truyện của Đỗ Chu chúng tôi thấy chủ yếu xuất hiện hai dạng thức của lời nhân vật là lời đối thoại và lời độc thoại nội tâm.