Tần suất kể lặp lạ

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong truyện của Đỗ Chu những năm gần đây (Trang 82 - 88)

Truyện kể trùng lặp các sự kiện, kể lại nhiều lần một sự kiện xảy ra, nhằm mục đích nhấn mạnh chủ đề hay vấn đề cần phản ánh, tạo dấu ấn riêng cho người đọc. Theo G.Genette, “là trần thuật nhiều lần trong lúc sự việc chỉ xảy ra có một lần” [31]. Trần thuật lặp lại nhằm nhấn mạnh về một sự ám ảnh nào đó hoặc với dụng ý nhấn mạnh về sự kiện mốc thời gian tạo cho câu chuyện kể có điểm nhấn. Nó không phải là sự lặp lại đơn điệu mà là lặp lại có chủ ý của người viết.

Khảo sát truyện Đỗ Chu chúng tôi thấy, những truyện viết trước những năm 1980 cũng có xuất hiện cách kể trùng lặp như Hương có mật, chi tiết

được lặp lại nhiều là hình ảnh cô giáo Nhâm và mùi hương có mật thơm ngào ngạt trên núi Voi. Hình ảnh ấy cứ trở đi trở lại trong truyện, nó trở thành một ám ảnh khó quên của Tuân từ thời thơ bé tới khi đi bộ đội. Đó là những hình ảnh nhắc Tuân nhớ tới cô bé Phương, bạn chăn trâu một thuở. Và đặc biệt là cô giáo Nhâm, vợ của bố Tuân sau này. Chính là cô Nhâm và mùi hương cỏ mật kia đã giúp Tuân thêm yêu cuộc sống, yêu quê hương và vững vàng hơn trong quân ngũ. Trần thuật lặp lại trong truyện Hương cỏ mật có tác dụng lí

giải chiều sâu những ám ảnh trong tâm hồn nhân vật. Giống như cách khai thác ấy, sau này Đỗ Chu vẫn sử dụng lối trần thuật lặp lại, nhưng không chỉ lí giải chiều sâu tâm lí nhân vật mà còn nhằm mục đích tạo ra những dấu ấn của sự kiện được kể, đôi khi còn tạo ra sự co giãn thời gian kể. Nhờ vậy mà tình huống truyện có phần hấp dẫn hơn.

Truyện ngắn Mưa tạnh, tình tiết được kể là khoảnh khắc trời mưa cùng

lúc nhân vật “anh” bị cơn sốt rét hành hạ. Lần thứ nhất khi mê man, “anh” đã phải đối mặt với những khó khăn về bệnh tật. Một mình trên công trường đá, “anh run lập cập, không chống đỡ nổi, hai hàm răng đánh vào nhau, toan đưa

tay ra tìm cái vỏ chăn đắp lên mình, nhưng những ngón tay đã như của người khác cứ lẩy bà lẩy bẩy mãi, phải gắng lắm mới kéo nổi tấm chăn đang gối đầu xuống bụng, lại phải một thôi nữa để tung nó ra. Chẳng ăn thua gì, có vẻ càng rét thêm vì mảnh chăn nữa, rét buốt óc, rét như có hai mũi dùi nhọn hoắt xoáy vào thái dương. Anh nằm co ro trong tấm chăn mỏng, đầu gối thích vào cái bụng nét buồn bã theo dõi bệnh tình của mình”. Trong cơn mê man hình ảnh con thằn lằn, chập chờn hiện ra. Đó là con thằn lằn lửa, nó đang thiêu đốt anh. Anh nhớ về một trận bủa vây của quân giặc. Chúng đang đốt anh. Anh hốt hoảng cầu cứu đồng đội, chỉ có mình anh và con ngựa trắng trên công trường, nó khiến anh liên tưởng đến hình ảnh bác sĩ đang theo dõi bệnh của anh. Qua cơn mê man anh nhớ tới kỉ niệm “hồi còn ở rừng với nhau”, đó là thời kì anh và đồng đội bị sốt rét rừng hành hạ. Đã có nhiều người qua khỏi, nhưng cũng đã có người mãi mãi nằm lại nơi chiến trường, không bao giờ cùng đồng đội hành quân được nữa.

Mưa lại bắt đầu nặng hạt. Tình tiết này lại được lặp lại như lúc đầu. Nhân vật “anh” đang nhớ về kỉ niệm tuổi thơ cùng lũ bạn vui đùa khi có mưa. Anh nhớ lại kỉ niệm về bố qua lời mẹ kể. Bố anh mê chơi chim, và tới mức bị chết vì làm mất con chim sơn ca. Lần mê man tiếp theo này anh mê gặp mẹ ra chăm sóc anh và đặc biệt hình ảnh Nhân, cô gái anh thầm yêu đang ở cạnh anh. Nhân là chị của Hùng, đồng đội của nhân vật “anh”. Trước lúc hi sinh Hùng đã hứa gả chị gái cho anh. Thật tình cờ, Nhân giờ lại đang sống cùng với anh. Vậy là sự sắp đặt tình cờ kia đã làm nên một tình yêu thầm lặng của Nhân và anh. “Lại mưa. Cơn mưa dai dẳng và cũng như đêm qua, cơn sốt rét lại kéo tới, trong cơn mê sảng con thằn lằn lửa lại hiện ra cào vuốt vào ngực anh, quấn chặt lấy người anh khiến anh bỏng rẫy, khiến anh la hét gọi tên người bạn đã khuất của mình, con thằn lằn khổng lồ đã chạy trốn khi anh cầu

cứu bạn”. Sự việc cứ trở đi trở lại đầy ám ảnh trong anh. Nhưng lần này không phải đồng đội giải vây cho anh mà là Nhân. Nhân đang nắm tay anh, đang ngồi bên anh, đang chăm sóc anh. Mưa đã tạnh, cơn sốt rét đã qua. Anh sẽ bình phục, sẽ đến với Nhân. Nhân đã nhận ra anh là đồng đội của Hùng, em trai mình, anh là người Hùng từng giới thiệu cho chị. Vậy là Nhân đã có thể biết thêm về anh qua Hùng và có thể yên tâm khi nhận lời yêu anh. Kể chuyện theo chiều sâu tâm lí nhân vật, chi tiết lặp lại có tác dụng khắc sâu hơn đặc điểm nhân vật. Sốt rét rừng nó không buông tha những người lính kể cả khi ở chiến trường hay khi đã rời quân ngũ. Những ám ảnh về một thời khói lửa luôn thường trực trong nhân vật “anh”. Nhưng anh đã được “giải vây” nhờ tình yêu thương của Nhân. Sau cơn mưa trời lại sáng, anh đã vươn tới hạnh phúc đích thực của mình.

Giống như Mưa tạnh, trong chuyện Lão Mai, chi tiết được kể lặp lại

nhiều nhất là sự kiện nhân vật “tôi” ngày ngày tới nhà lão Mai để cắt thuốc chữa bệnh cho vợ. Mỗi lần tới là một lần đổi khác về tâm thế của nhân vật lão Mai. Mỗi lần đến là một lần nhân vật “tôi” được hiểu thêm về chuyện đời, chuyện người mà lão Mai cho “tôi” biết. Là người ở tuổi ngoài cửu tuần, lão Mai vẫn chữa bệnh cứu người, tính tình thẳng thắn điềm tĩnh trước mọi việc khiến nhân vật “tôi” thấy e sợ. Đặc biệt là những hiểu biết của lão Mai về y thuật, về cuộc sống đã mở mang cho nhân vật “tôi” rất nhiều. Lão Mai đúng là một cây mai già tuy lá, hoa rất ít “nhưng gốc lớn”. Lão là điểm tựa cho lớp lớp bệnh nhân và những người như “tôi”. Chi tiết lặp lại đã được khắc hoạ thêm nhân vật lão Mai về con người của hồn xưa. Lão đang truyền lại y đức cho hậu thế. Lão là điển hình cho lớp người đi trước tuy cao tuổi nhưng đầy sức sống. Uyên thâm chuyện nghề, chuyện đời. Vẫn “trổ hoa” dâng tặng cho đời. Chi tiết lặp lại có tác dụng làm thay đổi điểm nhìn của nhân vật “tôi”

trong những lần tới nhà lão Mai. Nó có tác dụng nhấn mạnh sự kiện được kể, nhấn mạnh đặc điểm nhân vật được khắc hoạ. Nhân vật “tôi” có sự biến đổi về tâm trạng từ sợ hãi, lo lắng tới thán phục và yêu kính có phần tiếc nuối.

Trong truyện Mảnh vườn xưa hoang vắng, chi tiết lặp lại nhiều nhất và

thu hút sự chú ý của độc giả nhiếu nhất là chi tiết về hội Chen. “Chập tối cả làng cả họ gọi nhau ra sân đình, kéo nhau cả vào sân đình, chật như nêm. Rồi trống thúc bốn mặt, đèn đuốc tắt hết, người người trỗi lên như sóng, đàn ông ngửi hơi đàn bà, con gái nằm nghe tiếng con trai, sờ sẫm đoán định chen cọ xô đẩy, như những đứa mù tìm nhau”. Đây là lễ hội dành cho trai thanh gái lịch yêu đương đi tìm nhau để kết đôi. Đây cũng là dịp để cho “Những mối tình dang dở, những cặp vợ chồng ngang trái, những ước hẹn không thành” gặp nhau, tâm sự, thậm chí họ còn trao thân cho nhau. Theo lệ làng, “hôm ấy là một ngày giải phóng, hoàn toàn tự do, vợ đi đằng vợ, chồng đi đằng chồng, lặn một lèo suốt đêm như cá gáy dưới ao bèo”. Một lễ hội có phần kỳ lạ, nhưng rất ấn tượng. Trong con mắt của ông Lãi thì đây là một lễ hội bậy bạ, vì nó mang dáng dấp tập quán của thời nguyên thuỷ. Nhưng dưới góc nhìn của Đống, đây là lễ hội đầy nét văn hoá. Hội Chen được mở trước ngày Đống lên đường tòng quân. Đống đã không tìm thấy Xuân, người anh từng yêu đương, hò hẹn. Vì đám thanh niên chen đẩy, Đống đã lạc mất Xuân. Vậy là lỡ hẹn. Giờ Xuân đã là vợ của Lãi. Khi trở về từ chiến trường, Đống lại khôi phục lại hội Chen. Hội Chen mở Đống lại chờ Xuân. Cả đêm diễn ra lễ hội, Xuân không đến. Hội Chen ngày trước là sự hò hẹn yêu đương của hai người đang yêu. Hội Chen lần này là sự hò hẹn của mối tình lỡ dở. Tình huống bất ngờ nhất là cô cháu gái của chồng Xuân đã tìm tới Đống, anh lầm tưởng đó là Xuân, nhưng lại nhận ra sự thực, anh đã từ chối tình cảm của cô gái. Trong anh vẫn nhen lên tình yêu với Xuân. Hội Chen là nơi hò hẹn hay cũng là bến

đậu của tình yêu, là nơi tháo gỡ những vướng mắc trong tình yêu. Đống đã tìm tới tùnh yêu đích thực sau lần mở hội Chen ấy. Ông Lãi và bà Xuân đã đứng ra se duyên cho Đống và cháu của họ. Ngày tổ chức lễ cưới đang đến gần. Vậy là hội Chen đã đem đến tình yêu đích thực cho Đống. Chi tiết kể lặp lại về hội Chen được nhìn dưới nhiều góc độ khác nhau đã cho người đọc hiểu rõ hơn về lễ hội với những nét đặc trưng văn hoá này. Đây cũng là dụng ý của nhà văn nhằm khắc sâu đặc điểm tâm lí nhân vật. Với ông Lãi, đây là kỉ niệm buồn vì một thời ông từng lấy được Xuân từ tay Đống. Với Đống, đó là sự nuối tiếc về một tình yêu đẹp nhưng buồn. Và lần mở hội gần đây, Đống đã không có cơ hội tìm lại cảnh cũ người xưa, mà Đống đã đến với mối duyên mới do sự sắp xếp của người yêu cũ là Xuân. Vậy là với Đống, hội Chen từ chỗ để tìm lại người yêu cũ, để ôn lại kỉ niệm một thời, thành nơi gieo mầm cho hạnh phúc mới. Đồng thời người đọc còn nhận ra nét đẹp của Lãi và Xuân. Họ không sống với quá khứ mà đang sống vì hiện tại. Họ biết lo lắng cho tương lai của Đống, vun đắp hạnh phúc cho Đống. Mảnh vườn xưa

hoang vắng còn có sự lặp lại về chi tiết tiếng kèn Đống thổi. Tiếng kèn ấy

như gieo vào lòng người nỗi buồn tê tái, nhưng đôi khi nó trở thành tiếng kèn vui. “Đang than vãn tỉ tê trong điệu lâm khốc, đang mủi lòng đau thương trong điệu lưu thuỷ trường, bỗng nhiên tiếng kèn bắt bừa sang sẩm xoan, cò lả, có lúc dìu dặt thiết tha như thể đến hẹn lại lên”. Mảnh vườn xưa đã thành hoang vắng nay có thêm tiếng kèn lại càng não lòng người hơn. Nhưng nhờ tiếng kèn ấy mà cô gái nhà bên đã động lòng trắc ẩn, cô đã yêu Đống, sau này hai người đã nên vợ nên chồng. Sử dụng các yếu tố lặp lại có tác dụng tạo điểm nhấn cho các sự kiện được kể trong những ngữ cảnh khác nhau. Lặp lại nhưng không phải là sự lặp lại một cách đơn điệu, nhàm chán mà đã tạo nên nét độc đáo riêng trong mạch văn và cho thấy sự phong phú trong việc mở ra

các không gian và thời gian khác nhau của truyện.

Nếu như sự lặp lại của tình tiết bóng đêm trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam là sự nhấn mạnh tới bóng tối, qua đó phản ánh hiện thực những kiếp sống tối tăm ở nơi phố huyện nghèo, bế tắc. Trong truyện của Đỗ Chu, sự lặp lại có dụng ý tạo ra các điểm nhìn ở những góc cạnh khác nhau, những không gian khác nhau. Qua đó người đọc còn thấy được những đặc điểm nổi bật trong chiều sâu tâm hồn nhân vật. Giữa truyện của Thạch Lam và truyện của Đỗ Chu có những yếu tố lặp lại, tương đồng nhau và đều phảng phất chất thơ trong truyện. Tuy nhiên các yếu tố lặp lại trong truyện Đỗ Chu vẫn mang nét riêng, khó gì có thể thay thế. Đây là dấu ấn của tâm hồn nhà văn.

Thời gian trần thuật là một trong những đặc điểm hết sức quan trọng trong tác phẩm tự sự. Trong truyện của Đỗ Chu, thời gian trần thuật xuất hiện hết sức nổi bật, phong phú, đa dạng. Đó là thời gian tuyến tính, thời gian đan xen đảo lộn, quá khứ, tương lai, hiện tại. Với sự phong phú trong cách sắp xếp các sự kiện, sử dụng thời gian kể linh hoạt đã tạo nên những truyện có sự hài hoà giữa trình tự kể, nhịp điệu kể, tần suất kể. Có những truyện trình tự được kể biên niên, có những truyện trình tự kể đảo lộn, đan xen các sự kiện. Có những truyện đựoc kể với tốc độ chậm rãi, có truyện tốc độ kể tương đối nhanh. Trong thế giới truyện Đỗ Chu, có truyện nhịp điệu kể dãn dần các sự kiện, có truyện nhịp điệu tăng dần, hối hả, mau lẹ. Có những sự kiện được trần thuật theo tần suất kể đơn nhất, có sự kiện luôn có sự trùng lặp theo tần suất kể lặp lại. Chính các đặc điểm trên đã tạo nên thế giới truyện Đỗ Chu có sự phong phú trong thời gian kể truyện. Người đọc có thể tìm thấy cá tính sáng tạo của nhà văn qua các tác phẩm. Sự linh hoạt trong sự sắp xếp các sự kiện, tình tiết đã tạo ra những trang văn sống động, bàng bạc chất thơ và nhẹ

nhàng, đưa người đọc thâm nhập sâu hơn vào thế giới truyện của nhà văn. Sử dụng thời gian trần thuật là một trong những phương tiện truyền tải nội tâm là nét nổi bật của nghệ thuật sáng tác truyện Đỗ Chu. Nó đã tạo nên được nét đặc trưng trong thế giới truyện Đỗ Chu giàu chất thơ, mang đậm nét trữ tình.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong truyện của Đỗ Chu những năm gần đây (Trang 82 - 88)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)